| Hotline: 0983.970.780

Hoang tàn Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo

Thứ Năm 13/07/2017 , 09:19 (GMT+7)

“Thời điểm thu hồi đất chính quyền và dân rất kỳ vọng vào các dự án. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm nhưng dự án nào cũng “chết yểu”, nhân dân nhìn vào đó cũng mất niềm tin”.

Mặc dù được Chính phủ ưu tiên phát triển, lựa chọn là Khu kinh tế (KKT) trọng điểm của Bắc Trung bộ nhưng mấy năm gần đây các hoạt động giao thương buôn bán, thu hút đầu tư, xuất nhập cảnh... qua KKT này trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.
 

Khu công nghiệp thành bãi... chăn bò

Theo báo cáo của Ban quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh, sau khi KKT Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo được xem là khu phi thuế quan với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai đã có 30 dự án đăng ký đầu tư vào KKT này với tổng số vốn đăng ký 2.591 tỷ đồng. Trong đó, 15 dự án đã xây dựng cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình chính; 9 dự án đang trong giai đoạn xây dựng và dừng xây dựng và 4 dự án chưa triển khai.

10-23-03_nh1
Cửa hàng miễn thuế xây xong bỏ hoang gần 2 năm nay

Thời điểm xây dựng khu hành chính cổng B người dân Hà Tĩnh nói chung, huyện Hương Sơn nói riêng kỳ vọng việc thu hút dự án vào đầu tư trong KKT sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; tăng thu ngân sách cho tỉnh... Tuy nhiên, thực tế lại đi ngược lại. Hàng loạt dự án “trống dong cờ mở” khởi công rầm rộ rồi nằm “ngủ đông” hàng năm trời.

Dự án cửa hàng miễn thuế tại cổng B là dẫn chứng cụ thể. Công trình này đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng, xây dựng xong cách đây 2 năm nhưng chưa một lần hoạt động. Nhà đầu tư cũng không còn mặn mà với dự án, thậm chí đang dần rút vốn. Hay công trình đường và kè sông Ngàn Phố (đoạn từ cầu Tây Sơn đến xã Sơn Tây) nằm trong dự án phát triển KKT phía Tây của Hà Tĩnh, giai đoạn 2015-2017 cũng đã nằm “đắp chiếu” hàng năm trời. Theo dự toán ban đầu, công trình có tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng do BQL KKT tỉnh làm chủ đầu tư, được triển khai thi công vào giữa năm 2015, nhưng đến nay công trình vẫn chưa thể hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

Thậm chí, tổ hợp công trình Nhà liên hợp cửa khẩu Cầu Treo kết hợp Quốc môn, đường giao thông tại cửa khẩu sau 6 năm xây dựng vẫn chưa được bàn giao đưa vào sử dụng. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng cũng như của người dân, doanh nghiệp làm thủ tục qua cửa khẩu. Nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ là do thiếu vốn.

4 dự án trong khu công nghiệp (KCN) Đại Kim, xã Sơn Kim 1 gồm: Nhà máy May Five Star Hà Tĩnh (Cty CP May Five Star Hà Tĩnh); Nhà máy sản xuất xe điện, lắp ráp điện, điện tử (Cty CP xe điện Hà Tĩnh); dự án Nhà máy sản xuất kính (Cty CP kính an toàn Sơn Kim); và Khu thương mại dịch vụ tổng hợp (Cty TNHH Kim cương Hương Sơn) được “vẽ” hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng đầu tư. Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng đến thời điểm này chưa có dự án nào đi vào hoạt động, họa hoằn lắm có vài dự án đưa vào chạy thử nhưng cũng được vài tháng rồi nằm phơi mưa phơi nắng.

10-23-03_nh3
10-23-03_nh4
Gần 10 năm trôi qua nhưng chưa có dự án nào trong KCN Đại Kim hoàn thành, đi vào hoạt động

Chị Nguyễn Thị X., thôn Kim Cương 2 nhìn vào KCN ngao ngán nói: “Khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chính quyền và chủ mấy dự án trong KCN hứa hẹn sau vài ba năm sẽ hoàn thành, tiếp nhận dân chúng tôi vào làm công nhân nhưng đến nay gần chục năm trời rồi chưa có dự án nào hoạt động được. Giờ chỉ thấy ông bảo vệ và mấy hộ dân đem trâu bò vào chăn thả thôi”.
 

Dân thiếu đất sản xuất

Ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, ái ngại: “Thời điểm thu hồi đất chính quyền và dân rất kỳ vọng vào các dự án. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm nhưng dự án nào cũng “chết yểu”, nhân dân nhìn vào đó cũng mất niềm tin”.

Theo ông Hải, năm 2008 xã thu hồi hơn 24ha đất 2 lúa của 4 thôn Kim Cương 2, Khe Dầu, Kim Cương 1 và Hà Trai để bàn giao cho nhà đầu tư xây dựng KCN Đại Kim. Từ đó đến nay các dự án khởi công, xây dựng được một số hạng mục rồi bỏ dở, trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Nguy hại hơn, năm 2016 dự án nhà máy may khởi công, nghe lời chủ đầu tư xã vận động 120 người là con em địa phương đi học nghề may, đến nay hầu hết các em đã tốt nghiệp nhưng nhà máy thì đang “nằm trong mơ”.

10-23-03_nh5
KCN thành nơi... chăn thả trâu bò

Chủ tịch xã Sơn Kim 1 cho rằng, việc đầu tư dự án trong KCN lỡ dở như hiện nay vừa lãng phí tài nguyên vừa lãng phí tiền của. Vì vậy “đề nghị cơ quan chức năng đôn đốc các chủ đầu tư triển khai tiếp dự án; trường hợp dự án nào chây ỳ cần thu hồi để thu hút nhà đầu tư khác tránh lãng phí quỹ đất”.
 

Ưu đãi “đóng băng”

KKT cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo muốn “sống” khỏe phải dựa vào sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi một số chính sách ưu đãi của KKT hết hiệu lực, nhiều doanh nghiệp phải “bỏ của chạy lấy người”, một số đang đầu tư thì đứng bên bờ vực phá sản.

Thời điểm KKT Cầu Treo đang là khu phi thuế quan với hàng loạt chính sách ưu đãi, tỉnh Hà Tĩnh và các ngành chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính để kêu gọi thu hút đầu tư, vì thế mà KKT Cầu Treo trở nên sôi động, sầm uất. Đùng một cái, tháng 8/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 109/2014/TT-BTC “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định 72/2013/QĐ-TTg về cơ chế chính sách tài chính đối với KKT cửa khẩu”.

10-23-03_nh6
Đường vào KCN bẩn thỉu

Theo đó, Thông tư quy định danh mục mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan Cầu Treo là tất cả các mặt hàng, trừ hàng hóa nhập vào để thực hiện dự án đầu tư. Tiếp đó, ngày 1/9/2016, Luật Thuế xuất nhập khẩu (XNK) có hiệu lực, KKT cửa khẩu Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đây.

Việc thay đổi chính sách quá nhanh và gần như không còn ưu đãi gì đáng kể khiến doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào KKT có nguy cơ phá sản. Ngoài các dự án đầu tư dang dở, nhiều “đại gia” buôn bán mặt hàng gỗ khét tiếng khu vực phố núi thị trấn Tây Sơn cũng “sống dở chết dở” vì các quy định liên quan về ưu đãi thuế và thủ tục chuyển đổi theo công văn số 15120/BTC-CST, ngày 25/10/2016 của Bộ Tài chính.

Theo báo cáo của Chi cục Hải quan KKT cửa khẩu Cầu Treo, 6 tháng đầu năm 2017 chỉ có 4 doanh nghiệp làm thủ tục hải quan với tổng số tờ khai 10 bộ (giảm 98% so với cùng kỳ năm 2016); kim ngạch XNK đạt hơn 293.322,35 USD (giảm 87,95% so với cùng kỳ). Mặt hàng XNK chủ yếu là xe máy điện, gỗ hương xẻ và máy làm mát không khí. Tổng thu nộp ngân sách là hơn 1,050 tỷ đồng.

“Như vậy kể từ khi Luật thuế XNK có hiệu lực thì lượng hàng hóa làm thủ tục xuất nhập, vào ra qua cửa khẩu hầu như ít. Chính sách thay đổi đã ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư vào KKT; đời sống dân sinh và việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan chức năng tại KKT”, ông Lý Trọng Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KKT cửa khẩu Cầu Treo nói.

Theo ông Ngọc, việc ban hành chính sách phải thực sự ưu đãi và lâu dài, không thể ban hành xong chưa kịp làm thì thu hồi.
 

Hết thời "con đường đẹp nhất Việt Nam”

Một lý do khác khiến hoạt động KKT Cửa khẩu Cầu Treo rơi vào tình trạng u ám là do tuyến đường huyết mạch nối 3 huyện, thị xã gồm: Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Hương Sơn lên cửa khẩu Cầu Treo qua nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan xuống cấp nghiêm trọng. Con đường này từng được bình chọn là "con đường đẹp nhất Việt Nam” vào năm 1999 nhưng sau một thời gian dài đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng.

10-23-03_nh7
 

Năm 2010, Dự án nâng cấp, mở rộng QL8 do Ban quản lý dự án 4 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư được triển khai, hàng chục km được nâng cấp, mở rộng. Người dân miền núi Hương Sơn mừng như “mở cờ trong bụng” vì sắp thoát khỏi “con đường đau khổ” nhưng chỉ sau một vài năm triển khai dự án thiếu vốn buộc chủ đầu từ phải thi công “chắp vá” từng đoạn đường một.

Hiện tại, mặt đường nhựa nhiều đoạn qua địa phận xã Sơn Diệm, Sơn Tây và Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn) bị bong tróc, ổ trâu ổ gà chi chít; có những đoạn sạt lở, mặt đường lượn sóng, đe dọa an toàn cho phương tiện giao thông.

KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo bao gồm 4 xã là Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn. KKT này gắn với Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, trên QL8, thông thương sang nước bạn Lào. KKT Cầu Treo được thành lập nhằm đẩy mạnh thông thương giữa Việt Nam với Lào, thúc đẩy kinh tế các huyện phía Tây Hà Tĩnh và toàn tỉnh phát triển.

 

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.