| Hotline: 0983.970.780

Hóa giá tàu đánh bắt xa bờ: Cách làm sáng tạo của Khánh Hòa

Thứ Ba 24/02/2009 , 09:09 (GMT+7)

Khánh Hoà đã có nhiều biện pháp được áp dụng nhằm thu nợ cho ngân sách nhưng đều vướng và việc bán tàu trả nợ là việc làm không thể tránh khỏi...

Từ năm 1998, cùng với cả nước Khánh Hòa đã triển khai chương trình đánh bắt xa bờ (ĐBXB) của Chính phủ, đóng mới 39 tàu ĐBXB với tổng số tiền 33,5 tỷ đồng vay ưu đãi. Không thể phủ nhận những lợi ích chương trình này mang lại nhưng đến nay hầu hết các chủ phương tiện đều không có khả năng trả nợ. Vậy giải bài toán này như thế nào?

Từ việc ì ạch trong đấu giá

Khánh Hoà đã có nhiều biện pháp được áp dụng nhằm thu nợ cho ngân sách nhưng đều vướng và việc bán tàu trả nợ là việc làm không thể tránh khỏi. Thực hiện Quyết định 89/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thu hồi nợ chương trình ĐBXB, tất cả 29 tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức phân loại chủ đầu tư, phân loại nợ vay 1.016 con tàu và tổ chức bán đấu giá 777 tàu không thể trả nợ.

Tuy nhiên các tàu hoạt động trên vùng biển rộng lớn, nhiều chủ tàu thậm chí không về nơi cư trú nên địa phương không có khả năng thu hồi tàu để xử lý nợ vay. Hiện cả nước còn có 29 tàu đã thu hồi nhưng chưa bán và 162 tàu còn phải thu hồi chờ bán. Nhiều chủ tàu chây ỳ, không hợp tác, đem theo cả gia đình bỏ đi đánh bắt nơi xa, không liên lạc được. Phần lớn các tàu bán đấu giá đã được sử dụng 7- 10 năm, khi đưa ra bán đã hỏng hóc, ngập nước lâu ngày, cần phải đầu tư nhiều tiền để sửa chữa mới có thể ra khơi.

Từ 4/2004 đến 8/2007 (gần 3 năm), tại tỉnh Khánh Hòa chỉ bán đấu giá thu hồi nợ được 13 con tàu, thu về được 4.738 triệu đồng, đạt 34% tỷ lệ đấu giá/vốn vay (có tàu chỉ thu được 11%). Như vậy, sau 3 năm thực hiện bán đấu giá tàu ĐBXB, về phía ngư dân chẳng được lợi gì do tàu bị kéo lên bờ cả năm trời, gián đoạn thời gian đi biển. Về phía Nhà nước, tỷ lệ thu hồi nợ thấp, mất quá nhiều thời gian “luẩn quẩn” trong việc thu hồi tàu, bảo dưỡng, định giá, đấu giá...

Chưa hết trong thời gian chờ định giá và đấu giá, tàu bị tạm giữ không có nơi neo đậu hợp lý, không có người bảo vệ, bảo dưỡng nên ngày càng xuống cấp. Tâm lý của ngư dân không muốn mua những con tàu bị cho là “có dớp” trong làm ăn thu lỗ, chìm đắm, nằm bờ hoặc tai nạn. Các đối tác mua đấu giá lại “ghìm giá” chờ giảm thêm làm cho việc thu nợ qua biện pháp bán đấu giá tàu ĐBXB chậm và khó khăn. Tại tỉnh Khánh Hòa, có những con tàu phải định giá tới 3 lần, sau mỗi lần định giá, giá trị của con tàu lại giảm tiếp. Thậm chí có con tàu sau khi định giá tới nhiều lần vẫn không bán được, buộc phải chuyển qua cơ chế bán trực tiếp.

Một quyết định "lợi đôi đường"

Trước những khó khăn trên, Liên ngành Ngân hàng Phát triển Khánh Hòa – Sở NN& PTNT- Sở Tài chính đã thống nhất đề xuất một phương án mới, thanh lý tàu không qua đấu giá. Hình thức này phù hợp với công văn số 14940/BTC-TCNH về việc xử lý nợ chương trình đóng tàu đánh bắt hải sản xa bờ của Bộ Tài chính, trong đó ghi rõ “…trường hợp sau khi thu hồi tàu nhưng không thể định giá, bán đấu giá theo quy định, được áp dụng hình thức bán thanh lý tài sản”.

Ngày 18/12/2007, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn số 8318/UBND cho phép bán tàu trực tiếp cho ngư dân không không qua đấu giá. Theo đó, Liên ngành đã kiểm kê định giá 10 con tàu không thể trả nợ, sau đó phối hợp với Cty CP Thông tin và thẩm định giá miền Trung thẩm định lại giá trước khi trình quyết định bán tàu với tổng số tiền trên 3,9 tỷ đồng. Các con tàu này được bán trực tiếp cho ngư dân nhằm ổn định đời sống những ngư dân đã nhiều năm gắn bó với con tàu, bảo đảm được tàu vẫn ra khơi, đánh bắt được ngay, không có thiệt hại do gián đoạn SX.

Đối tượng ưu tiên mua tàu trực tiếp là tập thể, cá nhân người lao động đang tham gia lao động trên tàu đến thời điểm hiện nay hoặc người nhà của chủ đầu tư. Như vậy, về phía Nhà nước số tiền thu hồi nợ đạt tỷ lệ trên 60% so với số vốn cho vay (bán đấu giá chỉ đạt trung bình 34%). Còn về phía ngư dân, việc hóa giá tàu đã được ngư dân ủng hộ bởi đối tượng được ưu tiên mua chính là cá nhân người lao động trên tàu hoặc chính chủ tàu, tạo điều kiện để ngư dân ổn định đời sống. Tàu được bán không qua đấu giá nên nhanh gọn, không làm gián đoạn thời gian đi biển; không xáo trộn đời sống của lực lượng lao động trên biển; ngư dân yên tâm sản xuất và có trách nhiệm hơn do đã góp vốn trong chính con tàu mình đang tham gia SX.

Đây là cách làm hay, đầy sáng tạo của lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và các ngành liên quan, không chỉ thu hồi được nợ cho Nhà nước với tỷ lệ cao mà còn tạo công ăn việc làm cho ngư dân. Theo ông Đào Công Thiên, GĐ Sở NN- PTNT cách làm mới này hợp lòng ngư dân nên 100% chủ đầu tư đã ký hợp đồng nhận số nợ theo hướng dẫn, việc bán tàu và bàn giao tài sản cho chủ đầu tư mới đã hoàn tất trong tháng 10/2008. Như vậy, tính từ khi có Chứng thư thẩm định giá ngày 27/6/2008 thì việc hóa giá 10 con tàu ĐBXB đã hoàn tất chỉ trong vòng 3 tháng.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất