| Hotline: 0983.970.780

Hơi ấm từ người hàng xóm

Thứ Bảy 18/01/2020 , 09:33 (GMT+7)

Tôi lớn lên như cỏ cây đồng nội qua bao mùa mưa nắng, ở một nơi xa xôi quan niệm còn lạc hậu, mà ở đó đôi khi dư luận được đem làm thước đo cho đạo đức một con người.

15-11-00_trongchinh_hoimtunguoihnngxom_02

Chẳng may ai có việc xấu xa, lập tức  được đem mổ xẻ tại quán cafe đầu đường, hay là những đề tài thêu dệt của các bà rỗi việc trong mùa nông nhàn. Ấy vậy mà ngày tháng đi qua, tôi vẫn lớn lên trong dư luận, vẫn hiện diện trong đời dù lặng lẽ và tự ti. Và mẹ tôi, cho đến già bà vẫn quẩn quanh khu nhà.

Ngoại kể, ngày trước vì một lý do bốc đồng nên cha mẹ đã giận dỗi nhau. Cha bắt đầu đi chơi lang bạt, bỏ sau lưng trách nhiệm gia đình, quen cô ả đào hát trên xã, được tiếng lẳng lơ, để mẹ ở nhà mất hồn, bương chải cho hai đứa con đôi lúc tưởng chừng như ngã quỵ, cũng may lúc ấy có người hàng xóm bạn cha, giúp đỡ…

Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua, khi hy vọng ngày cha trở lại tắt dần, bỗng dưng cha xuất hiện trước nhà với đôi bàn tay đã trắng. Cha cuối đầu van mẹ, rồi hạnh phúc cũng được đong đầy bởi lòng vị tha, chỉ có điều người hàng xóm không sang bởi không cần có sự giúp đỡ. Vài ngày sau, người hàng xóm dọn nhà đi nơi khác, mẹ đôi lúc kín đáo thẫn thờ trước cõi mênh mang.

… Bảy năm trôi qua, tôi bắt đầu vào học lớp một trường làng. Một hôm trong giờ chơi, có một bà nhà ở xóm trên kéo tôi đến gần con bà để so đo. Một thằng bé cũng hao hao giống tôi, chúng tôi chẳng biết gì cứ thích thú cười ngất. Đem chuyện về kể mẹ, mẹ nhìn tôi rồi quay ngang lau nước mắt.

Đó là lần đầu tiên tôi biết nghĩ về thân phận mình. Với những suy nghĩ non nớt, tôi buồn cho chính mình, xa lánh dần đám đông, thu mình vào việc học và chăn bò trên đồng. Rồi tuổi thơ lớn dần theo khúc đồng dao, trải dài những buồn vui, khốn khó.

Tôi càng lớn lên, thấy cha càng lặng lẽ. Cha thương tôi bằng những đứa con trong nhà, không phải vì tôi là một đứa trẻ ngoan hiền cần mẫn trong gia đình mà vì cha biết tôi là một đứa bé không có lỗi. Và mẹ tôi, hình như lúc này người sống như chỉ dành cho cha. Mẹ không sợ mặc cảm tội lỗi, chỉ sợ tình cảm cha ít dành cho tôi.

Người hàng xóm của cha mẹ ngày xưa hiện đang ở xóm trên, mà thỉnh thoảng tôi có dịp gặp mặt, những lần như thế Người xoa đầu tôi, hỏi học hành lúc này thế nào. Trong những lần như thế, đem chuyện về kể mẹ, mẹ vu vơ như không nghe thấy rồi quay đi, bỏ mình tôi với khoảng không ngơ ngác.

Sau này tôi không bao giờ nhắc đến người ấy trước mặt mẹ nữa, chỉ nhớ rằng những năm sau đó tôi thường lùa bò đi ăn ra khu ruộng của Người. Khi rảnh rỗi trò chuyện, Người kể tôi nghe chuyện chiến tranh, chuyện đời, dạy tôi biết lẽ sống và thương yêu, bảo tôi học hành để có dịp hãnh tiến. Những lúc ấy tôi ngồi lắng nghe mê tít để đàn bò lục tục kéo về, quên buổi chiều lan tỏa trong đêm.

Ngày rời quê lên thành phố dự thi đại học. Người cũng lên thành phố tìm đến chỗ trọ dắt díu tôi đi thi mấy hôm. Cũng may kết quả thật mỹ mãn, tôi đậu số điểm không cao, nhưng là điều danh dự cho cả họ hàng. Ngày tôi đến báo tin, Người ôm tôi vào lòng sung sướng và hy vọng.

Chỉ buồn là sau đó gia đình tổ chức tiệc, xóm giềng có mặt đủ cả, họ đến để chúc mừng, nhưng chỉ thiếu một người mà tôi nghe trong lòng quặn thắt. Tôi không dám trách cha mẹ, không dám trách Người, bởi ai cũng có hạnh phúc riêng tư.

Chỉ buồn cho mối quan hệ kia vẫn mãi im lặng trong khi tôi đã đủ trưởng thành. Và cả tôi nữa, có bao giờ tôi dám nhìn nhận gì đâu, có chăng cũng chỉ gọi nhau “Bác, Cháu” nghe gần gũi mà vắng xa vời vợi. 

Vào đại học, tôi bắt đầu nếm trải cuộc sống, một thằng trai quê luôn mặc cảm thân phận, chưa hết ngỡ ngàng phải vật lộn chốn đô thành để đổi lấy kiến thức nên đôi lúc tưởng chừng bỏ dỡ bởi học phí vây quanh. Rồi cũng như bao sinh viên làm thêm, tôi làm đủ mọi nghề, từ bồi bàn cho đến gia sư, đôi khi mất việc tôi tìm đến đại lý vé số lơ láo rồi đành quay về vì không tiền thế chân.

Chỉ năm cuối cùng, công việc lâu nhất là chui vào con rối to đùng đứng chào mời khách hàng qua lại mỗi tối cho một shop thời trang lớn nhất nhì thành phố. Trong những lúc khốn khó nhất của đời sinh viên, tôi thường nhận được tiền gởi, những đồng tiền vất vả ngoài hoạch định kinh tế gia đình của Người, buộc tôi phải học, phải tiếp tục mải miết trên ghế giảng đường, cứ thế mà bốn năm đại học sắp sửa trôi qua.

Một hôm vào những ngày gần thi tốt nghiệp, tôi được tin Người mất dột ngột. Bầu trời như xám xịt, chao đảo. Từ quá khứ của tuổi thơ cứ hiện về lạnh buốt xót xa, tôi cảm thấy chới với lạc lõng trong biển đời mênh mông.

Một đám tang buồn bã. Bà con dưới quê dù không ai nói ra nhưng đều ngong ngóng chờ đợi tôi về. Tôi xin phép cha mẹ đến đốt nhang cho Người. Cha tôi không nói điều gì, ông nhìn tôi xốn xang, thương cảm. Mẹ tôi vẫn lặng lẽ, như đã từng lặng lẽ hai mươi năm qua. Bà ở xóm trên ngày xưa bây giờ đang đứng chủ tang.

Bà ôm tôi vào lòng trên đôi tay lập cập của mình rồi nức nở. Cũng chính đôi tay này, biết đâu bà đã làm lụng vất vả để có tiền gởi tôi ăn học mà tôi cứ ngỡ là những đồng tiền ngoài hoạch định kinh tế của gia đình Người. Tôi không khóc được, bởi cảm giác đau đớn đến tận cùng.

Thằng nhỏ ngày nào hao hao giống tôi bây giờ nó với tôi như một khuôn mẫu, đứng cạnh quan tài lạy tạ bà con mà lẽ ra tôi phải đứng đó. Tôi đưa nhang phúng điếu, rồi cảm giác có một giọt nước từ khóe mắt trào ra, như lọt thỏm vào cõi vĩnh hằng, lăn lóc. Trong nỗi đau sâu thẳm của con người, tôi nghẹn ngào thốt lên không thành tiếng: “Cha ơi!…” đó cũng là câu mà Người mãi chờ đợi cho đến khi qua đời.

Thắm thoát đã năm năm trôi qua, tôi bây giờ đã có vợ con và thành đạt. Cứ mỗi năm vào ngày giỗ Người, chúng tôi thường về lại quê xưa, không quên thăm lại cánh đồng tuổi thơ, nơi có những đứa trẻ chăn bò mãi chơi khi khói đốt đồng lan tỏa trong chiều muộn. 

(Kiến thức gia đình số Tết Âm lịch)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?