| Hotline: 0983.970.780

Hội nghị CNSH khu vực phía Nam: Nhiều đề tài tính ứng dụng cao

Thứ Hai 28/11/2011 , 09:46 (GMT+7)

Cuối tuần qua, tại TP.HCM diễn ra Hội nghị Công nghệ sinh học (CNSH) toàn quốc, khu vực phía Nam lần II,...

Trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao
Cuối tuần qua, tại TP.HCM diễn ra Hội nghị Công nghệ sinh học (CNSH) toàn quốc, khu vực phía Nam lần II, năm 2011 do Sở KH&CN và Trung tâm CNSH TP.HCM phối hợp với Viện KHKTNN miền Nam tổ chức, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong cả nước…

THƯƠNG MẠI HÓA CNSH

Là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển lĩnh vực CNSH, TP.HCM được xác định là bộ mặt CNSH của phía Nam. Từ trọng trách này, TP đã xác định CNSH là một trong những chương trình trọng điểm để thu hút lực lượng cán bộ khoa học, ưu tiên đặc biệt đầu tư ngân sách cho ngành CNSH - một trong bốn mũi nhọn về công nghệ thông tin, CNSH, công nghệ vật liệu và cơ khí tự động hóa.

Từ sự ra đời Khu Công nghệ cao TP.HCM, Trung tâm CNSH TP.HCM, Khu NNCNC và chương trình trình hợp tác với các tổ chức KH&CN trong nước cũng như quốc tế đã thu được kết quả bước đầu tạo ra một số sản phẩm CNSH có hàm lượng công nghệ cao đưa vào phục vụ cho nông nghiệp, thủy sản, y tế, dược phẩm, thực phẩm, môi trường…

PGS.TS. Phan Minh Tân, GĐ Sở KH&CN TP.HCM cho biết: Từ sau giải phóng, các đề tài nghiên cứu về sinh học ứng dụng đã sớm được triển khai tại các Viện, Trường ĐH trên địa bàn TPHCM. Đến nay đã có trên 100 trường ĐH, trong đó có nhiều khoa đào tạo, nghiên cứu và triển khai hầu hết các lĩnh vực CNSH. Đặc biệt, chương trình hợp tác quốc tế về CNHS cũng đang được TP tiếp tục triển khai đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành CNSH ở nước ngoài.

Trung tâm CNSH TP.HCM hiện đang hoạt động theo mô hình đồng bộ từ khâu nghiên cứu đến thử nghiệm, sản xuất đến thương mại hóa sản phẩm phục vụ các tỉnh khu vực phía Nam. Đồng thời, được TP đầu tư khoảng 100 triệu USD cho dự án phát triển CNSH, hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu và triển khai về CNSH.

 Bên cạnh đó, TPHCM cũng đầu tư mạnh cho Trung tâm nghiên cứu R&D của Khu công nghệ cao và Khu NNCNC nhằm thu hút các nhà khoa học tham gia nghiên cứu phát triển KH&CN. Những dự án này khi hoàn thành sẽ có điều kiện cơ sở vật chất làm việc nghiên cứu hiện đại ngang tầm khu vực.

Theo ông Tân, trong năm 2011 TP.HCM đã có 12 đề tài nghiên cứu lĩnh vực công nghệ sinh học được giám định và nghiệm thu với tổng kinh phí hơn 1,6 tỉ đồng, tỉ lệ đề tài, dự án áp dụng sau nghiệm thu đạt 90%. Các công trình nghiên cứu đều có tính ứng dụng cao, tiêu biểu như chế tạo các bộ kit sinh học phân tử trong lĩnh vực y tế và nông lâm, giúp chẩn đoán các bệnh virút, ung thư, nấm, ký sinh trùng…

Đồng thời, tạo được huyết thanh kháng đa độc tố để điều trị bệnh nhân bị rắn cắn và ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh như nuôi cấy tế bào vùng rìa giác mạc và cấy ghép cho các bệnh nhân bị bệnh lý giác mạc...

ỨNG DỤNG TRONG NÔNG NGHIỆP

Việc ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT về chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp từ 2006 đến nay đã phê duyệt đưa vào thực hiện được 90 nhiệm vụ khoa học công nghệ (78 đề tài và 12 dự án sản xuất thử nghiệm), trong đó có 38 đề tài về CNSH với tổng kinh phí đầu tư khoảng 19 tỷ đồng.

Các nhà khoa học đã tập trung vào nghiên cứu phát triển sản xuất và ứng dụng phục vụ cho rau an toàn, hoa lan, cây kiểng và nhân giống cung cấp cho thị trường. Hầu hết các kết quả nghiên cứu đều đưa vào ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực chuyển gen cây trồng, vật nuôi nhằm tạo ra những giống có năng suất cao, thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có khả năng chống chịu dịch bệnh hoặc tạo ra các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng.

Thực tế, nhiều địa phương hiện đã ứng dụng CNSH vào trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như việc triển khai 14 đề tài chọn tạo giống cây trồng nông, lâm nghiệp bằng phương pháp chỉ thị phân tử đã chọn tạo được 7 giống lúa chịu hạn, 2 giống lúa kháng đạo ôn, 4 giống lúa kháng rầy nâu, 2 giống lúa thơm chất lượng cao, 2 giống chè có triển vọng về năng suất, chất lượng, 8 giống bông kháng bệnh xanh lùn...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các kết quả nghiên cứu đã lựa chọn được môi trường bảo quản tinh dịch dài ngày, cải tiến được các quy trình công nghệ tạo phôi, cấy truyền phôi, đông lạnh phôi lợn và bò trong ống nghiệm. Việc sử dụng tinh nhân tạo giúp bò trưởng thành tăng từ 180kg/con lên 250-300kg/con, tỷ lệ xẻ thịt tăng 1,5 lần. Nông dân ở nhiều địa phương còn ứng dụng CNSH trong ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm để tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào.

Tuy nhiên theo các nhà khoa học, dù những năm qua CNSH ở nước ta đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng rào cản lớn nhất trong lĩnh vực CNSH chính là năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, kể cả thương mại hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, do chưa có chính sách khuyến khích hoạt động triển khai ứng dụng nên nhiều đề tài nghiên cứu xong vẫn chỉ để lại… “ngâm cứu”.

Theo PGS.TS. Phan Minh Tân, Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực NN-PTNT giai đoạn 2011-2015 sẽ chọn tạo 42 giống cây trồng nông nghiệp bằng công nghệ chỉ thị phân tử và công nghệ tế bào; tạo 33 dòng cây trồng chuyển gen; xây dựng quy trình và sản xuất 8 chế phẩm sinh học phòng trừ tuyến trùng, nấm, vi khuẩn gây bệnh vùng rễ các cây cà phê, hồ tiêu, bông vải, lạc, vừng, ngô, 5 loại chế phẩm sinh học sử dụng trong bảo quản, chế biến rau quả tươi, thực phẩm chế biến...

GS.TS Bùi Chí Bửu – Viện trưởng Viện KHKTNN miền Nam:

Trong bối cảnh thế giới thiếu lương thực trầm trọng, giá liên tục được đẩy lên cao, nhiều nước đã nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của nông nghiệp. Họ đã có những đầu tư lớn vào lĩnh vực này, trong đó đẩy mạnh ứng dụng CNSH vào sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, đến năm 2050 dân số thế giới sẽ lên đến 9 tỷ người, vì thế việc ứng dụng CNSH để tăng sản lượng lương thực, trong bối cảnh đất đai đang ngày càng thu hẹp là một yêu cầu bắt buộc đối với toàn thế giới.

Riêng tại VN, nền nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về khí hậu, dịch bệnh, dân số tăng cao…. Nếu chúng ta nhanh chóng ứng dụng những thành tựu CNSH vào sản xuất nông nghiệp thì nó sẽ là “chìa khóa” để giải quyết những vấn đề này.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm