| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 24/10/2011 , 10:51 (GMT+7)

10:51 - 24/10/2011

Hoan hô ông Bộ trưởng!

Dư luận chưa kịp hết “sôi sùng sục” khi Bộ trưởng GT- VT Đinh La Thăng “trảm tướng” thì lại xôn xao bàn tán xung quanh một quyết định khác, cũng rất táo bạo của ông: Cấm các quan chức của ngành mình chơi golf.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
Dư luận chưa kịp hết “sôi sùng sục” khi Bộ trưởng GT- VT Đinh La Thăng “trảm tướng” ngay tại công trình sân bay quốc tế Đà Nẵng vì vị chỉ huy công trình này không hoàn thành nhiệm vụ, thì lại xôn xao bàn tán xung quanh một quyết định khác, cũng rất táo bạo của ông: Cấm các quan chức của ngành mình chơi golf.

Ngay sau khi được ban hành, văn bản này đã bị Bộ Tư pháp “soi”, bởi “văn bản trên có nội dung sai thẩm quyền, vi phạm quyền cán bộ công chức...”. Như vậy, một đằng Bộ trưởng Thăng “tuýt còi” cán bộ trong ngành về việc chơi golf để bê trễ công việc, một nẻo thì ngành tư pháp “tuýt còi” ông với những nhận xét nêu trên.

Cuộc “tranh cãi” trong dư luận cũng vì thế mà nóng lên giữa hai luồng ý kiến. Một bên thì cho rằng ông Đinh La Thăng cấm như thế là đúng, cấm vì lợi ích chung, còn bên kia thì nhất định rằng cấm như thế là vi phạm “quyền công dân”?

Tuy nhiên, người dân có nhiều cơ sở để đồng tình với quy định này của ông Bộ trưởng GT- VT.

Trước hết câu chuyện tiêu cực về sân golf ở Việt Nam dường như ai cũng biết và NNVN đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Ở Việt Nam sân golf nhiều gấp 10 lần thế giới. Dự án sân golf chỉ là “trá hình” cho những tiêu cực đất đai. Đất nông nghiệp bị chiếm để làm sân golf, người dân mất đất, mất kế sinh nhai, tiêu cực xã hội cũng từ đấy mà nảy sinh đã rõ.

Chơi golf trên thế giới từ lâu vẫn được coi là môn thể thao quý tộc bởi sự sang trọng nhưng cũng vô cùng tốn kém và... mất thì giờ. Xin nêu một góc độ mà Bộ trưởng Thăng đề cập, đó là có không ít quan chức ngành GT- VT chơi golf và sao nhãng công việc chuyên môn. Nguyên văn trích một câu trong văn bản của Bộ trưởng: “Một trong những tình trạng này là do cán bộ mất quá nhiều thời gian để chơi golf”.

Các quan chức bỏ bê công việc là một việc rất đáng trách, nhưng có thêm một câu hỏi nữa là các quan chức này lấy đâu ra nhiều tiền thế để chơi golf?

Thực tế, không chỉ cán bộ của Bộ GT- VT mà còn rất nhiều Bộ, ngành khác, rồi các tỉnh, thành cũng có rất nhiều quan chức tham gia chơi golf. Một tổng giám đốc đang quản lý một sân golf ở gần Hà Nội cho biết: Có khá nhiều tay golf có hạng chơi ở sân này là quan chức. Và nếu không có quan chức (tất nhiên là đang đương chức) tham gia chơi thì có lẽ sân golf này thua lỗ to rồi. Lương của một quan chức hiện nay may lắm chỉ đủ nuôi gia đình, vậy họ lấy đâu ra tiền để chơi golf nếu không phải từ các nguồn không rõ ràng khác?

Khi tôi điện thoại hỏi ý kiến về vấn đề này đối với một vị Thứ trưởng ngành NN-PTNT, ông nói rằng, bản thân ông và những lãnh đạo khác của ngành còn đang phải lo đối phó với lũ lụt ở ĐBSCL, thời gian đâu mà nghĩ đến golf. Ông cũng khẳng định, trong ngành mình, hầu hết lãnh đạo từ cấp vụ, cục trở lên đều không biết đánh golf, và cũng không có thời gian và chi phí cho việc đó.

Kinh tế đất nước đang đứng trước quá nhiều khó khăn. Cấm quan chức chơi golf, tựu chung lại, cũng là góp phần hạn chế vung tiền, hạn chế những mối quan hệ mờ ám thông qua trò chơi xa xỉ này. Như vậy thì lẽ ra, cần phải hoan hô ông Bộ trưởng mới đúng!

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm