Nguyễn Quán Nho (1637 – 1708) người làng Đông Triều, xã Vãn Hà, huyện Thụy Nguyên, thuộc thừa tuyên Thanh Hóa thời Hậu Lê (nay là tiểu khu 8, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Tể tướng Nguyễn Quán Nho |
Bia tiến sĩ Văn Miếu đề danh khoa Đinh Mùi niên hiệu Cảnh Trị thứ 5 (1667)”, tên ông rạng rỡ đầu tiên “Nguyễn Quán Nho, người xã Vãn Hà, huyện Thụy Nguyên; đỗ năm 31 tuổi”.
Tương truyền, khi Nguyễn Quán Nho vinh quy, mẹ ông vẫn bình thản ra ao làng vớt bèo về nuôi lợn. Quan viên làng Vạn Hà mời bà về dự lễ rước tiến sĩ vinh quy bái tổ, nhưng bà từ chối: “Thi đỗ là việc của nó, sao lại phải đón rước, tôi còn đang bận vớt bèo!”
Nghe người đi mời về kể lại, Nguyễn Quán Nho vội rời khỏi võng điều, chạy ra ao làng, xắn quần lội xuống vớt bèo cùng mẹ cho đến khi đầy rổ rồi mới cùng về làng dự tiệc. Từ giai thoại vớt bèo ấy, sau này dân gian Thiệu Hóa còn truyền câu: “Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy”.
Từ khi được triều đình bổ đi làm quan, việc công nhiều khiến Nguyễn Quán Nho chưa về thăm mẹ được. Nghĩ năm hết Tết đến, ông gom góp tiền lương bổng của mình, sắm cho mẹ già chiếc áo lụa rồi sai lính đem về dâng. Mẹ ông giở ra thấy tấm áo lụa đẹp và quý, cả đời khó nhọc bà chưa từng được mặc. Song thâm tâm bà tỏ ra không vui. Bà nghĩ rằng tấm áo có được từ đồng tiền không lương thiện, bèn nghiêm nét mặt mà bảo: “Bổng lộc của quan là máu mỡ của dân hay sao?” Nói xong, bà đốt luôn tấm áo lụa quý con trai gửi, rồi gói nắm tro tàn đưa cho lính gửi lại.
Mở gói quà chỉ còn nắm tro, Nguyễn Quán Nho hiểu lời dặn của mẹ già rằng làm quan phải sống thanh liêm, không được bòn rút đục khoét của dân lành. Vì thế, đời làm quan của Nguyễn Quán Nho kinh qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau: Thượng thư bộ Binh, Thượng thư bộ Hình, Tham tụng phủ chúa Trịnh (quyền hành ngang Tể tướng) nhưng nhất nhất đều tỏ được sự ngay thẳng, thanh bạch.