| Hotline: 0983.970.780

Hội nghị sắn toàn cầu 2011: Khẳng định tài nguyên trên mặt đất

Thứ Ba 05/07/2011 , 12:30 (GMT+7)

Trong ba ngày từ 28 đến 30/6, tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã diễn ra hội nghị sắn toàn cầu năm 2011,...

Trong ba ngày từ 28 đến 30/6, tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã diễn ra hội nghị sắn toàn cầu năm 2011, quy tụ trên 1.000 đại biểu quốc tế tham dự. Sở dĩ sự kiện này được chú ý bởi nước chủ nhà Thái Lan hiện vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản phẩm liên quan đến sắn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Porntiva Nakasai nói: “Nhiều thập kỷ qua, Thái Lan luôn đứng đầu thế giới về xuất khẩu các sản phẩm sắn, đồng thời đầu tư mạnh về công nghệ chế biến cũng như cải tạo bộ giống tốt cho năng suất cao, tạo động lực và niềm tin cho nông dân trong nước phát triển loại cây trồng vốn được Hoàng gia bảo hộ này. Mặc dù trước tình hình dịch bệnh xâm hại, đe dọa suy giảm diện tích trong vài năm vừa qua nhưng hiện cây sắn vẫn được coi là mùa vụ quan trọng thứ ba đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến của Thái Lan. Hàng năm loại cây trồng này vẫn tạo ra nguồn lợi nhuận từ 2,1 đến 2,2 tỷ USD cho hơn 10 triệu nông dân và các doanh nghiệp trong nước”.

Sắn - “cây thần kỳ” của người nghèo

Từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, người dân Thái đã gọi sắn là “cây thần kỳ” bởi giá trị đa dụng của nó có thể tạo ra vô số sản phẩm quan trọng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm và phi thực phẩm như thức ăn chăn nuôi, rượu, giấy, dệt may, dược phẩm, mỹ phẩm… và gần đây nó đã thực sự lên cơn sốt do nhu cầu thế giới về nguyên liệu sinh học ethanol tăng mạnh. Sắn cũng là loại cây trồng tạo ra giá trị gia tăng từ các sản phẩm rất cao được người Thái xuất khẩu đi hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường trọng điểm là các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và khối EU.

Theo các chuyên gia trong nước, kể từ khi ngành công nghiệp chế biến trong nước phát triển, Thái Lan đã giảm được khoảng 120 triệu USD hàng năm để nhập khẩu bột mỳ do đã có tinh bột sắn thay thế. Và điều quan trọng là tạo ra công ăn việc làm cho trên nửa triệu nông hộ quy mô nhỏ, trong khi giá thành các sản phẩm làm ra rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu.

Ông Seree Denworalak, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh sắn Thái Lan (TTTA) cho hay, sản lượng sắn tiềm năng trong nước có thể đạt 40 triệu tấn trong vài năm tới để có thể cân bằng cung - cầu nội địa cả về sản lượng tinh bột lẫn năng lượng thay thế. Hiện tổng sản lượng hàng năm mới chỉ đạt 21,06 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu sắn củ để sản xuất tinh bột đã chiếm từ 12-13 triệu tấn, tương đương 60% tổng sản lượng. Các nhà máy chế biến trong nước cũng đang trong tình trạng đói nguyên liệu khoảng 10 triệu tấn/năm và đang phải chờ đợi nguồn nhập khẩu từ các nước trong khu vực khi rào cản thuế quan được xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2015.

Do bất ổn nguồn cung nên hiện giá sắn xuất khẩu khá ổn định ở mức cao. Cụ thể vào thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, giá tinh bột đạt 15,7 bạt/kg (tương đương 9.400 đồng) và giá sắn lát đạt 5,5 đến 6 bạt/kg. Ông Samai Kundan, chủ hộ trồng sắn ở tỉnh Nakhon Ratchasima cho hay, nhờ sắn được giá trong vài năm qua nên giờ đây cuộc sống gia đình ông đã khá giả. Hiện ông đã trang bị đầy đủ các loại máy móc để phục vụ sản xuất và sắm được cả máy tính xách tay nối mạng toàn cầu để tiện giao dịch sản phẩm khắp nơi. Còn ông Pongsak Liuthaveesriprapas ở tỉnh Chantaburi thì cho biết, sắn là loại cây dễ trồng, đầu tư thấp, không kén đất, không tốn công chăm sóc và có thể thu hoạch quanh năm nên phù hợp với nông dân nghèo.

Thách thức vẫn còn

Dù là quốc gia số 1 thế giới về sắn nhưng hiện Thái Lan cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc duy trì diện tích và sản lượng hàng năm do dịch bệnh hoành hành và sự cạnh tranh đối với các cây trồng có giá trị khác như cao su, mía, măng cụt, nhãn và ngô… Cụ thể là trong hai năm vừa qua đã có khá nhiều nông hộ bỏ sắn để chuyển đổi sang các loại cây trồng mới làm giảm diện tích từ 8,29 triệu rai vào năm 2009 xuống còn 7,3 triệu rai vào năm 2010 và hiện chỉ còn 6,86 triệu rai (1ha tương đương 6,25 rai). Ngoài ra vựa sắn vùng Đông Bắc nước này còn đứng trước thực trạng thiếu hụt nhân công, đất đai suy thoái hoặc giá thuê đất trồng sắn cao đội chi phí sản xuất.

Tại tỉnh Nakhon Ratchasima, giá thuê 1 rai trồng sắn trong vòng 3 năm chỉ có 500 bạt hiện đã tăng gấp ba lần và giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu cũng tăng gấp hai lần làm cho người nghèo càng khó tiếp cận. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp làm năng suất từ 3,6 tấn/rai năm 2009 xuống 3,01 tấn vào năm ngoái và năm nay chỉ đạt 2,96 tấn/rai.

Để vực dậy vị thế của cây sắn, các nhà khoa học trong nước đang hối thúc chính phủ tăng đầu tư cho nông dân thông qua chính sách công nghệ - kỹ thuật canh tác, tưới tiêu, cải tạo bộ giống tốt kháng sâu bệnh, tăng năng suất đạt từ 6 đến 7 tấn/rai mới có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Trong khi diện tích sắn bị đe dọa suy giảm thì một vấn đề khác cũng phát sinh là trong những năm qua, Thái Lan đã cho phát triển hàng loạt nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol để đón lõng nguồn nguyên liệu từ cây sắn hiện không thể hoạt động. Ước tính hiện mới chỉ có khoảng 2 triệu tấn sắn được sử dụng cho mục đích này, thiếu hụt từ 4-5 triệu tấn trong năm nay. Nhà máy ethanol TPK lớn nhất nước đặt tại Nakhon Ratchasima, khởi công cách nay 3 năm có công suất thiết kế 500.000 lít sản phẩm ngày, vốn đầu tư khoảng 6 tỷ bạt dự kiến chạy thử vào tháng 8 tới cần từ 6.000-7.000 tấn nguyên liệu/ ngày cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu đầu vào.

Box: Thái Lan hiện đang là nước xuất khẩu sắn số 1 thế giới với trên 7 triệu tấn/năm, kế đến là Việt Nam khoảng 800.000 tấn và Indonesia 300.000 tấn.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm