| Hotline: 0983.970.780

Hoàng Tuấn Công: Về một số câu tục ngữ ‘chưa rõ nghĩa’ [Kỳ 1]

Thứ Hai 01/08/2022 , 09:04 (GMT+7)

‘Từ điển tục ngữ Việt’ xếp nhiều câu vào diện chưa rõ nghĩa, là cách làm thận trọng. Ở đây, chúng tôi xin đưa ra một số kiến giải dưới góc độ học thuật.

Thông thường, khi biên soạn từ điển thì tất cả từ ngữ thu thập sẽ được soạn giả giải thích. Tuy nhiên, trong "Từ điển tục ngữ Việt" (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - 2010) có một số câu Nguyễn Đức Dương thu thập, nhưng xếp vào diện “chưa rõ nghĩa”.

Cách làm này thể hiện sự thận trọng, và cũng có cái hay là lưu ý cho độc giả và các nhà nghiên cứu về những vấn đề còn bỏ ngỏ. Sau đây chúng tôi xin đưa ra cách giải thích về những câu “chưa rõ nghĩa” này.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công.

“Ao cá lửa thành"

Thực ra đây chính là dị bản của "Cháy thành vạ lây", mà chính Nguyễn Đức Dương đã thu thập và giải thích là: “Thành hễ bị cháy thì (những kẻ sống quanh đó) tất bị vạ lây. Hay dùng để than phiền về tình cảnh hay chịu vạ lây khi phải sống gần các cuộc giao tranh lớn”.

“Ao cá lửa thành”, “Lửa thành ao cá”, hay "Thành môn ngư ương 城門魚殃" chính là dạng rút gọn của "Thành môn thất hỏa, ương cập trì ngư 城門失火,殃及池魚".

Bài liên quan

Tương truyền, thời Xuân Thu, Trì Trọng Ngư người nước Tống, nhà ở gần cửa thành. Một lần thành bị hỏa tai, lửa lan rộng sang nhà họ Trì, khiến Trọng Ngư bị chết cháy. Và Trì Ngư ở đây là Trì Trọng Ngư. Lại có thuyết cho rằng trì ngư 池魚 đơn giản chỉ có nghĩa là ao cá (trì 池 = ao; ngư 魚 = cá). Tống thành bị hỏa hoạn, người ta đổ xô đi múc nước chữa cháy, khiến cho ao chuôm gần đó bị cạn, cá tôm chết khô cả. Về sau, câu Thành môn ngư ương, hay Thành môn thất hỏa, ương cập trì ngư, ví với trường hợp không có liên quan gì đến sự việc nhưng lại phải chịu họa hại. [Tham khảo "Hán ngữ đại từ điển", nguyên văn: 城門失火,殃及池魚: 相傳 春秋 時, 宋國 池仲魚 所居近城門,一次城門失火,延及其家, 仲魚 燒死.一說 宋 城門失火,因汲水滅火,池水乾涸,魚皆枯死 […] 後用以比喻無端受牽連而遭禍害].

Trong hai dị bản trên, thì dị bản “trì ngư” với nghĩa “ao cá” đắt hơn. Bởi nếu nhà ở gần cửa thành, lửa cháy lan sang, thì việc Trọng Ngư bị chết cháy là chuyện thường. Trong khi cá là sinh vật ở dưới nước, lửa không thể lan tới, mà vẫn bị “vạ lây” mới đúng là chuyện tai bay vạ gió. 

“Áo chân cáy, váy chân sứa”

Cáy là sinh vật nước lợ, thuộc họ Cua. Do chân cáy có nhiều lông và răng cưa nhỏ, gợi đến hình ảnh rách tướp, xác xơ. Còn sứa là một sinh vật biển, thân như ô như lọng, chân sứa giống tua mực xỏ xuống lòa xòa. Áo chân cáy là áo có gấu rách tướp trông như chân cáy; váy chân sứa là váy có gấu rách tả tơi, trông như những cái chân con sứa. "Áo chân cáy, váy chân sứa" ý chỉ áo váy rách rưới tả tơi.

“Ăn có chỗ, đỗ [?] có nơi”

Theo ký hiệu đánh dấu [?] biểu thị nghi ngờ, thắc mắc, có lẽ soạn giả không hiểu “đỗ” có nghĩa là gì, dẫn đến cả câu “chưa rõ nghĩa”.

Thực ra “đỗ” ở đây là tạm, tạm thời dừng lại (đồng nghĩa với đậu), như Ăn nhờ ở đỗ = Ăn nhờ ở đậu, Ăn gửi nằm nhờ.

Câu "Ăn có chỗ, đỗ có nơi" (dị bản Ăn chọn nơi, chơi chọn bạn) có nghĩa phải biết chọn bạn mà chơi, không nên buông tuồng bừa bãi, bạ đâu xâu đó.

Tham khảo: Câu "Ăn có chỗ, đỗ có nơi" đồng nghĩa với "Ăn có sở, ở có nơi". Đáng chú ý là với câu sau, Nguyễn Đức Dương cũng đã nhầm lẫn, không hiểu đúng nghĩa của từ sở nên giải thích sai: “Ăn có sở; ở có nơi: Ăn thì nên chọn những thứ hợp sở thích mà ăn; ở thì nên chọn những nơi thuần hậu mà cư ngụ; sở dt. Sở thích [nói tắt]”.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

Xưa kia, mỗi khi đói kém người ta lại lặn lội lên rừng để chạy đói, khai thác từ ngọn nứa tép cho đến cây gỗ quý. Tuy nhiên, chốn rừng núi “ma thiêng nước độc” với những rắn rết, thú dữ, đá lở đất nhào, lũ cuốn lũ quét… đã lấy đi nước mắt và sinh mạng của bao người. Người ta cho rằng, đó là Thần Rừng nổi giận, bắt con người phải trả giá vì đã “ăn của rừng”.

Câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, được sử dụng khá rộng rãi trên báo chí, đặc biệt là khi nói về những thảm họa lũ lụt, sạt lở xảy ra do con người khai thác, tàn phá rừng bừa bãi. Ví dụ: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Nước mắt kẻ “ăn rừng”, sớm muộn, có thể “rưng rưng” hay chẳng kịp “rưng rưng”. Nhưng, người dân miền núi, người dân vùng lũ vẫn chưa thôi vừa cạn dòng nước mắt, nước mắt lại lã chã tuôn rơi” (Uông Ngọc Dậu - báo Vietnamnet, 2017); hay “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt, âu đó cũng những gì chúng ta đã và đang phải trả giá cho lòng tham của mình khi quyết đánh đổi, tàn sát thiên nhiên trong suốt nhiều năm để đổi lấy tiền” (Nam Hoàng - báo Công Lý, 2018).

Như vậy, câu tục ngữ “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, không khó hiểu đến mức phải xếp vào diện “chưa rõ nghĩa”. (Còn tiếp)

Hoàng Tuấn Công
(Trích bản thảo “Viết lúc nông nhàn”, sắp xuất bản)

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

 

Xem thêm
Câu chuyện thứ mười ba: Câu chuyện cây đu đủ

Cây đu đủ, như bao loại cây khác trong thiên nhiên, có thể trở thành một nguồn tài nguyên vô tận cho những bạn trẻ khởi nghiệp khai thác.

Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia

THỪA THIÊN - HUẾ Nghề làm bún Vân Cù (thị xã Hương Trà) và lễ hội điện Huệ Nam (thành phố Huế) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 12/2024.

Ra mắt câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền'

Câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền' chính thức ra mắt, đánh dấu bước ngoặt phát triển nông nghiệp bền vững. 18 thành viên Ban chủ nhiệm là những doanh nông tiêu biểu.

Chính sách logistics xanh của Bỉ

Những biện pháp logistics xanh mà Bỉ áp dụng gồm giảm phát thải carbon, tăng cường sử dụng vận tải đa phương thức, phát triển đội xe điện...