| Hotline: 0983.970.780

Họ xứng đáng được vinh danh

Thứ Ba 19/02/2013 , 09:47 (GMT+7)

Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang trù phú ngày nay được hình thành bởi hàng nghìn người hưởng ứng chủ trương Nhà nước di dân khai hoang phục hóa vùng Đồng Tháp Mười...

Cách đây hơn hai mươi năm, hưởng ứng chủ trương Nhà nước di dân khai hoang phục hóa vùng Đồng Tháp Mười, dòng người từ Vĩnh Long, Bến Tre, từ các huyện duyên hải Gò Công (Tiền Giang) đổ vào miệt Bắc Đông, Tràm Mù, Tràm Sập, Hưng Thạnh, Tân Hòa Đông lập nghiệp, ổn định sản xuất, đặt nền tảng để hình thành nên huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang trù phú ngày nay. 


Khóm phụng - cây cảnh làm đẹp mùa xuân có xuất xứ từ vùng đất nhiễm phèn Tân Phước

Chinh phục Đồng Tháp Mười

Anh Nguyễn Văn Diệu, sinh năm 1971 vốn quê xã Tân Phú, huyện Cai Lậy - nơi nức tiếng với Chiến thắng Ấp Bắc hào hùng cách đây 50 năm, đã vào lập nghiệp khu vực kênh Lộ Mới, nay thuộc ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ (Tân Phước) nằm sâu trong Đồng Tháp Mười từ những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Anh kể, ngày trước được Nhà nước cấp 1 ha đất để khai hoang sản xuất. Buổi đầu thật cơ cực. Đường sá giao thông không có, chợ búa thì xa, nguồn lợi chưa có gì đáng kể.

Vợ chồng anh miệt mài đổ công sức phát quang, lên líp trồng khoai mỡ. Khoai thì trúng, năng suất 10 - 12 tấn/ha nhưng mỗi năm chỉ có một vụ thu hoạch vào sau Tết. Giá khoai không ổn định, khi trồi, khi sụt, thu nhập thất thường. Thấy không khá, anh chuyển sang trồng tràm. Tràm lại mất giá, thất bại tiếp anh chuyển sang trồng khóm né lũ bởi chưa có đê bao hoàn thiện. Lũ lại không theo qui luật - năm về sớm, năm về muộn. Rốt cuộc né không khỏi, lũ nhấn chìm khóm sắp thu hoạch. Mất vốn, mất lời... Chuyện làm ăn trên miền đất mới này gian nan là vậy đó, anh Diệu kết luận.

Gian khó rồi cũng qua đi cùng tiến độ khẩn trương khai thác Đồng Tháp Mười vì quốc kế dân sinh cũng như đà đổi mới và hội nhập của đất nước. Cuộc sống người nông dân lam lũ như anh Diệu thay đổi hẳn từ năm 2009 trở đi. Đó là lúc tỉnh đúc kết những bài học kinh nghiệm hay về “chung sống với lũ” bằng cách đầu tư hoàn thiện mạng lưới đê bao ngăn lũ cho các vùng sản xuất trên Đồng Tháp Mười, qui hoạch lại cơ cấu cây trồng vật nuôi, khuếch trương thế mạnh các cây có lợi thế cạnh tranh mà khóm được xác định là cây trồng chủ lực. Từ diện tích ban đầu 1 ha cùng với sang nhượng, thuê mướn thêm, anh đã nâng tổng quỹ đất trồng chuyên canh khóm tại đây lên 2,5 ha. Diện tích trên anh trồng được 75.000 cây khóm.

Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm sản xuất trên vùng đất mới, nắm vững kỹ thuật canh tác, xử lý cho khóm ra trái thu hoạch vào những thời điểm thích hợp, bán được giá trong năm nên thu nhập ngày càng ổn định, dư giả xây cất nhà cửa, tái sản xuất mở rộng. Theo đó, anh Diệu vừa kết thúc một năm sản xuất thắng lợi với lợi nhuận ròng riêng cây khóm là 180 triệu đồng. Ngồi trong căn nhà mới, bên chung trà, chén rượu mừng xuân giữa thời khắc đáng nhớ đầu năm, anh Diệu vui vẻ bảo: "Bây giờ thì tươi lắm rồi. Cuộc sống gia đình tôi ổn định, con cái học hành đàng hoàng, cơ nghiệp vững vàng". Đáng trân trọng ở chỗ không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Diệu còn tham gia công tác xã hội, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giúp đỡ những gia đình nghèo khó trong ấp, thường xuyên cho bà con mượn vốn không tính lãi hoặc góp công của làm đường sá, bắc cầu... Giúp nhau làm ăn và xây dựng nông thôn mới cũng là trách nhiệm công dân - anh Diệu bảo.

Ông Hà Văn Bảy là một trường hợp đầy nỗ lực, kiên gan trì chí gắn bó khai thác tiềm năng vùng đất mới Đồng Tháp Mười. Quê ông Bảy tận miệt Bình Minh, Vĩnh Long. Hưởng ứng chủ trương Nhà nước, ông đùm túm bầu đoàn thê tử vào lập nghiệp ven kênh Tràm Mù (ấp Mỹ Lộc, Thạnh Mỹ, Tân Phước). Tại đây ông khai hoang sản xuất 3 ha đất. Với sự năng động, nhạy bén, ông Bảy đưa vào cơ cấu trồng trọt nhiều loại cây trồng kinh tế như khóm, xoài, cây có múi... theo mô hình xen canh. Ông cho biết, các cây trồng trên đều thích hợp với vùng đất nơi đây vốn đã được cải tạo, rửa chua phèn nhờ có hệ thống kênh mương, thủy lợi hoàn thiện đang phát huy hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, ông Bảy còn là người đầu tiên du nhập giống khóm phụng - một loại khóm cảnh có giá trị cao, từ miệt Hậu Giang về trồng trên đồng đất Tân Phước.

Tết Quý Tỵ, ông Bảy tung ra thị trường hàng ngàn trái khóm phụng. Khóm phụng Tết có giá. Loại đẹp nhất thương lái thu mua tại ruộng 600.000 đ/cặp nhưng không đủ bán. Ông bảo, tiếc là năm nay khóm phụng không được như ý bởi thời tiết không thuận lợi. Trong số khóm phụng bán ra thị trường Tết, số loại I chỉ đạt chừng 20% mà thôi. Tuy vậy, ông cũng thu được vài chục triệu đồng, đủ ăn một cái Tết tươm tất trên Đồng Tháp Mười mà từ lâu đã trở thành quê hương thứ hai của mình.

Ông Bảy cho biết, rút kinh nghiệm vụ này, ông dự kiến mở rộng qui mô trồng khóm phụng lên gấp đôi, 2.000 cây để phục vụ Tết năm sau. Ở Tân Phước hôm nay còn rất nhiều người như anh Diệu, như ông Bảy - những nhân tố vẽ nên một Đồng Tháp Mười hôm nay. Theo Hội Nông dân huyện Tân Phước, năm qua, toàn huyện đã bình chọn được 2.412 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ba cấp - họ xứng đáng được vinh danh.

"Đường lên đã mở, đi tới tương lai"

Anh Nguyễn Văn Thọ, quê ở xã Thanh Hòa, huyện Cai Lậy cũng vào lập nghiệp tại Thạnh Mỹ, Tân Phước từ những năm cuối thập niên 90, nay giữ trọng trách Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Mỹ cho biết, Tết năm nay bà con Thạnh Mỹ có nhiều niềm vui. Đó là được mùa, được giá nông sản Tết. Khoai mỡ đầu vụ có lúc vọt lên 15.000 đ/kg, gấp đôi cùng kỳ; khóm giá 3.700 đến 4.000 đ/kg, tăng hơn tháng trước khoảng 1.000 đ/kg. Với giá này, mỗi ha đạt giá trị sản xuất hàng trăm triệu đồng trong đó lợi nhuận chiếm trên 50%.

Thế nhưng vui nhất với bà con có lẽ là cầu Bắc Đông đã hoàn thành nối thông con đường từ Tân Phước (Tiền Giang) qua huyện Thạnh Hóa (Long An) hòa vào mạng lưới đường quốc gia thuận lợi giao thương toàn vùng. Từ Tân Phước về TP Hồ Chí Minh đi theo tuyến đường này sẽ rút ngắn rất nhiều, thiết thực góp phần giảm tải cho quốc lộ 1 trong những ngày cao điểm dịp Tết thường xuyên bị kẹt xe hoặc ùn tắc giao thông ở nhiều đoạn thắt cổ chai thuộc địa bàn Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long... Tương lai, cầu và đường Bắc Đông là động lực cho Thạnh Mỹ sớm vươn lên phồn thịnh.

Đường sá giao thông và kết cấu hạ tầng hoàn thiện còn là động lực cho Tân Phước khai thác tốt các tiềm lực lao động, đất đai để xây dựng quê hương giàu đẹp - ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Phước đánh giá. Ông Bườn nói, để giúp bà con “chung sống với lũ” hiệu quả, huyện đang đầu tư hàng chục tỉ đồng kiện toàn mạng lưới đê bao ngăn lũ kết hợp với phát triển giao thông nông thôn trong khuôn khổ dự án “Chuyển đổi cây tràm kém hiệu quả sang trồng khóm xuất khẩu”. Diện tích chuyển đổi 1.000 ha với các xã hưởng lợi là Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Tân Hòa Đông và Mỹ Phước. Với dự án này, nông dân vùng rốn phèn, rốn lũ Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) trước đây sẽ không phải lo thiên tai gây hại hàng năm, an tâm sản xuất và xây dựng cơ nghiệp vững vàng trên quê hương mới.

Huyện Tân Phước đã mở rộng diện tích khóm chuyên canh lên 14.764 ha, đất trồng lúa gần 6.600 ha, hàng ngàn ha cây màu lương thực và thực phẩm. Dịp Tết Quý Tỵ, nông dân trong vùng thu hoạch cung ứng cho thị trường Tết cả nước trên 4.000 tấn dưa hấu, trên 3 vạn trái dứa phụng chưng Tết, trên 20.000 tấn dứa thương phẩm.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm