| Hotline: 0983.970.780

Hoa, mèo và…

Thứ Sáu 11/02/2011 , 12:20 (GMT+7)

Con mèo vừa là biểu tượng của gia đình, vừa là biểu tượng của quyền lực, vừa ám ảnh sâu sắc trong tâm thức Việt, vừa mềm mại linh hoạt như đặc điểm của văn hóa Việt Nam...

Năm 2010 là năm con hổ, nhưng lại là một năm thống trị của loài hoa. Hoa không chỉ nở từng bừng khắp mọi nơi để đón chào Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hoa còn ám ảnh suy nghĩ của bao người trong hứng khởi đi tìm Quốc hoa cho nước Việt. Năm nay, liệu có phải là năm loài mèo ám ảnh suy nghĩ và tâm tư của toàn xã hội, khiến người viết nảy ra ý nghĩ sao không ai đưa mèo lên ngôi… Quốc thú?

Hổ dữ bị loài hoa lấn áp?

Trong phép Độn Mai Hoa của Thiệu Khang Tiết ngày xưa, hoa là dấu hiệu của sự mong manh, tạm bợ. Khi đang lập quẻ và giải đoán mà thấy có hoa xuất hiện trước mặt thì phải đoán đó là công việc hay quan hệ ngắn ngủi, sớm nở tối tàn. Thế nhưng, hoa là một biểu tượng ám ảnh rất sâu, rất bền trong tâm thức và trong ngôn ngữ. Những gì tốt đẹp nhất, sáng láng nhất trong cuộc đời đều gắn với hoa: thăng hoa, tinh hoa, anh hoa, vinh hoa, tài hoa, pháo hoa... Trong Từ điển biểu tượng, hoa được coi là biểu tượng của phái yếu, là mẫu gốc phản ánh cái thụ động trong mọi nền văn hoá. Ở khắp mọi nơi, hoa được coi là thứ dịu dàng mềm mại nhất, đến nỗi người ta nói: "Không nên đánh phụ nữ dù chỉ đánh bằng một bông hoa". Ấy vậy mà hai cường quốc lớn nhất thế giới với uy lực “khủng” nhất là Mỹ và Trung Quốc đều có tên gọi khác gắn liền với hoa: nước Trung Hoa, xứ cờ hoa - Hoa Kỳ, lạ thật!

Hoa có mặt trong cả ngày sinh và ngày chết của con người như một đại diện phúc hậu và hiền dịu. Nói chung hoa là thiện. Hoa ác trước đây chỉ có trong thơ của của Charles Baudelaire (1821 - 1867) và trong bộ phim Hoa ăn thịt người của Tiệp Khắc thập kỷ 70. Điều thú vị là tập thơ Những bông hoa ác là tập thơ đạt kỷ lục thế giới cho giá mua một tập thơ từ trước tới nay. Trong một cuộc đấu giá, bản in lần đầu của tập này đã được mua với 603.000 euro. Trong dịp Cộng hoà Pháp long trọng kỷ niệm 150 năm ngày ra mắt Những bông hoa ác, tập thơ này được đa số độc giả Pháp suy tôn là tập thơ hay nhất mọi thời đại.

Có lẽ từ khi có loài người đến giờ, hoa chỉ có một tội lỗi duy nhất là đã có lúc giúp cho loài người chán đời, tuyệt vọng rời bỏ thế giới này. Tự tử bằng hoa là cách tự tử êm ả nhất. Người ta chất đầy hoa và nằm ngủ, thế là hương hoa sẽ rước linh hồn kẻ tội nghiệp bay nhẹ nhàng sang thế giới bên kia. Ngay cả trong tình huống gọi là ác này, hoa cũng làm điều kiện giúp con người chạy trốn cuộc sống một cách không đau đớn.

Thế mà, ở thời buổi này hoa có lúc bỗng nhiên trở thành kẻ đâm thuê chém mướn đem những mầu sắc tươi tắn, lộng lẫy của mình làm vũ khí khủng bố tiếp tay cho lưu manh. Những vụ gửi vòng hoa đến viếng người còn sống xuất hiện gần đây quả là những trò man rợ chưa từng thấy trong lịch sử dùng hoa của toàn nhân loại. Trước đây, hoa đã nhiều khi đặt người ta lên những ngôi vị cao hơn vàng bạc tiền của, để làm chứng cho giá trị thơ ca và danh dự thi nhân. Trong một cuộc thi thơ quốc tế người ta đã trao cho người được giải Nhì một bông hoa bằng vàng, trao cho người đoạt giải Nhất một bông hoa thật. Vậy mà giờ đây hoa bỗng trở thành nô lệ diêm dúa của đồng tiền, thật đáng tiếc lắm thay!

Có lẽ cái quyền lực mong manh tinh khiết của hoa ám ảnh trong chiều sâu tâm thức đã nhắc nhở con người biết trân trọng nó, nên năm con hổ bỗng nhiên loài hoa lại lên ngôi bề thế và lộng lẫy. Đi đâu cũng gặp hoa hón hở mừng Đại lễ. Đến giây phút cuối cùng của đêm Đại lễ, hàng triệu người vẫn say mê chăm chú ngắm nhìn từng đốm lửa trong lăng hoa ánh sáng bừng nở trên trời đêm. Dường như, hoa chọn năm hổ dữ để lên ngôi là nhằm nhắc khéo nhân loại rằng quyền lực tối thượng của cái đẹp thánh thiện, mong manh còn lớn hơn quyền lực của Chúa tể rừng xanh! Năm 2010 hoa được tâng bốc tôn vinh theo nhiều cách mà xưa nay chưa thấy. Đến nỗi, những thứ hoa đồng cỏ nội tầm thường như hoa mào gà cũng được hào phóng tiến cử làm Quốc hoa, chẳng khác gì ngày xưa người ta đi tìm những đứa trẻ thò lò mũi xanh ở đồng quê để đặt lên ngai vàng chỉ vì đó là chính là con rơi của Hoàng đế vậy!

Loài hổ có quyền uy lớn hơn loài mèo gấp vạn lần vậy mà còn bị loài hoa đè bẹp uy danh trong chính cái năm mang tên mình, thế thì danh phận loài mèo bé bỏng sẽ ra sao trong năm con mèo này? Mèo sẽ bị quên lãng như hổ năm vừa qua, mèo sẽ bị lên án theo nhiều cách, hay ngược lại, mèo sẽ được toàn xã hội tôn vinh?

Mèo có thể được chọn làm… Quốc thú?

Năm con mèo, liệu có giáo sư nào đề xuất lấy con mèo là Quốc thú, giống như đã có người đề xuất hoa mào gà là Quốc hoa không đây? Nếu đặt vấn đề Quốc thú ra trước bàn dân thiên hạ để bàn thì chắc người ta cũng đề xuất nhiều con vật hay lắm đấy. Thế là lại rôm rả chuyện tranh luận tràng giang đại hải dẫn các sách Tây, Tàu, Mỹ, Nhật kéo dài vài ba tháng, cho đến khi các cấp có thẩm quyền đề nghị khép lại! Thế nào mà các chú chó chú mèo chẳng được dẫn ra trong cuộc tỉ thí chữ nghĩa ấy. Khi đó, con mèo, con chó, con trâu, cùng lắm có thêm con gà chắc chắn sẽ lọt vào nhóm được nhắn tin ủng hộ nhiều nhất. Con mèo con chó có tính quốc tế hơn, thời thượng hơn nên các cháu tuổi teen nhắn tin ủng hộ nhiều hơn.

Công bằng mà nói, con mèo là một ứng viên nặng ký cho danh hiệu Quốc thú vì nó nổi tiếng thế giới trong cả lĩnh vực tâm linh và nghệ thuật. Người ta sợ ra ngõ gặp mèo giống như ở ta ngại ra ngõ gặp gái vậy! Trong nghệ thuật thì chú mèo nổi tiếng bậc nhất trong các loài cầm thú với các nhân vật mèo máy Doremon trong seri phim hoạt hình Nhật Bản cùng tên và con mèo Tom trong seri phim hoạt hình nổi tiếng Tom và Jerry của Hollywood.

Doremon là một sản phẩm của công nghệ, luôn tỏ ra dũng cảm, thông minh trong nhũng tình huống nguy hiểm nhất, nhưng chú không phải là thứ anh hùng hoàn hảo theo kiểu lên gân mà cũng rất “đời”, rất gần gũi, dễ thương, dễ bị dụ dỗ bằng món bánh rán (dorayaki), mê mẩn những cô mèo đỏm dáng và luôn luôn…sợ chuột. Còn chú mèo Tom ngờ ngệch với sự cuộc đuổi bắt vô vọng với chú chuột Jerry là sự giễu cợt thú vị với thiên chức, là một ẩn dụ hấp dẫn về sự mất quyền lực của tầng lớp thống trị trước đời sống sinh động và trí tuệ dân gian. Mặc dù con mèo đã nổi tiếng như một nhân vật có tầm quốc tế, mang những bản tính phổ quát của nhân loại như vậy, nhưng vẫn có nhiều cơ hội trở thành Quốc thú ở Việt Nam. Vì con mèo có những phẩm chất uyển chuyển linh hoạt rất gần với văn hóa Việt. Hơn thế nữa, mèo đã đi vào tâm thức dân tộc như một biểu tượng của một quyền lực gần gũi, một tai họa thân tình gắn liền với kiếp sống lầm than nô lệ của người nông dân bao thế kỷ nay. Không phải ngẫu nhiên mà ca dao có câu:

Con mèo mà trèo cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

Chú chuột đi chợ đường xa

Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo

Cũng không phải vô tình mà các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ lại truyền đời bức tranh Đám cưới chuột lừng danh. Con mèo trong tranh dân gian Đông Hồ và trong ca dao đều là những hình tượng độc đáo của quyền lực mềm kiểu Việt Nam, một quyền lực thân tình có phần sàm sỡ, với những hành vi tham nhũng và cận - tham nhũng mang tính gia đình. Hình ảnh con mèo trèo cây cau hỏi thăm chú chuột trong lúc chú chuột đi chợ mua đồ làm giỗ cho cha mèo mang một nghịch lý thú vị, hài hước: các thế lực thù địch một mất một còn lại chung sống hòa bình theo kiểu gia đình, hàng xóm.

Hình ảnh ấy phát lộ một phương thức cộng sinh mang tính tham nhũng - đạo đức giả, quyền lực tuyệt đối được che đậy dưới vẻ gần gũi, quan tâm, gợi lên hình ảnh các quan “phụ mẫu chi dân” la cà, mò mẫm đến tận nhà dân để đe dọa và vòi vĩnh. Đám cưới chuột là sự thể hiện một phía khác của sự cộng sinh ấy: Trong khi con chuột phải lo lắng tất bật lo việc nhà cho mèo như một thành viên gia đình đích thực, thì khi chuột có việc nhà, mèo ta lại chễm chệ ngồi trên ghế quyền lực để ăn hối lộ một cách chân tình. Ghép hai con mèo trong ca dao và trong tranh dân gian, ta thấy được chân tướng của văn hóa cầm quyền thời phong kiến ở Việt Nam, một văn hóa cai trị kiểu giáp lá cà, đưa quyền lực thẩm thấu trong quan hệ gia đình, dưới cái vỏ thân tình, gần gũi.

Con mèo vừa là biểu tượng của gia đình, vừa là biểu tượng của quyền lực, vừa ám ảnh sâu sắc trong tâm thức Việt, vừa mềm mại linh hoạt như đặc điểm của văn hóa Việt Nam. Vậy thì có lý gì mà con mèo không thể trở thành Quốc thú của nước Việt ta?!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất