| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ ngư dân sản xuất trên biển

Thứ Ba 25/06/2013 , 10:12 (GMT+7)

Ông Hoàng Đình Yên, Phó Cục trưởng Cục Khai thác & BVNLTS cho biết, nước ta có gần 3.500 tổ, đội SX trên biển với khoảng 21.400 tàu (bình quân 6 - 7 tàu/tổ).

Tại hội thảo về việc ban hành chính sách phát triển mô hình tổ, đội SX trên biển, do Tổng cục Thủy sản vừa tổ chức, ông Hoàng Đình Yên, Phó Cục trưởng Cục Khai thác & BVNLTS cho biết, nước ta có gần 3.500 tổ, đội SX trên biển với khoảng 21.400 tàu (bình quân 6 - 7 tàu/tổ).

 

Các mô hình tổ, đội được hình thành đã giúp nhau chia sẻ được thông tin về ngư trường, thời tiết, kinh nghiệm SX, hỗ trợ nhau xử lý rủi ro, tổ chức dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, tương trợ, giúp đỡ gia đình các tổ viên, phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia bảo vệ chủ quyền… Đồng thời hợp tác, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong SXKD, nhờ đó đời sống của ngư dân được cải thiện rõ rệt.


Ngư dân Thái Bình chuẩn bị cho chuyến ra khơi

Thực tế cho thấy, khi tham gia mô hình này, chi phí đầu tư cho SX của ngư dân giảm đi đáng kể, sản lượng tăng (tăng từ 1,2 - 1,5 lần so với khi chưa tham gia tổ). Các thành viên trong mô hình có thể hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, tự bảo vệ nhau khi có cướp biển tấn công.

Ngoài ra, thông qua hoạt động của các tổ, đội, các đơn vị chức năng cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về chủ quyền quốc gia, vùng đặc quyền kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến các tổ, đội SX trên biển như thông tin liên lạc hai chiều giữa tổ trưởng của các tổ, đội với các cơ quan quản lý chưa tốt, gây khó khăn trong việc thông báo diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Chưa tổ chức được các tàu dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động khai thác hải sản, liên kết với nhau để ký kết các hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà máy chế biến thủy sản để tránh bị chủ nậu, vựa ép giá.

Thêm vào đó, một số chủ tàu trong các tổ, đội vẫn còn thiếu vốn để mua sắm máy thông tin liên lạc, trang thiết bị khai thác, hầm bảo quản sản phẩm trên tàu, thiếu vốn để cải hoán tàu thuyền, đầu tư nghề mới, chuyển đổi nghề phù hợp… tình trạng thuyền viên bỏ tàu vẫn thường xuyên xảy ra.

Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng cục Thủy sản cũng đã giới thiệu thiết bị liên lạc cho ngư dân mang tên SeaGateway. Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao kết quả thử nghiệm của thiết bị này. Thiết bị này sẽ được trang bị tới từng tàu cá nếu như ngư dân, các đơn vị liên quan với các gói cước phù hợp.

Một số tổ, đội được thành lập nhưng hoạt động không đúng theo quy ước, cam kết chung. Ngư dân luôn có tư tưởng giấu ngư trường khai thác, không khai báo tọa độ với cơ quan chức năng…làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi tàu thuyền khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển.

Sở dĩ có những hạn chế trên là tại một số địa phương, ngư dân vẫn khai thác mang tính tự cấp, tự túc, thiếu vốn SX. Sự hợp tác của các ngư dân chưa thực sự sâu sắc. Các tổ trưởng, thuyền trưởng còn thiếu kỹ năng quản lý phòng tránh thiên tai và phát triển tổ, đội khai thác xa bờ.

Chính quyền các cấp ở một số nơi chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển tổ ngư dân đoàn kết SX trên biển.

Với ý nghĩa to lớn về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, việc phát triển các mô hình tổ ngư dân đoàn kết SX trên biển là rất cần thiết, giúp họ phát triển tạo sự liên kết, nâng cao hiệu quả SX, đảm bảo an toàn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Xử phạt 8 tàu thuyền vi phạm lĩnh vực thủy sản hơn 340 triệu đồng

Thừa Thiên - Huế Lực lượng chức năng tổ chức bắt giữ, xử lý 6 vụ với 8 phương tiện tàu thuyền, đồng thời ra quyết định xử lý vi phạm hành chính số tiền hơn 340 triệu đồng.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất