| Hotline: 0983.970.780

Hội nghị chống tôm tạp chất: Doanh nghiệp kêu oan!

Thứ Năm 16/12/2010 , 09:19 (GMT+7)

Hôm qua (15/12), tại TP Cà Mau (Cà Mau), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ngăn chặn việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Hôm qua (15/12), tại TP Cà Mau (Cà Mau), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ngăn chặn việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, Thứ trưởng Lương Lê Phương chủ trì. Tại hội nghị, điều nực cười là nhiều DN vi phạm lại lớn tiếng kêu oan.

Theo báo cáo của Cục quản lý chất lượng NLS và TS (NAFIQAD), từ tháng 5/2010 cho đến nay, Tổ công tác kiểm tra ngăn chặn các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu đã kiểm tra đột xuất tại 85 đơn vị (DN, cơ sở) thu mua chế biến tôm ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang với tổng số 169 lượt kiểm tra. Qua đó, đã phát hiện 21 đơn vị, với 48 vụ (có đơn vị vi phạm 2-3 lần) vi phạm có tôm tạp chất. Cao điểm có những tháng phát hiện cả chục vụ vi phạm (tháng 7 phát hiện 16 vụ, tháng 9 có 12 vụ, tháng 10 có 7 vụ). Hiện 29 trường hợp vi phạm lần đầu đã bị áp dụng biện pháp xử lý công khai danh tính trên Website của Cục, 8 cơ sở đang xem xét rút tên khỏi danh sách và 5 trường hợp bị đình chỉ hiệu lực công nhận đủ điều kiện đảm bảo VSATTP (đình chỉ xuất khẩu) do tái phạm nhiều lần.

Hội nghị bắt đầu nóng lên khi bước vào phần thảo luận. Nhiều DN bức xúc cho rằng, việc chống tôm tạp chất hiện nay dường như chỉ tập trung vào DN, trong khi đó DN chỉ là nạn nhân. Còn thủ phạm chính là các khâu trung gian như thương lái, đại lý thu mua, cơ sở sơ chế lại ít bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý… Việc tiến hành kiểm tra liên tục trong một thời gian ngán đã gây khó khăn cho hoạt động của DN. Biệp pháp nêu tên trên các thông tin đại chúng đã làm ảnh hưởng đến uy tín mà đơn vị gây dựng nhiều năm trời mới có được. Ông Nguyễn Việt Cường, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Phú Cường (Cà Mau) cho rằng, áp dụng biện pháp đình chỉ xuất khẩu là quá nặng đối với DN, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. 

Trước sự kêu ca của DN, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD khẳng định, việc cho rằng công tác kiểm tra chỉ tập trung vào các DN là không chính xác. Thực tế trong số các đơn vị bị kiểm tra phát hiện vi phạm có cả cơ sở thu mua sơ chế và hộ kinh doanh (đã có 9 đơn vị bị xử lý). Việc ngăn chặn đưa tạp chấp vào tôm nguyên liệu thời gian qua được thực hiện ở tất cả các khâu, từ thu gom, sơ chế đến chế biến xuất khẩu. vi phạm ở khâu nào thì xử lý khâu đó. Còn việc áp dụng các biện pháp chế tài đối với các đơn vị là cần thiết và hoàn toàn đúng pháp pháp luật.

Ông Lê Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau cho rằng, người nuôi rất ít khi đưa tạp chất vào tôm mà việc này chủ yếu do khâu trung gian là thương lái và đại lý thu mua cơ chế. Việc bơm chích tạp chất thường xảy ra ở vùng nông thôn, trên sông rạch, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh…Vì vậy, để đếu tranh có hiệu quả thì phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự kết hợp giữa các tỉnh với nhau. Nếu không, sẽ xảy ra hiện tượng tỉnh này làm gắt thì lại rộ lên ở tỉnh khác.

Hiện có 5 DN đang bị Cục quản lý chất lượng NLS và TS áp dụng biện pháp đình chỉ xuất khẩu 6 tháng do vi phạm lần 2. Trong đó, tỉnh Bạc Liêu có 3 DN gồm: Cty CP CBTS XNK Việt Cường, Cty CP XNK TS Vĩnh Lợi, Cty CP Thủy sản Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau 2 DN là: Cty CP CBTS XNK Hòa Trung, Cty TNHH CBTS XNK Minh Châu.
Mặc dù cuộc chiến chống tôm tạp chất đã kéo dài 15 năm qua, với nhiều biện pháp được đưa ra, áp dụng nhưng theo ý kiến của nhiều đại biểu, tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Hoạt động bơm chích tạp chất ngày càng tinh vi: “Tôm được bảo quản thật lạnh, sau đó chích Agar nóng cô đặc vào đầu và ức tôm, rồi lại đưa vào bảo quản lạnh ngay; chích với liều lượng ít hoặc chuyển sang hình thức ngâm, chích nước…Rất khó có thể phát hiện bằng các biện pháp thông thường”. Điều đáng lưu ý là trước đây tạp chất Agar thường chỉ phát hiện ở tôm nguyên liệu thì nay có cả trong tôm bán thành phẩm và thành phẩm. Do thiếu nguyên liệu nên một số DN vẫn lén lút thu mua tôm có chứa tạp chất, rồi đưa vào chế biến ở thời điểm nửa đêm hoặc sáng sớm, gia công bán thành phẩm cho DN khác, vận chuyển, gửi thành phẩm ở kho chứa ở nơi khác ngoài địa bàn gây khó khăn cho công tác kiểm tra.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lương Lê Phương yêu cầu Hiệp hội chế biến thủy sản xuất khẩu VN (VASEP) tái khởi động lại chương trình “DN nói không với tôm tạp chất” như đã từng làm. NAFIQAD tiếp tục duy trì các biện pháp hiện nay nhưng cần chuyển trọng tâm các cuộc kiểm tra sang giai đoạn trước chế biến, nhất là tập trung nhiều ở khâu trung gian như thương lái, cơ sở thu mua sơ chế. Ngoài 4 địa phương chính hiện có là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang thì cần mở rộng địa bàn kiểm tra ra các tỉnh lân cận, kể cả địa bàn TP Hồ Chí Minh. Về lực lượng, ngoài cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ NN-PTNT như hiện nay, thời gian tới còn có sự vào cuộc của Công an.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất