| Hotline: 0983.970.780

Hoang mang với Ethoxyquin

Thứ Năm 07/06/2012 , 11:39 (GMT+7)

Việc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã nâng tần suất kiểm tra lên 30% đối với tôm Việt Nam về dư lượng Ethoxyquin, đồng thời cảnh báo sẽ nâng lên 50%, thậm chí lên 100% nếu phát hiện thêm các lô tôm vi phạm, đang gây mối hoang mang lớn cho các DN xuất khẩu tôm Việt Nam.

Việc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã nâng tần suất kiểm tra lên 30% đối với tôm Việt Nam về dư lượng Ethoxyquin, đồng thời cảnh báo sẽ nâng lên 50%, thậm chí lên 100% nếu phát hiện thêm các lô tôm vi phạm, đang gây mối hoang mang lớn cho các DN xuất khẩu tôm Việt Nam.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, TGĐ Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), những ngày qua, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đang có chung tâm trạng hoang mang, lo lắng với Ethoxyquin. Một số doanh nghiệp tôm đã mang một số mẫu thức ăn nuôi tôm sản xuất trong nước đi phân tích, đều thấy sự hiện diện của Ethoxyquin với hàm lượng từ 10-50 ppm. Hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn cho tôm như vậy thì rất khó có thể “kéo” hàm lượng chất này trong tôm xuống dưới mức 0,01 ppm như yêu cầu của Nhật Bản. Bằng chứng là khi mang các mẫu tôm thành phẩm đi xét nghiệm thử ở trong nước, số mẫu vượt được “ải” Ethoxyquin của Nhật Bản là rất ít, đồng nghĩa với việc tôm Việt Nam hiện nay rất dễ “dính” quy định Ethoxyquin nếu xuất khẩu sang Nhật Bản.


Thu hoạch tôm ở Cà Mau

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hiện đang rất bối rối kể từ sau khi Nhật Bản tăng tần suất kiểm tra Ethoxyquin đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào nước này. Bởi ngay trong lúc này mà đảm bảo các lô tôm xuất khẩu sang Nhật Bản đều có hàm lượng Ethoxyquin trong tôm không quá 0,01 ppm là  khó vô cùng. Ông Hòe nói: “Một lượng tôm lớn đã được nuôi, một lượng lớn thức ăn thủy sản, bột cá dùng để nuôi tôm đã được sản xuất hay được nhập khẩu về nước ta. Nếu phải đáp ứng ngay lập tức yêu cầu dư lượng Ethoxyquin không vượt quá 0,01 ppm, thì lượng tôm, thức ăn thủy sản và bột cá không nhỏ ấy, phải giải quyết làm sao?”.

Nhưng cái lo lớn nhất đối với các doanh nghiệp là sẽ lại phải tăng thêm khá nhiều chi phí cũng như thời gian cho việc kiểm tra chất này. Theo ông Trần Văn Lĩnh, trong thời gian qua, các chất bị Nhật Bản cảnh báo như Trifluralin hay Enrofloxacin…, đã ngốn của  doanh nghiệp không ít thời gian, tiền bạc. Doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Cty Minh Phú, một năm mất không dưới 1 triệu USD cho công việc này. Những doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ hơn, mỗi năm cũng mất vài trăm ngàn USD. Ngay cả các nhà nhập khẩu tôm Nhật Bản, cũng mất thêm kinh phí và thời gian cho công tác kiểm tra ở nước họ. Chẳng hạn, trước đây, khi tôm Việt Nam sang tới Nhật Bản, chỉ sau 10-15 ngày lưu kho là đã ra thị trường, nay phải mất thêm chừng ấy thời gian nữa. Chính vì thế, con tôm Việt Nam đang bị mất đi khá nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường Nhật Bản khi bị các nhà nhập khẩu đưa vào danh mục mang tính rủi ro. Và để giảm thiểu rủi ro, các nhà nhập khẩu đã giảm giá mua tôm Việt Nam. Nay phải mất thêm kinh phí và thời gian cho việc kiểm tra Ethoxyquin, doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nhật Bản lại càng khó khăn hơn.

Điều đáng nói là theo các tài liệu quốc tế, cho đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy Ethoxyquin gây hại cho sức khỏe con người. Theo ông Trương Đình Hòe, ngay ở Nhật Bản, trong bột cá dùng để nuôi tôm, hàm lượng Ethoxyquin vẫn được cho phép tới 150 ppm. Ở châu Âu, Mỹ, hàm lượng Ethoxyquin trong thủy sản nhập khẩu cũng ở mức cao hơn rất nhiều so với quy định dưới 0,01 ppm của Nhật Bản. Còn theo ông Trần Văn Lĩnh, trong khi yêu cầu hàm lượng Ethoxyquin với Việt Nam, thì Nhật Bản vẫn chưa áp dụng yêu cầu này với tôm nhập khẩu từ nhiều nước khác. Chính vì thế, ông Lĩnh cho rằng đây là một hàng rào kỹ thuật do phía Nhật Bản dựng lên.

Theo Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TP HCM (CASE), ngoài tôm, Nhật Bản cũng đã quy định hàm lượng Ethoxyquin trong nhiều nông sản khác với ngưỡng rất thấp: hầu hết trái cây dư lượng tối đa cho phép là 0,05 ppm; các thực phẩm có nguồn gốc động vật là 0,3 ppm; riêng thịt heo được Nhật Bản quy định 0,01 ppm. Hiện nay, CASE đã có thể phân tích hàm lượng Ethoxyquin trong tôm ở mức rất thấp là 0,003 ppm, thấp hơn 3 lần so với ngưỡng của Nhật Bản. Thời gian bình quân để phân tích một mẫu là 4 ngày.

Bởi vậy, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng cần có những buổi làm việc giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản về vấn đề này. Theo đó, nếu Nhật Bản kiên quyết áp dụng quy định hàm lượng Ethoxyquin như đang làm với tôm Việt Nam thì cũng phải làm như vậy với tôm các nước khác. Hoặc nếu hàm lượng Ethoxyquin đối với tôm các nước khác cao hơn thì tôm Việt Nam cũng phải được như thế.

Ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh: “Bột cá dùng để nuôi tôm có nguồn gốc từ Nhật Bản, cũng được các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu về khá nhiều để phục vụ nuôi tôm trong nước. Vì thế, nếu phía Nhật Bản vẫn kiên quyết giữ hàm lượng Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu không quá 0,01 ppm, thì cũng phải cho doanh nghiệp Việt Nam có thời gian nhất định để giải quyết vấn đề này".

Trước mắt, để tránh được nguy cơ có thêm những lô tôm bị cảnh báo Ethoxyquin ở Nhật Bản, VASEP đã khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động bổ sung vào chương trình tự kiểm soát của doanh nghiệp đối với chất Ethoxyquin. Đồng thời chủ động cập nhật các thông tin về nguồn lây nhiễm, cách phòng tránh và biện pháp tăng cường kiểm soát từ khâu nguyên liệu đối với chất Ethoxyquin. Tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất Ethoxyquin tại doanh nghiệp trong giai đoạn trước chế biến và truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, các doanh nghiệp có tổ chức nuôi tôm và người nuôi tôm cần chủ động ngưng cho tôm ăn 1 ngày trước khi thu hoạch để không còn dư lượng chất này.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.