| Hotline: 0983.970.780

Hội thảo Quốc tế về quản lý, kiểm soát XNK nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc

Thứ Ba 02/04/2019 , 14:33 (GMT+7)

Mới đây, tại thành phố Lạng Sơn, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo quốc tế trao đổi thông tin, nghiệp vụ về ATVSTP, kiểm dịch động thực vật, các quy định về quản lý, kiểm soát XNK nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc.

* Chủ tịch Vinacas làm việc với Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn

* Tổ chức xét chọn điển hình nông dân sản xuất điều giỏi lần thứ 4 năm 2019

Các doanh nghiệp cần chú ý các quy định về quản lý, kiểm soát XNK nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc

Đến dự Hội thảo có lãnh đạo thị xã Bằng Tường - Trung Quốc, Cục giám định thị xã Bằng Tường địa phương giáp với tỉnh Lạng Sơn – Việt Nam, Lãnh đạo Cục CB&PT thị trường nông sản, Cục BVTV, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh thành trong cả nước. Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tham dự hội thảo.

Phát biểu tại Hội nghị ông Nguyễn Quốc Toản – Q.Cục trưởng Cục CB&PTTT nông sản đánh giá năm 2019 là một năm khó khăn nhiều thách thức đối với ngành xuất khẩu nông sản với nhiều yếu tố như: bối cảnh chung có những chuyển dịch, sự thay đổi về diện thương mại nhất là việc xung đột thương mại giữa các vùng, các quốc gia lớn trên thế giới. Biến động này là nét nổi bật tạo ra các rào cản kỹ thuật về tăng cường chất lượng hàng hóa, tăng cường những quy định về kiểm dịch VSATTP, tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Trung Quốc là một thị trường lớn đối với ngành xuất nhập khẩu nông sản của nước ta, vì thế, Hội nghị sẽ trao đổi cập nhật thông tin thị trường, phổ biến các thủ tục về xuất nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Ông Lăng Tiểu Tướng đại diện thị xã Bằng Tường – Trung Quốc thông tin: Bằng Tường là địa phương quan trọng trong việc giao thương giữa hai nước Việt Nam –Trung Quốc qua của khẩu Tân Thanh – Pò Chài. Vì thế, hai bên cần thúc đẩy ký kết hợp tác XNK các loại nông sản; làm tốt công tác đóng gói, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, thông tin cụ thể khai báo nhập khẩu... Hiện trong số 15% tổng sản lượng rau hoa quả trên thế giới nhập vào Trung Quốc, Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan và Philipin. Đại diện Cục BVTV Bằng Tường đề nghị phía Việt Nam tăng cường giám sát chặt chẽ tất cả các nhà xuất khẩu, yêu cầu các doanh nghiệp có hệ thống cơ bản để đảm bảo ATVSTP và truy xuất nguồn gốc. Phía hải quan Trung Quốc sẽ đăng tải danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trên website của Tổng cục hải quan Trung Quốc.

Về vấn đề cấp giấy chứng nhận xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục CB&PTTT nông sản thông tin: Liên quan tới các quy định về nhập khẩu, cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc chủ yếu gửi qua các nhà nhập khẩu của Trung Quốc nên gây ra sự chậm trễ khi các cơ quan quản lý Việt Nam nhận được các yêu cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam. Ông Hòa đề nghị để đảm bảo được về thương mại giữa hai bên, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm các đối tác Trung Quốc để thông qua họ giám định với các cơ quan quản lý địa phương Trung Quốc. Về vấn đề ATTP và kiểm dịch thực vật đều phải thông báo cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền để giải quyết minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Phát biểu tại Hội nghị, Cục BVTV – Bộ NN&PTNT Việt Nam nhấn mạnh: Trung Quốc (Đại lục và Hồng Kông) là thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam. Trung Quốc ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật về KDTV, do vậy yêu cầu KDTV nhập khẩu vào nước này sẽ ngày càng khắt khe hơn và xuất khẩu theo hình thức biên mậu sẽ bị hạn chế dần. Yêu cầu chung là các lô hàng phải được cơ quan KDTV Việt Nam kiểm tra, cấp giấy chứng nhận KDTV xác nhận không nhiễm đối tượng KDTV của Trung Quốc. Hiện nay hàng nông sản muốn xuất khẩu được sang Trung Quốc, phải đáp ứng được 2 yêu cầu:  Truy xuất nguồn gốc và KDTV. Yêu cầu chung là: lô hàng phải được cơ quan KDTV của Việt Nam kiểm tra, cấp giấy chứng nhận KDTV xuất khẩu, không bị nhiễm đối tượng KDTV của nước nhập khẩu, không bị nhiễm các loại sinh vật gây hại còn sống. Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2018 quy định trình tự, thủ tục KDTV nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện KDTV.

