| Hotline: 0983.970.780

Hoang đường "thánh" Phi chữa bách bệnh

Thứ Ba 20/03/2012 , 10:16 (GMT+7)

Thời gian qua, thông tin về “đức thánh" Nguyễn Văn Phi ở xóm 4 xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên, Nghệ An) có sức mạnh thần y chữa được trăm thứ bệnh đã lan truyền rộng rãi ở xứ Nghệ. Để mục sở thị khả năng siêu nhiên của “ngài”, chúng tôi đã khoác lên mình tấm áo bệnh nhân thử tìm đến gõ cửa cậy ơn.

Thời gian qua, thông tin về “đức thánh" Nguyễn Văn Phi ở xóm 4 xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên, Nghệ An) có sức mạnh thần y chữa được trăm thứ bệnh đã lan truyền rộng rãi ở xứ Nghệ. Để mục sở thị khả năng siêu nhiên của “ngài”, chúng tôi đã khoác lên mình tấm áo bệnh nhân thử tìm đến gõ cửa cậy ơn.

"Gặp thánh mà đi tay không rứa?"

Từ TP. Vinh ngược lên Hưng Nguyên, đến trung tâm xã Hưng Phúc hỏi đường, chúng tôi bất ngờ vì độ “phủ sóng” của “đức thánh”. Từ người già đến con trẻ đều ngỏ ý sẵn sàng dẫn chúng tôi đến tận cổng, tuy nhiên cuối cùng để tránh làm phiền, chúng tôi đi theo hướng dẫn của bà bán nước ven đường: “Vô xóm 4 thấy nhà nào 2 tầng to nhất xóm, sơn màu xanh thì đó là nhà "đức thánh”.

Cùng với một chị đồng nghiệp, chúng tôi vào vai 2 vợ chồng hiếm muộn đến xin “thuốc thánh”. Nhà “thánh” to vật vã, tường rào vây kín. Ngay trước cổng còn bố trí 2 con chó dữ nhốt trong lồng sắt sủa ồm ồm khi thấy người lạ. Trong sân, rất nhiều người bệnh đã mang đồ lễ đứng sẵn đợi “thánh” cho thuốc.

Chúng tôi để ý hai điện thờ lớn phía trước sân, hương khói không dứt và chất đầy lễ vật, hoa quả. Thấy “vợ chồng” tôi đi vào, một phụ nữ ngồi bên gian lễ vật (sau này mới biết đó là vợ "thánh" Phi) lên tiếng: “Đến gặp thánh mà đi tay không rứa, ngài không làm cho mô”. Chúng tôi đang tưng hửng thì một “con nhang” đứng cạnh nói hộ: “Chắc ở xa tới chưa biết. Thôi cứ đứng đó rồi lát nữa lên thưa với thánh chưa kịp chuẩn bị đồ lễ, có khi ngài thương mà giúp cho”.

Có đến mười mấy “con nhang” lũ lượt tới lổm nhổm quỳ xuống khi thấy “thánh” bước ra. “Con nhang” đứng cạnh tôi nói tiếp: Tôi là người ở Thanh Chương (Nghệ An), hôm qua có đến một lần nhưng vì Chủ nhật đông quá tôi chưa gặp được ngài. Chồng tôi rượu chè be bét, bỏ tôi đi rồi nên tôi đến đây xin “thuốc”.

Chờ đến lượt "hầu thánh"

Qua chuyện trò, chúng tôi nhận ra mình không chỉ thiếu lễ vật mà còn đến muộn. Hầu hết mọi người đều đến từ sáng sớm, tay xách nách mang đứng đợi khi “thánh” còn ngủ chưa dậy. Có người đến từ các huyện xa như Thanh Chương, Đô Lương, thậm chí có “con nhang” lặn lội từ Hà Tĩnh qua.

Chữa tất tần tật, kể cả bệnh... nói nhiều

Bàn làm việc của “đức thánh” kê giữa sân, ngay sát điện thờ. “Thánh” ngồi vắt chéo chân, kê tay lên bàn trong khi các con nhang đều quỳ rạp trước mặt, thỉnh thoảng nghiêng đầu xin “ngài” gieo quẻ. “Thánh” hỏi: Bệnh gì? “Con nhang” khép nép: Thưa ông, đau dạ dày ạ! Đau lâu chưa? Dạ, 2 năm rồi. “Thánh” ngắm nghía “con nhang” bất động một lát, đoạn phán: “Có vong theo, đau là phải”. Nói rồi “ngài” bảo chọn ngay một thứ trong đồ lễ vật rồi mang đến “ngài” phù phép bằng cách thổi vào món đồ đó rồi đưa cho “con nhang” cầm về nhà dùng, ắt khỏi bệnh.

Có điều lạ là dù mắc bệnh gì vào “thánh” cũng phán là có “vong” theo. Thấy “con nhang” nào có vẻ hoảng hốt, “ngài” liền trấn an: “Yên tâm là được. Ông cho sống thì được sống”. Trấn an xong rồi “ngài” giới thiệu “con nhang” ra gặp bà Lộc (vợ “thánh”) sắm lễ để trừ tà, giải hạn.

Bà vợ “thánh” luôn miệng hỏi: “Đau ốm lâu chưa con?”. Khi ai đó trả lời: “Dạ đau lâu rồi, uống đủ thuốc rồi mà chẳng được, nghe tiếng “ngài” thiêng lắm nên con đến đây”, thì bà Lộc nói ngay: “Yên tâm, ngài đây có phép cao siêu, bất cứ bệnh gì cũng có thể khỏi được, miễn là sắm lễ cho tử tế”. Thường thì bà kê cho các “con nhang” những món đồ lễ từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng, thậm chí có những mâm lễ đến hai, ba triệu đồng.

Có lúc đích thân “thánh” đi chọn “thuốc” cho bệnh nhân, thường là một trong số những hoa quả trong mâm lễ, rồi “thổi phép” vào. Có “con nhang” bệnh đau cột sống, lập tức “thánh” cho nằm sấp xuống chiếu rồi dẫm lên chỗ đau, vừa dẫm vừa hỏi: “Hết đau chưa? Hết đau rồi phải không?”. Xong rồi, “ngài” cấp cho một thang thuốc mà theo như lời “ngài” là có công hiệu vô biên, chữa được bách bệnh. Thang thuốc bao gồm một nắm lá chìa vôi khô cùng với vài ba chân hương và mấy nhánh cúc rút từ điện thờ.

Khi “thánh” đang bận phán với một phụ nữ có chồng mắc bệnh…nói nhiều thì có điện thoại gọi đến, đầu dây đích thị là một “con nhang”. Giọng “ngài” ồm ồm: “Gọi ông có việc gì mi. Hùm, con lại đau phổi à, uống thuốc ông cho chưa. Hùm, có trái cam trái quýt mô đó không, đặt sát điện thoại ông thổi phép cho rồi đưa cho nó”. Nói rồi “ngài” chép miệng: “Lũ bố mẹ ăn hại! Yên tâm, ông cho sống thì được sống!”. “Ngài” cũng không quên “thổi phép” vào lon bia đưa cho người phụ nữ, bảo về đưa cho chồng uống “cho hắn ngậm bớt mồm lại”.

Cuối cùng thì “ngài” cũng để ý đến “vợ chồng” tôi, đang đứng lén lút phía sau cùng. “Ngài” lớn tiếng: “Anh chị kia đến đây có việc gì?”. Chúng tôi mừng rỡ thưa bẩm với ngài bệnh tình, những mong được giúp đỡ thì “ngài” phán thẳng thừng: “Hiếm là đúng rồi, anh chị có vong nặng lắm. Thôi về đi, mai sắm lễ đầy đủ rồi đến ông giải hạn cho”.

Lật tẩy

“Đột nhập” và nhà “đức thánh”, chúng tôi nhận ra rằng hầu hết “con nhang” đều là người ở xa, chí ít thì cũng ở Vinh. Qua tìm hiểu, chúng tôi mới biết anh em hàng xóm đều dị ứng, thậm chí cạch mặt với chiêu trò của vợ chồng Nguyễn Văn Phi.

Phi sinh năm 1960, từng có một thời gian đi bộ đội, sau đó về lấy vợ sinh con, làm đồng áng. Cuộc sống khó khăn, Nguyễn Văn Phi xin vào làm chân bảo vệ cho một trường học ở Hưng Phúc. “Đến năm 2007, ông ta tự nhiên lầm lì ít nói, say rượu cả ngày và không chịu tắm rửa, sau đó thì tụ xưng là Đức Thánh Hai được ban phép để trừ bệnh cứu người. Anh em họ hàng góp ý mãi không được”, một hàng xóm của Phi cho biết.

Cái lý để Phi “ra thánh” rất đơn giản. Y đào một củ ráy rồi nói với mọi người là chà vào lưỡi mà không thấy ngứa, vì y là thánh. Sau đó Phi cùng vợ là Nguyễn Thị Lộc xây am thờ, tổ chức cúng bái và chữa bệnh. Thời gian đầu, người dân Hưng Phúc, chủ yếu là thanh niên, trẻ em tò mò kéo đến nhờ Phi xem bói, chữa bệnh; nhưng sau thấy không thiêng nên ai nấy đều cạch mặt.  

Màn chữa bệnh kỳ quặc của "thánh" Phi

Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Phúc, kể: “Thánh” Phi tự nhận là đổ dầu lên tay đốt không cháy. Khi đám thanh niên trong xóm mua dầu kéo đến xin Phi biểu diễn thì “ngài” xanh mặt nói là: "Hôm nay thánh không nhập”, rồi chuồn vào buồng. Trong khi đó, nhiều người dân ở Hưng Phúc vẫn còn bàn tán về mấy trường hợp suýt chết vì uống phải “thuốc thánh” của Phi.

Mặc dù người dân Hưng Phúc biết rõ là trò mê tín, lừa đảo nhưng không hiểu sao tên tuổi của Nguyễn Văn Phi vẫn cứ được đồn thổi, và các “con nhang” khắp nơi cứ nườm nượp bưng lễ về xin “thánh” chữa bệnh. Cũng nhờ đó mà Phi phất lên nhanh chóng. Sau 2 năm hành nghề, vợ chồng Phi từ chỗ nghèo đói đã xây được căn nhà 2 tầng to nhất xóm, rồi xây am thờ, từ đường, dựng gara, lợp mái tôn. Phi cũng ra dáng “quan thầy” bệ vệ khác với thân hình lom nhom lúc trước. Không chỉ lừa bịp chữa bệnh, Nguyễn Văn Phi còn tự xưng là có khả năng tìm kiếm mộ liệt sỹ, mồ mả thất lạc khiến cho ngày càng có nhiều người lặn lội tìm đến cầu cạnh.

Nhờ huyện cũng chả ăn thua

"Nhiều người dân rất bức xúc và chúng tôi cũng đau đầu lắm rồi nhưng không biết xử lý như thế nào cả. Mời ông ấy lên làm việc thì ông ấy khẳng định mình không tuyên truyền mê tín dị đoan, không gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự, trong khi rình bắt quả tang thì chúng tôi không làm được. Đến cả Công an huyện và cán bộ Phòng Văn hóa về làm việc, ông ấy còn lớn tiếng nhờ chính quyền “bảo vệ” để không bị kẻ xấu quấy phá. Xã cũng đã làm việc trực tiếp với ông Phi không dưới chục lần, 2 lần mời lên Ủy ban làm việc nhưng không ăn thua. Xã thì không đủ thẩm quyền để xử phạt, nhờ đến huyện cũng chưa có kết quả gì cả", Phó chủ tịch UBND xã Hưng Phúc Nguyễn Quang Tiến cho biết.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.