| Hotline: 0983.970.780

Hoa đất đồng chiêm

Thứ Hai 31/10/2011 , 09:59 (GMT+7)

Nằm ở phía Nam Thủ đô, Phú Xuyên là vùng quê đất trũng đồng chiêm. Nhưng trong thời buổi hội nhập hôm nay, con người nơi đây trở nên năng động, khiến vùng đất này trở thành đất trăm nghề.

Nằm ở phía Nam Thủ đô, Phú Xuyên là vùng quê đất trũng đồng chiêm. Nhưng trong thời buổi hội nhập hôm nay, con người nơi đây trở nên năng động, khiến vùng đất này trở thành đất trăm nghề.

Qua thăng trầm lịch sử, cùng với nghề nông phát triển, nghề thủ công truyền thống của Phú Xuyên cũng được gìn giữ, kế thừa và phát huy, để thăng hoa cùng năm tháng. Mỗi nghề làng là một bông hoa đẹp nở trên đất đồng chiêm. “Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên lần thứ nhất”, khai mạc vào ngày 26/10, mở đầu cho hội đua tài của các làng nghề kéo dài đến ngày 29/10 vừa qua.

Thăm các gian hàng thủ công truyền thống trong lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên lần thứ nhất, chúng tôi như lạc vào một vườn hoa đẹp của các làng nghề. 

Tác phẩm “Bông sen hồng” của các nghệ nhân xã Phượng Dực

Trong gian hàng trưng bày sản phẩm làng nghề khảm trai nổi tiếng xã Chuyên Mỹ, bà Nguyễn Thị Vui năm nay 69 tuổi có tới 40 năm làm Chủ nhiệm HTX Sơn khảm Ngọ Hạ cho biết: Cùng với lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghề khảm trai ở Chuyên Mỹ cũng có tuổi nghề 1.000 năm thăng trầm cùng lịch sử.

Cụ tổ nghề khảm là Trương Công Thành, hiện có nhà thờ tại làng Chuôm Ngọ (nhà thờ đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích). Sản phẩm khảm trai của Chuyên Mỹ không chỉ nổi tiếng trong nước mà đã xuất khẩu ra thị trường thế giới, chiếm thị phần chủ yếu là Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Mỹ và Nhật Bản.

Sản phẩm khảm trai ở đây có giá trị kinh tế cao bởi đạt giá trị cao về nghệ thuật. Những mặt hàng truyền thống như sập gụ, tủ chè khảm ốc có giá từ 25 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng; loại tủ chè gỗ trắc khảm ốc đỏ có giá từ 80 đến 200 triệu đồng, những bức khảm phong cảnh lớn có giá trị 300-600 triệu đồng. Hiện 80% số hộ trong xã có thu nhập từ nghề khảm trai, nghề làng truyền thống được gìn giữ phát huy đã đem lại kinh tế khá cho nhân dân trong xã.

Tham dự Lễ hội vinh danh làng nghề lần thứ nhất của huyện Phú Xuyên, các nghệ nhân của xã Chuyên Mỹ đã mang về tác phẩm bức phù điêu "Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn làm bằng gỗ gụ, cao 1,93m rộng 1,27m. Nội dung "Chiếu dời đô" gồm 222 chữ nho khảm ốc. Bức phù điêu "Chiếu dời đô" đã được trưng bày tại Hà Nội trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Tác phẩm mô phỏng Chiếu dời đô bằng gỗ khảm ốc xà cừ lớn nhất Việt Nam”.

Bên cạnh bức phù điêu “Chiếu dời đô” đã được xác lập kỷ lục, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh khảm trai của nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Lăng cũng đang được đề nghị công nhận đạt kỷ lục guiness Việt Nam.

Chiếc giày kỷ lục guiness của làng giày da Phú Yên được trưng bày trong phòng triển lãm vây quanh những chiếc giày da là sản phẩm của làng nghề. Được biết hàng năm xã Phú Yên sản xuất tới 6 triệu đôi giày, sản phẩm của làng nghề cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới. Nhờ làng nghề phát triển, cuộc sống của người dân Phú Yên được nâng cao, đang vươn tới phú quý và yên vui, xứng với tên làng tên xã. 

Chiếc giày đi vào kỷ lục Guiness Việt Nam, của làng giày da

Cũng như xã Phú Yên, xã Phú Túc với nghề đan guột từ những cây cỏ guột thân thiện với thiên nhiên, qua bàn tay tài hoa của người thợ, với nghề làng được phát huy kế thừa hơn 300 năm (từ cụ tổ nghề Nguyễn Thảo Lâm), Phú Túc trở thành làng nghề nổi tiếng trong và ngoài nước. Sản phẩm của làng nghề độc đáo từ các chất liệu guột pha cỏ lăn, guột pha dây rừng, rơm rạ, song mây, lá tre. Nhờ nghề này mà cuộc sống của người dân đổi thay, vươn lên giàu có.

Gian hàng nặn tò he của các nghệ nhân xã Phượng Dực, tuy không bề thế như các gian hàng khảm trai của xã Chuyên Mỹ, giày da Phú Yên, đan guột Phú Túc… nhưng không vì thế mà vắng khách tham quan. Theo ông Chu Tiến Công, Phó Chủ tịch Chi hội Di sản truyền thống tò he làng Xuân La xã Phượng Dực, thì nghề nặn tò he làm đồ chơi cho trẻ thơ đã có ở địa phương hơn 300 năm.

Nguyên liệu là gạo nếp hoặc gạo tẻ đem giã mịn hấp chín rồi lấy nước rau ngót giã để tạo nên màu xanh, quả gấc tạo màu đỏ, nước củ nghệ tạo màu vàng, củ nghệ đen tạo màu tím… Với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, sản phẩm tò he nặn ra những con giống ngộ nghĩnh, xinh xắn, như chú gà trống vươn cánh gọi bình minh, hay nai vàng ngơ ngác giữa rừng thu, những bông hoa hồng thắm đỏ, những cô thôn nữ áo mớ ba mớ bảy đi trẩy hội làng, những anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đằng ngà đánh giặc Ân, chàng Thạch Sanh dũng cảm, những nàng công chúa kiêu sa…

Tưng bừng với lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống, nhưng cũng từ lễ hội này, các làng nghề cũng mong đợi sự quan tâm của Hiệp hội làng nghề, của các cấp chính quyền để chung tay gìn giữ phát huy những nghề làng truyền thống, giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, là ước mơ chính đáng của những người thợ làng nghề, góp phần xây dựng NTM ở vùng quê ngoại thành, huyện Phú Xuyên.

Từ một nghề bình dân kiếm sống ở các chợ làng thủa xa xưa, dần dần qua năm tháng, người Xuân La đã mang nghề đi muôn nơi, tò he trở thành thứ đồ chơi yêu thích của bao thế hệ trẻ thơ khắp các miền quê cả nước. Các nghệ nhân trong làng từ các cụ cao tuổi, truyền nghề cho con cháu đến các thế hệ trẻ của làng, hôm nay đến hội thi, trong những bộ trang phục khăn xếp, áo dài truyền thống, với sản phẩm được thao diễn tại chỗ, từ bột màu ngàu nặn nên các con vật, cỏ cây, chim muông đến các nhân vật thần thoại trong cổ tích và lịch sử… cuốn hút người xem.

Tại Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên lần thứ nhất, tác phẩm “Bông sen hồng” của các nghệ nhân xã Phượng Dực chế tác từ chất bột không phai màu, không rạn nứt biến dạng, là bông sen nghệ thuật có đường kính lớn nhất từ trước tới nay (1m), đang được đề nghị công nhận đạt kỷ lục guiness của Việt Nam. Hội thi nặn tò he của làng nghề Phượng Dực, mở đầu cho hội thi của các làng nghề của huyện Phú Xuyên.

Xem thêm
Lãnh đạo hợp tác xã cần kỹ năng truyền cảm hứng

Trong môi trường kinh doanh toàn cầu biến động nhanh, linh hoạt và có tính cạnh tranh cao như hiện nay thì việc nâng cao năng lực cho HTX càng trở nên cấp thiết.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.

Bình luận mới nhất