| Hotline: 0983.970.780

Học trò bất trị, lỗi đâu chỉ tại thầy cô?

Thứ Bảy 25/05/2019 , 07:10 (GMT+7)

“Việc phối hợp với nhà trường để giáo dục trẻ là trách nhiệm bắt buộc mà cha mẹ phải thực hiện. Phó mặc mọi việc cho nhà trường thể hiện sự vô trách nhiệm của cha mẹ. Như vậy, những đứa trẻ trở nên bất trị là hết sức hợp lý”.

TS Vũ Thu Hương chia sẻ xung quanh câu chuyện giáo viên ứng xử như thế nào đối với học sinh “bất trị”.

09-03-00-huong1091429586
TS Vũ Thu Hương

Sau sự việc xảy ra mới đây, một giáo viên tại Hà Nội đã bắt học sinh quỳ trước lớp vì mắc lỗi có hai luồng ý kiến khác nhau: ủng hộ và phản đối cách xử lý của giáo viên này. Với vai trò từng là giảng viên đào tạo ra các thế hệ thầy cô giáo, bà có đồng tình với hình thức phạt học trò của giáo viên này không?

Trước tiên, chúng ta cần hiểu hình phạt là một phần trong nghệ thuật thưởng phạt, giống như quy định của pháp luật. Sai cái gì, phạt như thế nào cần xem xét. Thường các hình thức phạt được quy định rất rõ ràng cho từng hành vi phạm lỗi. Những quy định cần phải được công bố rất rõ ràng với phụ huynh và học sinh trước khi thực hiện: Nếu con vứt rác lung tung - con sẽ phải dọn dẹp lớp học, quét và lau chùi cả lớp. Nếu con phá phách - con sẽ phải tập thể dục một lúc cho xả bớt năng lượng… Bên cạnh đó, các lỗi không quy định rõ thì cô giáo có thể áp dụng hình thức: úp mặt vào tường, tập thể dục… Ngược lại, giáo viên làm sai cũng bị phạt.

Người giáo viên yêu cầu học sinh quỳ đã có giao ước trước với phụ huynh và học sinh. Như vậy, việc phạt quỳ được coi là một hình phạt và được áp dụng chính xác khi học sinh phạm lỗi. Cách làm này hoàn toàn khác với việc cô giáo ở Quán Toan tát trẻ như 1 sự trút giận, trả thù.

Tuy nhiên, hình thức phạt quỳ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và nhân phẩm của trẻ đã bị cấm ở Việt Nam (tuy một số nước trên thế giới vẫn sử dụng). Vì thế, hình thức này theo tôi không nên sử dụng mà nên thay bằng hình thức khác.

Nhưng thưa bà, với một học trò mà mọi phương pháp giáo dục theo hình thức "không đòn roi" đều bất lực, thì việc cho học sinh quỳ theo nhiều ý kiến của các giáo viên nó “vẫn chấp nhận được” bởi vì như thế, giáo viên vẫn sống có trách nhiệm, mong muốn dạy dỗ các em nên người…

Tôi đã nhiều lần được chính phụ huynh nhờ giáo dục trẻ bất trị. Tôi đã nhận ra, bất kể một người nào cũng có góc yếu lòng. Để học sinh nhanh chóng nhận ra sai lầm của chính mình, người giáo viên cần phải tìm ra góc yếu lòng đó. Giáo dục không đòn roi không chỉ là những lời giáo huấn và khuyên nhủ. Những hành động nhỏ đôi khi sẽ chạm tới trái tim của học sinh.

Tuy vậy, tôi hết sức thông cảm với những giáo viên không đủ phương pháp. Khi đó, họ sẽ gặp áp lực lớn trong việc giáo dục trẻ. Sự mâu thuẫn giữa niềm mong mỏi học sinh tốt lên và những phản ứng đối kháng của học sinh và gia đình sẽ khiến người giáo viên dễ rơi vào trạng thái ức chế, bất lực và đôi khi là tuyệt vọng. Giá như họ được hướng dẫn nhiều hơn trong việc đào tạo học sinh bất trị, chắc chắn những hành động thể hiện sự bất lực sẽ không diễn ra.

Trong tình huống này, giáo viên được phân công chủ nhiệm một lớp mà nhiều học sinh cá biệt, không chịu học thì giáo viên sẽ phải làm gì?

Với mỗi một con người, dù bất kể ai, với bất kể những lịch sử phá phách thế nào, họ đều có niềm mong ước được tốt lên, giỏi lên. Đó chính là đặc tính hướng thiện trong mỗi con người. Nếu người giáo viên phá vỡ hình ảnh lý tưởng của chính mình để ngồi xuống chia sẻ những sai lầm, phá phách, những điều điên rồ mà chính họ đã làm khi bằng tuổi các em kèm theo những trả giá mà họ đã chịu, chắc chắn trẻ sẽ có thái độ mềm mỏng hơn với người thày đó.

Ảnh mang tính minh họa

Chỉ khi đã thuyết phục hoàn toàn được người học trò của mình về tấm lòng thiện tâm, muốn hướng các em đi theo con đường sáng, người thày mới có đủ sức mạnh để khiến đám trẻ thay đổi. Ngoài ra, nếu thày cô cũng gương mẫu chịu phạt khi vi phạm điều luật chung đặt ra trước lớp, chắc chắn cái nhìn kính trọng của học sinh sẽ hướng về họ, những người dám nhận lỗi và chịu phạt khi sai lầm. Khi đó, việc giáo dục trẻ bất trị lại không còn quá khó khăn.

Trẻ hư, không thể đổ tại thầy cô, chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng thắn vai trò của gia đình trong việc uốn nắn con nên người. Nhưng qua theo dõi những vụ việc gần đây, tôi thấy dường như dư luận, xã hội vẫn đánh giá vai trò chính của việc giáo dục là thầy cô. Như thế, có quá bất công với các thầy cô khi gia đình mặc nhiên coi việc dạy con là của nhà trường?

Cha mẹ là số phận của con cái. Trong khi người thày chỉ được làm việc với trẻ vài tiếng/ngày, từ 1 đến vài năm trong đời, thì cha mẹ lại ở với con cái số thời gian lên đến vài chục năm. Hơn nữa, những giờ phút đầu đời dễ giáo dục nhất là lúc trẻ hoàn toàn nằm trong vòng tay cha mẹ. Vì thế, các cụ ta đã có câu nói hết sức chính xác: Con hư tại mẹ.

Nếu những đứa trẻ đã trở nên bất trị, các vị phụ huynh chắc chắn đã vấp phải vô số các sai lầm trong quá trình giáo dục chúng. Vì thế, việc phối hợp với nhà trường để giáo dục trẻ là trách nhiệm bắt buộc mà cha mẹ phải thực hiện. Phó mặc mọi việc cho nhà trường thể hiện sự vô trách nhiệm của cha mẹ. Như vậy, những đứa trẻ trở nên bất trị là hết sức hợp lý.

(Kiến thức gia đình số 21)

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.