Trong hành trình hai ngày một đêm tham gia kỳ trại Du xuân trồng rừng, Hoa hậu Hoàn vũ H'Hen Niê cùng các bạn trẻ từ khắp mọi miền tổ quốc không chỉ được trải nghiệm trồng rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân) và Vườn Quốc gia Bến En tại Thanh Hóa, mà còn được khám phá thiên nhiên tươi đẹp của mùa xuân vùng Bắc Trung bộ, thấu hiểu tầm quan trọng của việc trồng rừng.
Các bạn trẻ được truyền thêm cảm hứng yêu rừng, yêu thiên nhiên từ đội ngũ cán bộ của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên. H'Hen Niê cũng như các bạn trẻ hăng hái với các hoạt động trồng rừng và quyết tâm hành động góp phần bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên Việt Nam.
Khu vực trồng rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên trước đây vốn là đất ở và nương rẫy của người dân địa phương. Khi Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên được thành lập, người dân di cư ra ngoài, để lại những vùng đất cần phục hồi thành rừng. Hơn 40 loài cây được trồng làm giàu hơn cho 17ha rừng, gồm các loài cây gỗ đa mục đích, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương, sến mật, chò chỉ…
Hoạt động này đã giúp phủ xanh hơn 17 ha rừng đặc dụng đầu nguồn nghèo kiệt thuộc tỉnh Thanh Hóa, cải thiện chức năng sinh thái rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nơi sinh sống cho các loài quý hiếm. Đặc biệt, hoạt động trồng rừng còn hướng tới mục tiêu tạo ra bộ sưu tập cây gỗ lớn nhất Việt Nam trong tương lai.
Kỳ trại Du xuân trồng rừng và hoạt động trồng rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên tại tỉnh Thanh Hóa là một số trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng "Ngày Thế giới trồng cây 2022" của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia (Gaia) nhằm khôi phục các khu rừng đặc dụng đầu nguồn khắp Việt Nam.
Với thông điệp "Góp 1 cây là góp rừng", mỗi người đều có thể góp cây trồng rừng theo khả năng của mình. Người góp cây có thể gửi kèm một lời nhắn yêu thương trên trang web của khu rừng tương ứng. Sau đó, cây sẽ được trồng tại các khu rừng đặc dụng đầu nguồn. Gaia sẽ chăm sóc, giám sát khu rừng trong 2 - 6 năm và đảm bảo tỷ lệ sống của cây từ 70 - 85%.
Dù lịch trình dày đặc các hoạt động, Hoa hậu H’Hen Niê vẫn cố gắng bố trí tham gia chuyến đi trồng rừng lần này.
“Hen rất vui và tự hào vì lần này được đồng hành cùng Gaia và rất nhiều bạn trẻ để trồng rừng đặc dụng đầu nguồn, khôi phục hệ sinh thái và nơi trú ẩn cho các loài động vật hoang dã quý hiếm. Bản thân Hen cũng sinh ra và lớn lên ở làng bản nhưng thực sự khi đặt chân đến đây, Hen thực sự bị thu hút bởi những câu chuyện về thiên nhiên, về quá trình trồng và phục hồi rừng đặc dụng đầu nguồn đầy gian nan. Và nhất là chuyến đi càng giúp Hen thấm thía được tầm quan trọng của việc trồng rừng, bảo vệ rừng.
Hen chỉ mong góp được một chút công sức bé nhỏ trong việc trồng rừng và lan tỏa thông điệp bảo vệ rừng đến mọi người. Mong mọi người hãy cùng chung tay góp rừng, góp cây cùng Gaia, phủ xanh những khu rừng nghèo kiệt, đồi núi trọc, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người và cho muôn loài", Hoa hậu H’Hen Niê xúc động nói.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia nhấn mạnh: “Sự tham gia của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê và các bạn trẻ khắp mọi miền tổ quốc là nguồn động lực lớn, giúp Gaia càng quyết tâm khôi phục thêm nhiều khu rừng đặc dụng đầu nguồn khắp Việt Nam. Mỗi đóng góp của các bạn đều đang cùng chúng tôi tạo ra thay đổi, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho chính chúng ta”.
Theo bà Huyền, gần 17.000 cây gỗ lớn do H’Hen Niê cùng các bạn trẻ và người dân địa phương trồng hôm nay sẽ tiếp tục được chăm sóc và giám sát trong 4 năm tới để đạt được tỷ lệ sống cao nhất có thể. Gaia sẽ tiếp tục nỗ lực trồng thêm nhiều khu rừng đặc dụng đầu nguồn khắp Việt Nam.
Từ năm 2013, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã chọn ngày 21/3 hằng năm là “Ngày Thế giới trồng cây” để kêu gọi các địa phương, quốc gia cùng nỗ lực trồng cây và nâng cao nhận thức bảo tồn rừng, phát triển bền vững trong tương lai.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, rừng không chỉ là lá phổi xanh của con người, mà còn là môi trường sống của mọi loài sinh vật khác. Sự suy thoái đa dạng sinh học rừng và biến đổi khí hậu có mối tương quan chặt chẽ, rừng càng cạn kiệt và sụt giảm diện tích thì tác động của biến đổi khí hậu càng lớn và thời tiết càng cực đoan, đe dọa các quốc gia có vùng duyên hải trên Thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia