| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 29/07/2017 , 07:20 (GMT+7)

07:20 - 29/07/2017

Hồi hộp, phấp phỏng và hi vọng. Nhưng dân ơi, xin cố mà chờ!

Điều mà người dân chờ đợi nhất giờ đây không phải là ông Quý “kê khai tài sản” trung thực hay không mà “nguồn gốc tài sản” đó có trung thực hay không?

Ảnh minh họa

Thông tin kết quả của Thanh tra Chính phủ đối với tài sản của ông Phạm Sỹ Quý được người dân chờ đợi trong hồi hộp, phấp phỏng và hi vọng.

Hồi hộp bởi đó là thông tin rất nóng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi công cuộc phòng chống tham nhũng có nhiều khởi sắc.

Phấp phỏng bởi không biết kết quả thế nào và hi vọng, sẽ có kết luận chính xác sự việc, không gây oan sai cho ông Sỹ và gia đình, song cũng không làm vơi giảm niềm tin của người dân sau không ít lần thất vọng.

Cho nên dù Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ công bố công khai vào đầu tháng 8 nhưng các cơ quan thông tin đại chúng vẫn bám rất sát, chờ từng “giọt” thông tin “rò rỉ” từ cơ quan này để thông báo đến với người dân.

Vì thế, chỉ một dòng tin riêng của phóng viên Dân trí cho biết, đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã xác định ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái - kê khai tài sản không trung thực và sẽ kiến nghị tỉnh Yên Bái xử lý trách nhiệm cũng làm người dân náo nức.

Cụ thể trước đó, trong bản kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 được niêm yết công khai tại Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, ông Phạm Sỹ Quý cho biết đang sở hữu nhà thứ nhất tại Tổ 51 phường Minh Tân (công trình cấp 3) có diện tích xây dựng 600 m2. Nhà thứ hai tại khu chung cư Mandarin Garden (quận Cầu Giấy, Hà Nội) rộng trên 130 m2 với giá trị tại thời điểm xây dựng là 2,5 tỷ đồng và đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Ngoài ra, gia đình ông Quý có nhà tạm diện tích xây dựng 150m2, giá trị 200 triệu đồng; sở hữu mảnh đất 1.000 m2 trị giá 500 triệu đồng; trang trại diện tích 2 ha giá trị 1 tỷ đồng và đang sử dụng một ô tô Camry.

Thật ra, có lẽ không cần thanh tra cũng dễ dàng nhận thấy việc kê khai này là không trung thực bởi ví dụ căn hộ rộng trên 130 m2 ở chung cư Mandarin Garden (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có… 2,5 tỷ đồng hay trang trại 20.000 m2 có 1 tỉ đồng thì khó mà chấp nhận.

Song, điều mà người dân chờ đợi nhất giờ đây không phải là ông Quý “kê khai tài sản” trung thực hay không mà “nguồn gốc tài sản” đó có trung thực hay không?

Không chỉ có vậy, người dân còn mong mỏi Thanh tra Chính phủ mở rộng điều tra, tìm hiểu cả ngân hàng nào đã cho ông Quý vay 20 tỉ đồng để làm nhà? Điều này rất cần thiết bởi cho vay cả triệu đô la cho việc làm nhà là vô cùng mạo hiểm do đây không phải là lĩnh vực sinh lời, ẩn chứa nhiều rủi ro.

Mặt khác, tiền ngân hàng thực chất là tiền nước, tiền dân, tiền của những người gửi tiết kiệm. Do vậy, người dân cần biết để thận trọng khi gửi tiền vào những ngân hàng này, tránh đổ vỡ có thể xảy ra…

Có lẽ vì thế cho nên khi biết sự vào cuộc quyết liệt của Thanh tra Chính phủ, dư luận đã bày tỏ sự vui mừng.

Tuy thế, xin chớ vội mừng bởi vừa mới đây thôi ở tỉnh lân cận Lào Cai, nhiều người đã hồi hộp, phấp phỏng và hi vọng khi TAND tỉnh Lào Cai đã quyết định đưa ra xét xử vụ người dân khởi kiện Chủ tịch UBND thành phố và Chủ tịch UBND tỉnh này. Nhưng tiếc thay, rất nhiều người sau phút hồi hộp và hi vọng đã tràn trề thất vọng vì vụ xét xử bị hoãn mà không nói thời hạn. Dân ơi! Xin cố mà chờ…!

Mong rằng lần này, người dân Yên Bái sẽ không phải thất vọng như người láng giềng Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm