| Hotline: 0983.970.780

Hội của những tấm lòng tri ân liệt sỹ

Thứ Hai 02/09/2013 , 15:31 (GMT+7)

Sau một thời gian vận động, ngày 24/10/2010, Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sỹ Việt Nam đã ra đời...

Chiến tranh đã đi qua gần bốn chục năm, nhưng hậu quả của nó vẫn vô cùng nặng nề. Và nỗi đau của hàng trăm ngàn gia đình vẫn chưa vơi, khi những người con, người em, người chồng, người cha... của họ đã ngã xuống ở chiến trường để cho đất nước “nở hoa độc lập, kết quả tự do” nhưng đến nay vẫn nằm lạnh lẽo giữa trập trùng cây cỏ.

Trên 20 vạn hài cốt liệt sỹ nằm rải rác trên các chiến trường ba nước Đông Dương vẫn chưa được tìm thấy; 300.000 hài cốt liệt sỹ chưa được xác định danh tính vì còn thiếu thông tin, tuy đã được quy tập về 3.000 Nghĩa trang liệt sỹ trên cả nước; Hàng vạn hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ vẫn đang tồn đọng...

Vẫn biết rằng sinh ra từ đất mẹ, ngã xuống vẫn nằm trong đất mẹ, vẫn được đất mẹ ấp ủ, chở che. Nhưng biết chính xác được nơi người thân của mình ngã xuống, đưa được di cốt người thân của mình trở về nơi chôn rau cắt rốn để sớm hôm được hương khói phụng thờ, vẫn là tâm nguyện thiết tha của hàng triệu gia đình.


Lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sỹ để giám định ADN

Chính vì điều mong mỏi thiết tha đó mà nhiều năm qua, nhiều người vợ, người con, nhiều đồng đội... của liệt sỹ đã không quản gian nan, không tiếc thời gian, công sức, lặn lội qua hàng ngàn cây số, bất chấp núi cao vực thẳm để tìm lại di hài thân nhân và đồng đội của mình. Nhưng không ít người, sau cả chục năm trời tìm kiếm, vẫn chưa toại nguyện.

Không ít người cha, người mẹ liệt sỹ trước khi về cõi Phật vẫn chưa yên lòng vì chưa tìm được hài cốt của con. Và vì thiếu thông tin mà không ít thân nhân liệt sỹ đã tìm đến đủ loại thầy bà nhảm nhí, bán thánh buôn thần với hy vọng tìm được hài cốt thân nhân, tốn kém không biết bao nhiêu là tiền của, công sức nhưng cuối cùng chỉ chuốc được sự thất vọng đắng cay.

Xuất phát từ thực trạng đó, nên sau một thời gian vận động, ngày 24/10/2010, Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sỹ Việt Nam đã ra đời, do Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm chủ tịch, và chỉ trong một thời gian rất ngắn, đã quy tụ được hàng ngàn hội viên trên cả nước, trong đó có hàng chục hội viên là tập thể.

Đại tá Phan Sỹ Thao, nguyên Trưởng phòng Tuyên huấn Tổng cục Chính trị, nguyên Hiệu phó trường Đại học Văn hoá Quân đội, hiện là Trưởng ban Tuyên truyền của Hội, cho biết:

- Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sỹ Việt Nam chính là Hội của những tấm lòng tri ân liệt sỹ. Từ ngày thành lập đến nay, mọi hoạt động của Hội đều hướng vào các nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu, đó là tư vấn, hỗ trợ các gia đình liệt sỹ tiếp cận, thực hiện và thụ hưởng các chế độ chính sách về liệt sỹ của Đảng và Nhà nước; tư vấn, hỗ trợ các gia đình liệt sỹ thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ còn thất lạc hoặc chưa xác định được danh tính; Hỗ trợ thân nhân liệt sỹ có nhu cầu giám định ADN để xác định danh tính liệt sỹ; Vận động xã hội để hỗ trợ về tài chính và vật chất cho các gia đình liệt sỹ, các mẹ Việt Nam anh hùng có hoàn cảnh khó khăn; Tham gia nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước về các chế độ chính sách về liệt sỹ và phối hợp với các ngành các cấp, nhất là ngành giáo dục, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để tăng cường giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho học sinh và thế hệ trẻ...


Phỏng vấn thân nhân liệt sỹ trước khi lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN

Chỉ nhưa đầy 3 năm hoạt động, nhưng những gì mà Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sỹ Việt Nam đã làm được thật đáng trân trọng. Bằng nhiều hình thức thu thập, tìm kiếm, đến nay Hội đã cung cấp thông tin về hơn 40.000 liệt sỹ trên trang website của mình (trianlietsi.vn), trên các báo và các trang web liên kết, đã tiếp nhận và xử lý gần 1.700 hồ sơ liệt sỹ.

Ngoài ra, Hội cũng đã tư vấn cho hàng ngàn thân nhân, gia đình liệt sỹ về các chính sách, chế độ của đảng và Nhà nước đối với gia đình liệt sỹ, tư vấn về phương pháp tìm kiếm hài cốt liệt sỹ cũng như thông báo và kết nối thông tin hàng ngàn liệt sỹ đã có bia mộ ở các nghĩa trang.

Hỗ trợ thân nhân của các gia đình liệt sỹ trong việc xác định danh tính liệt sỹ luôn là một trong những công tác quan trọng hàng đầu của Hội. Để làm tốt công tác đó, Hội đã ký hợp đồng với Viện Pháp y Quân đội và Viện Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong việc giám định gien (ADN).

Và cho đến tháng 6/2013, theo yêu cầu của các gia đình liệt sỹ, gần 400 mẫu sinh phẩm đã được Hội tiếp nhận và gửi đi giám định, và trên 300 mẫu trong số đó đã có kết quả với tỷ lệ đúng rất cao. Việc giám định mẫu sinh phẩm được Hội miễn phí hoàn toàn (10.000.000 đồng một trường hợp giám định).

Cũng trong năm 2013 này, Hội đã tổ chức lấy mẫu sinh phẩm của hơn 1.000 thân nhân liệt sỹ hy sinh tại mặt trận 31 (Lào) trên 36 tỉnh, thành để giám định và đã có kết quả. Đầu tháng 7/2013, kết quả đó đã được bàn giao cho Cục Người có công (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) để lưu trữ trong Ngân hàng gien (mỗi khi có hài cốt liệt sỹ được tìm thấy từ mặt trận đó quy tập về, thì hài cốt liệt sỹ được lấy mẫu để giám định. Kết quả giám định sẽ được đối chiếu với những kết quả đang lưu trữ trong Ngân hàng gien để xác định chính xác danh tính liệt sỹ).


Trung tướng Lê Văn Hân trao kết quả giám định ADN cho một số gia đình liệt sỹ

Cùng với nhưng công tác trên, kể từ ngày thành lập đến nay, gần 100 nhà tình nghĩa, trên 400 sổ tiết kiệm, hơn 20 suất học bổng và hàng ngàn suất quà, với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng, đã được Hội trao tặng những gia đình liệt sỹ và Mẹ Việt Nam anh hùng có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn kinh phí đó, cũng như nguồn kinh phí để hỗ trợ giám định gien nói trên, có được là do sự vận động tài trợ của Hội.

Địa chỉ số 8 Nguyễn Tri Phương, Hà Nội (nơi đặt trụ sở của Hội) càng ngày càng có nhiều người từ rất nhiều địa phương trên cả nước tìm đến để cung cấp thông tin về liệt sỹ, trao hồ sơ liệt sỹ hay đề nghị tư vấn, hỗ trợ... Đến đây, ai cũng cảm nhận được một tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc, nhiệt tình của các cán bộ, nhân viên của Hội.

 Có lần, tuy đã làm việc liên tục với rất nhiều vị khách suốt từ sáng đến hơn 10 giờ, miệng khô cổ khát, vừa toan pha một ấm trà giải lao, nhưng nghe chúng tôi đề nghị được làm việc, đại tá Trần Phương Thâu, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ cơ quan Tổng cục Chính trị, hiện là Trưởng ban Chính sách của Hội, lập tức vào bàn làm việc ngay.

Trao cho ông lá đơn của một gia đình liệt sỹ đề nghị Hội hỗ trợ trong việc giám định gien để xác định danh tính một liệt sỹ hy sinh năm 1951, ông tiếp nhận, vào sổ rất cẩn thận. Và ngay hôm sau, gia đình liệt sỹ đã được hồi âm: Hội đã giao cho ông Phó ban Chính sách phụ trách hồ sơ này, đề nghị liên lạc trực tiếp để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.

Hiện tại, một số tỉnh như Ninh Bình, Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cũng đã có Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sỹ của mình, và cũng như Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sỹ Việt Nam, các Hội địa phương đó đã thực sự trở thành mái nhà chung của thân nhân các liệt sỹ.

Xem thêm
Arsenal và Liverpool thất bại, Man City sắp vô địch Premier League?

Man City đã có quyền tự quyết trong cuộc đua vô địch Premier League sau vòng 33 khi Arsenal và Liverpool đều phải nhận thất bại.

U23 Việt Nam chuẩn bị bước cuối cùng cho trận ra quân

Sau khi ổn định sinh hoạt tại nơi đóng quân mới, U23 Việt Nam đã trở lại sân tập để tiếp tục hoàn thiện bước chuẩn bị cuối cùng cho VCK U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.