Tại cửa khẩu biên giới đường bộ, trong thời gian kể từ khi kiểm tra đến khi cấp giấy chứng nhận KDTV là 4 tiếng (trường hợp kéo dài thời gian do yêu cầu về chuyên môn thì phải thông báo và nêu rõ lý do cho doanh nghiệp biết). Nếu lô hàng đáp ứng yêu cầu KDTV của nước nhập khẩu thì cấp giấy chứng nhận KDTV, trường hợp phát hiện lô vật thể không đáp ứng yêu cầu về KDTV của nước nhập khẩu thì Cơ quan KDTV không cấp Giấy chứng nhận KDTV, đồng thời phải thông báo cho chủ vật thể biết, đồng thời khuyến cáo các biện pháp xử lý.

Hiện nay, hai cơ quan Hải quan và Kiểm dịch của Trung Quốc đã sáp nhận nên các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm thông tin để có kế hoạch cho hàng hóa xuất khẩu.

Kết thúc Hội nghị, phía Trung Quốc đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc Quy định luật ATTP và Luật kiểm dịch động thực vật năm 2015 của Trung Quốc; xây dựng quy trình giám sát riêng về chế biến thực phẩm; có biện pháp để thực hiện giám sát; đoàn đánh giá Trung Quốc sang Việt Nam đánh giá trước khi cấp chứng thư nhập khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam nếu cần thiết; xây dựng hệ thống giám sát hạn chế mối nguy trong sản xuất, nghiêm cấm hóa chất độc hại để xử lý côn trùng và vi sinh vật độc hại; có sổ tay theo dõi cập nhật nguồn gốc xuất xứ từ khâu nguyên liệu hỗ trợ, giải quyết tranh chấp thương mại, giảm bớt rủi ro tạo điều kiện cho việc thông quan tại của khẩu.

Bắt đầu từ tháng 10/2019, tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Trung Quốc phải có cơ quan thẩm quyền cấp phép chứng thư, nếu không có giấy KDTV phía bạn buộc tái xuất hoặc tiêu hủy sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Chủ tịch VINACAS làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn:

Ngày 28/3/2019, Chủ tịch VINACAS, ông Phạm Văn Công đã làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Giám đốc Công an, Cục trưởng Cục hải quan, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng, Trưởng Ban quản lý cửa khẩu Lạng Sơn về các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp ngành điều khi xuất hàng qua các cửa khẩu của Lạng Sơn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn nhất trí cao với đề xuất của Chủ tịch VINACAS, sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành điều, bên cạnh đó lãnh đạo tỉnh sẽ xúc tiến các ký kết hỗ trợ từ phía thị xã Bằng Tường – Trung Quốc có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp điều khi xuất khẩu qua cửa khẩu mà họ quản lý. Trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ có đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan liên quan làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều tại TP Hồ Chí Minh.

Tổ chức xét chọn điển hình nông dân sản xuất điều giỏi lần thứ 4 năm 2019

Ngày 15/3/2019, Vinacas đã gửi công văn số 36/2019/TĐKT-HHĐ đến Sở NN&PTNT 8 tỉnh có trồng điều đề nghị phối hợp tổ chức xét chọn điển hình nông dân sản xuất điều giỏi lần thứ 4 năm 2019.

Chương trình do Vinacas tổ chức từ năm 2013, định kỳ hai năm một lần, là hoạt động ý nghĩa nhằm phát hiện và tôn vinh những điển hình nông dân sản xuất điều giỏi, tăng cường mối liên kết giữa nông dân với nông dân và doanh nghiệp với nông dân, từ đó khuyến khích, động viên phong trào sản xuất điều của nông dân trên cả nước, góp phần trao đổi kinh nghiệm thực tế, nâng cao thu nhập cho người trồng điều và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho đất nước.

Thời hạn nhận hồ sơ trước ngày 30/04/2019. Tiêu chí cụ thể được gửi kèm theo Công văn của Vinacas.


 

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm