| Hotline: 0983.970.780

Học nghề may, có việc ngay

Thứ Tư 22/05/2013 , 10:18 (GMT+7)

Ở Thái Bình, nghề may không chỉ thu hút lao động nữ mà nam giới cũng “vào cuộc” khá nhiều.

Chị Phạm Thị Yến (SN 1984) ở xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình hồ hởi vui mừng vì được học nghề may 3 tháng ở Trường Trung cấp nghề Thái Bình, sau đó có việc làm ngay tại Cty CP XNK Thương mại dịch vụ MTA.

Trên khuôn mặt trái xoăn, má hồng, Yến nhoẻn miệng cười tỏ vẻ mãn nguyện: “Thu nhập chính vẫn phải là người chồng chị ạ. Dù biết lương từ nghề may cũng không cao lắm nhưng có được việc làm ổn định từ chính tay nghề của mình là vui lắm rồi”.

Với Đặng Việt Hà (SN 1986) thì khác. Em lấy chồng được hơn 7 năm giờ đã có hai con, đứa lớn vừa vào lớp 1, đứa nhỏ 3 tuổi nên cuộc sống không mấy thoải mái. Từ lúc bé đến khi bước chân đi lấy chồng, nghề chính của Hà là nội trợ và phụ giúp bố mẹ mấy thửa ruộng. Tuy nhiên, nghề nông chẳng bao giờ khá lên được khi chi phí của hai con ngày càng tăng cao.

Được xã chọn đi học nghề may đợt này, Hà vui lắm. Có mặt trong buổi khai giảng, em tâm sự: "Cho dù có làm được 1 - 2 triệu đồng/tháng em cũng thích hơn ở nhà chị ạ. Vừa được làm gần nhà, vừa được ra ngoài giao lưu với mọi người cho mở mang đầu óc, lại có thêm tiền cho các con ăn học, bớt đi gánh nặng cho người chồng đang làm thợ xây ở tận Lào Cai".

Ở Thái Bình, nghề may không chỉ thu hút lao động nữ mà nam giới cũng “vào cuộc” khá nhiều. Em Nguyễn Văn Thăng (SN 1994) đã quyết định vào học nghề may đợt này để được vào Cty MTA cùng làm với mẹ. Dáng người dong dỏng cao, mái tóc để khá ấn tượng, Thăng bảo, em vừa tốt nghiệp THCS, đang loay hoay chưa biết thi vào trường nào thì mẹ bảo: “Hay con thử cùng làm nghề may với mẹ”. Tự nhiên trong người muốn thử làm nghề nào đó “mềm mại” giống như mẹ em bây giờ, Thăng đồng ý. Và, quan trọng nhất vẫn là được gần mẹ.


Công nhân Cty MTA (Thái Bình) không lo thất nghiệp

Đó là 3 trong tổng số 245 LĐNT của xã Đồng Tiến có mặt trong buổi khai giảng lớp dạy nghề may tại Trường Trung cấp nghề Thái Bình (Sở LĐ-TB&XH). Theo Hiệu trưởng Nguyễn Minh Thảo, trong vòng 66 ngày, các học viên sẽ được đào tạo những kỹ năng cơ bản về nghề may công nghiệp, tiếp cận và sử dụng thành thạo các máy móc, thiết bị chuyên dùng của dây chuyền SX may công nghiệp.

Sau khi kết thúc khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ nghề theo quy định và được Cty MTA, cơ sở may Thế Duyệt cam kết tiếp nhận vào làm việc với mức lương dự kiến từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Nếu làm tăng ca sẽ có thêm thu nhập.

Ông Thảo cũng yêu cầu các học viên phải chuẩn bị tốt nội dung, chương trình đào tạo, cung cấp nguyên vật liệu phục vụ thực hành; chú trọng đổi mới, sáng tạo trong quá trình dạy và học; chấp hành nghiêm nội quy, quy chế, bảo đảm lớp học đạt yêu cầu đề ra.

Đây là một trong những cách đào tạo theo nhu cầu DN mà trường đang áp dụng từ vài năm nay. Nhờ đó, hầu hết học viên ra trường đều có việc làm với mức thu nhập ổn định. Cuộc sống nhờ đó mà cũng cải thiện hơn rất nhiều so với cuộc sống “nông dân” trước đây và thay đổi bộ mặt của một xã thuần nông như Đồng Tiến.

Trước hàng trăm học viên, ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Cty MTA hứa sẽ đem lại công việc ổn định, lâu dài cho họ. Dù có nhiều DN phá sản trong nền kinh tế thị trường khắc nghiệt này, nhưng Cty vẫn có nhiều đơn hàng SX áo jacket, quần sooc để xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

"Cần phải đảm bảo đào tạo đúng, đào tạo trúng, đào tạo những gì xã hội cần chứ không đào tạo những gì xã hội đang có, đang dư thừa. Đó mới là cách đi đúng hướng, có tính bền vững khi địa phương muốn triển khai thành công Đề án đào tạo nghề cho LĐNT (Đề án 1956)", ông Đào Văn Tiến.

Theo ông Tuấn, thành công đó bởi Cty luôn đặt hai chữ “uy tín, chất lượng” lên hàng đầu. Và để làm được điều đó, tay nghề lao động cũng phải vững nên công ty đã kết hợp với một trường nghề để đào tạo tay nghề cho lao động trước khi tiếp nhận họ về làm việc.

Chẳng thế mà từ lúc chỉ với 15 lao động (năm 2009), ngoài số học viên này, Cty MTA hiện có gần 200 lao động khác, chủ yếu là người dân địa phương đang làm việc một cách thuần thục, tay nghề vững chắc. Mỗi năm những lao động này đem lại cho DN hơn 6 tỷ đồng.

Ghi nhận cách đào tạo nghề cho LĐNT khá hiệu quả này, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề) yêu cầu các học viên tham gia khóa học cần ý thức được học nghề là tốt cho chính bản thân mình, có nghề sẽ có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông Tiến cũng yêu cầu Sở LĐ-TB&XH, các cấp lãnh đạo địa phương cùng giám sát và rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho LĐNT gắn với nhu cầu của DN và cơ sở SX. Tất cả phải hướng tới mục tiêu: Đào tạo những gì người lao động, DN, cơ sở SX và thị trường cần.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất