| Hotline: 0983.970.780

Hoang phế nhà trưng bày làng nghề

Thứ Ba 14/04/2015 , 06:14 (GMT+7)

Thực tế cho thấy, việc khai thác và phát huy hiệu quả các khu nhà trưng bày còn quá nhiều bất cập.

Ở tỉnh Quảng Nam có hàng chục nhà trưng bày sản phẩm các làng nghề truyền thống được đầu tư xây dựng khá bài bản, khang trang. Tuy nhiên, sau khi khánh thành thì đóng cửa, bỏ hoang nên xuống cấp...

Làng nghề đúc đồng Phước Kiều ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn có lịch sử hơn 400 năm. Hiện làng nghề có 19 hộ làm nghề, doanh thu hàng năm đạt 12 tỷ đồng. Nhằm quảng bá sản phẩm thông qua việc phát triển du lịch, năm 2009, làng nghề được Nhà nước đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng nhà trưng bày. Công trình có tổng diện tích khoảng 1.000m2, tọa lạc giữa trung tâm làng.

15-08-23_nh-3
Nhà trưng bày làng nghề đúc đống Phước Kiều đóng của cài then

Ông Dương Ngọc Sang, Trưởng đại diện làng nghề Phước Kiều cho biết: Khu nhà được phân ra làm hai khu, phía trước là nhà trưng bày, còn khu SX tập trung ở phía sau.

Những ngày đầu đưa vào sử dụng, các hộ làm nghề rất háo hức tham gia SX và trưng bày sản phẩm tại đây. Thế nhưng được một thời gian thấy không mang lại hiệu quả kinh tế bằng việc SX tại nhà nên mọi người bắt đầu rút dần.

Hiện toàn bộ nhà trưng bày bị bỏ hoang chỉ có những tủ kính bám đầy mạng nhện, máy móc ở khu SX phía sau cũng bị tháo dỡ đem về nhà SX.

Tỉnh Quảng Nam có 89 làng có nghề, với khoảng 7.450 hộ tham gia góp phần giải quyết trên 16.180 lao động nông nhàn tại địa phương. Giá trị SX từ hoạt động làng nghề trên địa bàn tỉnh hàng năm đạt hơn 1.500 tỷ đồng.

Để níu kéo người dân ra đây SX, những năm qua thị xã Điện Bàn đã có cơ chế khuyến khích miễn thuế để các hộ đúc đồng vào trưng bày sản phẩm nhưng người dân không mặn mà.

Theo bà con, trưng bày sản phẩm tại đây ít khách đến mua, do đó có miễn thuế họ cũng không vào.

Cùng chung tình cảnh này là khu nhà trưng bày của làng nghề tranh tre dừa nước ở xã Cẩm Thanh, TP Hội An, được xây dựng năm 2010 với tổng mức đầu tư là 7,8 tỷ đồng.

Công trình có diện tích 1,5 ha với một nhà điều hành, đón tiếp khách, 2 công trình phụ và 12 lô đất để người dân đưa tre, dừa, nứa đến SX. Khu quần thể này được dựng lên với mục đích đón khách du lịch đến tham quan, trình diễn nghề.

Đây giống như một trạm dừng nghỉ, vừa là khu du lịch sinh thái sông nước, vừa là hình ảnh của một làng nghề tập trung. Thế nhưng từ khi khánh thành đến nay chưa có hộ làm nghề nào vào SX cũng như trưng bày sản phẩm

Hiện cả khu vực cỏ mọc um tùm, khu sân bãi xung quanh nhà trưng bày được người dân tận dụng phơi lá dừa, nhưng phía trong nhà thì hoàn toàn trống rỗng giống như một ngôi nhà hoang.

15-08-23_nh-2
Ngôi nhà làng nghề xã Cẩm Thanh xây lên trở thành căn nhà hoang

Là người gắn bó với nghề tranh tre dừa 20 năm ở xã Cẩm Thanh, anh Lê Cho tiết lộ: Các hộ làm nghề không muốn vào SX tại khu vực nhà trưng bày, vì mỗi gia đình đều có sân bãi riêng, có đủ phương tiện và công nhân SX. Nếu chuyển lên khu vực này sẽ phát sinh nhiều vấn đề về công vận chuyển, bảo quản sản phẩm, vật liệu…

Được biết, làng nghề tranh tre dừa Cẩm Thanh có khoảng hơn 40 cơ sở, hộ gia đình SX, thu hút gần 200 lao động tham gia; doanh thu bình quân của làng nghề đạt hơn 10 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng, trước khi hình thành các khu vực nhà trưng bày làng nghề, người dân đã có thói quen SX và trưng bày sản phẩm ngay tại nhà. Việc vận động các hộ làm nghề tiến hành đồng thời SX ở hai nơi là rất khó khăn. Đây là vấn đề mà TP Hội An đang phải tìm cách tháo gỡ ở làng nghề tranh tre dừa Cẩm Thanh và làng nghề mộc Kim Bồng.

Còn ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay: Hiện nay tổ chức JICA của Nhật Bản đã đồng ý giúp thị xã chuyển đổi mục đích sử dụng khu nhà trưng bày làng nghề đúc đồng Phước Kiều thành một điểm dừng chân du lịch trên hành trình tham quan phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Tuy nhiên, trong điểm dừng chân này sẽ trưng bày các sản phẩm thủ công khác nhau như gốm, gỗ, mây tre…, chứ không chỉ riêng sản phẩm đồ đồng của làng nghề Phước Kiều. Đồng thời thị xã cũng sẽ tổ chức đấu thầu để chọn các DN, cá nhân có đủ năng lực vào khai thác khu nhà trưng bày này.

Trong giai đoạn 2011-2014, bằng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi và vốn ngân sách, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ gần 16,4 tỷ đồng cho các địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề, trong đó có việc xây dựng các khu nhà trưng bày. Chủ đầu tư xây dựng các khu nhà trưng bày là các huyện, thành phố, khi công trình hoàn thành một số nơi đã bàn giao trực tiếp cho chính quyền cấp xã quản lý. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc khai thác và phát huy hiệu quả các khu nhà trưng bày còn quá nhiều bất cập, do vậy công trình khánh thành xong thì đóng cửa để đó.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.