| Hotline: 0983.970.780

Hồi ký con gái một điệp viên CIA: Sống trong mắt bão

Thứ Ba 16/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Trong những tháng ngày cuối cùng của chính thể Việt Nam cộng hòa, người dân cũng như binh lính đều hiểu sự sụp đổ đang tới gần./ Mùa hè ở Sài Gòn

Nhưng cũng có những người Mỹ cố quên đi hoặc lảng tránh một thực tại: ngày tàn của chế độ này không còn xa nữa.

Sài Gòn có bộ mặt vương giả nhưng đầy mệt mỏi, bạc nhược. Những đại lộ rộng thênh thang với những hàng cây theo phong cách Pháp, dinh tổng thống trông rất xa hoa bên cạnh những hàng rào chặn đường rách bươm và đám lính đi lại.

Lảng tránh thực tại

Tôi tạt qua một khu chợ trời trong tiếng xe máy qua lại bấm còi inh ỏi. Chợ trời bán đủ thứ, từ những chiếc đồng hồ đeo tay đã ngừng hoạt động, máy ảnh, bánh mì que đến quần áo cũ, đồ điện, tiểu thuyết Pháp, tạp chí khiêu dâm Playboy, quần áo lính, bao cao su, cá, rau cỏ, linh kiện ô tô và tất nhiên là cả những đồ ăn cắp.

Những phụ nữ điệu đà mặc áo dài Việt Nam màu vàng kem hoặc hồng nhạt xách giỏ đi chợ hoặc dạo chơi bằng xe máy scooter kiểu Vespa. Hầu hết đàn ông trẻ và trung tuổi đều mặc quân phục.

Họ đi lòng vòng quanh chợ hoặc tụ tập bên một ụ súng đắp bằng các bao cát ở một góc phố. Trông họ đầy lo âu, ủ dột.

Thỉnh thoảng chúng tôi đi ăn tại một nhà hàng nhỏ kiểu Pháp phục vụ món cà-ri cùng trứng luộc, hạt điều, trái cây khô, xoài cắt lát ăn kèm tương ớt.

Có lần mẹ đưa tôi tới uống trà ở Khách sạn Caravelle, một công trình đậm chất thực dân với đầy các nhà báo và chính khách, trước đây là người Pháp, giờ là người Mỹ và nhiều kiểu người, từ nhiều nước khác cũng có mặt ở đây.

“Họ đang hoạt động tình báo cho phe nào nhỉ”, tôi tự hỏi mỗi khi gặp một khuôn mặt mới.

Bố mẹ tôi cố gắng giấu mọi tin tức về chiến tranh trước mặt tôi. Thường thì bố tôi vẫn nói “chẳng phải lo gì đâu. Việt Cộng không thể tiến sát Sài Gòn”.

Chúng tôi, giống như mọi người ở thành phố này, trong tình trạng cố ý quên hoặc không để ý đến thực tại. Có lẽ cả cha mẹ tôi và nhiều người ở đây đang cố gạt đi sự thật mà bất cứ người Việt nào cũng biết: chúng tôi đang sống ở mắt bão.

Với bản tính tận tâm, tôi làm việc chăm chỉ tại Đại sứ quán Mỹ, nhưng tôi cố ý nghỉ ăn trưa lâu hơn một chút ở quán cà phê của khách sạn Duc. Tại bể bơi của tòa nhà đại sứ quán, tôi thường tìm thấy cha mẹ tôi cùng bạn bè của họ.

Mỗi khi tôi về nhà của cha mẹ, sáng, trưa hay tối, thậm chí là đêm, lúc nào phòng khách cũng đầy những phụ nữ Mỹ, bồng bế một số trẻ sơ sinh người Việt.

Mẹ tôi là điều phối viên dịch vụ xã hội của đại sứ quán. Một trong những nhiệm vụ chính của các bà vợ nhân viên sứ quán là hỗ trợ trẻ mồ côi do chiến tranh.

Nhiệm vụ của họ là làm thủ tục đưa những đứa trẻ này qua Mỹ, Canada, Australia hoặc châu Âu, càng nhanh càng tốt.

Cha tôi, một điệp viên

Còn về cha tôi, ngài điệp viên, tôi biết rất ít về công việc của ông. Năm 15 tuổi, tôi mới biết thực sự nghề nghiệp của bố mình. “Bố không thực sự làm cho Bộ Ngoại giao”, ông nói. “Bố làm cho…”.

 Nhưng tôi không có mảy may manh mối hay ý niệm nào về công việc mỗi ngày của bố tôi. Ông ấy sẽ trả tiền cho bọn côn đồ có vũ trang trong tầng hầm ở một góc phố rác rưởi nào đó? Giúp bọn chỉ điểm Việt Cộng lẩn trốn ở một xó xỉnh nào đó?

Bố tôi kín tiếng hơn, tao nhã hơn nhân vật điệp viên Alden Pyle trong cuốn "Người Mỹ trầm lặng", một nguồn thông tin của tôi về nghề tình báo.

Khi còn ở Đài Loan, bố tôi là một người đàn ông trẻ tuổi, hăng say công việc, cho dù ông không bao giờ phô trương.

Ông là điệp viên kín đáo, thầm lặng, không phải mẫu quảng giao, đi đâu cũng được chào đón. Khả năng tiếng Hoa của bố tôi rất tốt. CIA từng phái ông tới Đại học Yale trong một năm để bổ túc ngôn ngữ này. Và tôi biết bố tôi thu thập thông tin tình báo từ cộng đồng người Hoa ở châu Âu, có liên hệ với tình báo Hà Lan.

Lúc đó tôi đang học tiểu học. Khi tôi vào trung học, bố tôi làm việc với Hoa kiều ở vùng Borneo (Malaysia, Indonesia và Brunei cùng chia sẻ hòn đảo này). Nhưng công việc thực sự của bố tôi là gì, tôi không rõ.

15-23-05_sr-portrit104
Tác giả Sarah Mansfield Taber

Ở Sài Gòn cũng vậy, cho dù bố tôi nói ông và một số người Mỹ điều hành một đài phát thanh phát những chương trình tuyên truyền tâm lý chiến nhằm vào quân Việt Cộng, những người Cộng sản Bắc Việt, Lào và Campuchia.

Một ngày, ông chỉ cho tôi thấy một tòa nhà lớn và nói: “Đó là Nhà số bảy”. Đài phát thanh của ông đặt ở đó.

Tôi biết thêm về công việc tình báo khi nghe lén bố mẹ tôi và bạn bè họ nói chuyện vào giờ ăn trưa, sau giờ làm hoặc lúc gặp sếp của bố tôi.

Trưởng đại diện của CIA ở Sài Gòn, Thomas Polgar là một người đàn ông có chiều cao khiêm tốn, cặp mắt sắc và thông minh đến nỗi bạn có cảm giác cặp mắt ấy có thể nhìn sâu vào trong não của bạn.

Đôi khi trong khi ngồi quây quần ăn tối, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng đạn pháo đì đùng. “Nghe thấy không?”, mẹ tôi nói với vẻ vui tươi giả tạo, cứ như đó là điều gì thú vị lắm, rồi bà lại run bắn lên một cách khó hiểu.
Bố tôi thì luôn đế lời với câu: “Ồ, đó chỉ là đạn cối bắn ra ngoài thôi. Không có gì phải lo lắng. Có lẽ lính tráng trong đồn buồn chán nên bắn chơi vậy thôi”.

Khi bố tôi nói “Tom, đây là con gái tôi, Sarah”, cặp mắt ấy không có vẻ gì nham hiểm, cho dù tôi có thể tưởng tượng khi nham nhiểm thì cặp mắt ấy sẽ thế nào. Nhưng lúc này, đôi mắt Polgar có vẻ tử tế và hơi tò mò.

Tôi có cảm giác ông Polgar có cảm tình với bố tôi, và điều đó khiến ông ta sẵn sàng tỏ ra có thiện cảm với tôi.

Cô vợ trẻ của Polgar lần đầu được ra nước ngoài và mẹ tôi nhanh chóng đưa bà ta tham gia các công việc liên quan đến trẻ mồ côi, cũng là để bà ta khuây khỏa khi chưa có việc gì làm.

Mọi sự cứ trôi đi như thế, tôi vẫn đến làm ở đại sứ quán và ở trong khách sạn Duc.

Nhưng rồi có biến, và mọi thứ bắt đầu trở nên lộn xộn. Bố mẹ tôi bắt đầu cư xử khác lạ, có một cảm giác bất an lan tràn.

Những hào nhoáng ban đầu khi tôi mới tới dần biến mất và tôi bắt đầu thấy nhiều thứ, hiểu thêm nhiều thứ về Việt Nam.

Tôi bắt đầu chú ý quan sát những khuôn mặt của lính tráng đứng sau các ụ súng, công sự dã chiến đắp bằng bao cát. Trông họ rất mệt mỏi và dường như đang chờ đợi, cho dù không mong muốn, một điều gì lớn lao sắp xảy đến.

Nhan sắc của những phụ nữ người Việt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng: họ trông rất tuyệt vọng, mắt quầng thâm, mặt mày ủ ê, nỗi âu lo hiện rõ. (Còn nữa)

(lược thuật)

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.