Hội tụ và lan tỏa

Trong xã hội mình, có rất nhiều nghề đi liền với chữ “nhà”, được gọi tên đầy trân trọng: nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà nông, nhà buôn,… và nhà báo. Công cụ làm nghề truyền thống của nhà báo là cây bút, nên đôi khi nhà báo còn được biết đến là “người cầm bút”, là “cây bút”.

Trong thời đại truyền thông đa phương tiện, ngoài cây bút, công cụ tác nghiệp của nhà báo ngày càng đa dạng hơn. Mà thật ra, công cụ gì không quan trọng, nhà báo sử dụng công cụ đó như thế nào mới là quan trọng, để thông tin hữu ích được chuyển tải, giá trị tích cực được lan tỏa đến người đọc, người xem, người nghe.

Những “cây bút” của Báo Nông nghiệp Việt Nam, thì lẽ thường tình, là viết về… nông nghiệp. Muốn viết về nông nghiệp, tất yếu đầu tiên phải nhắc đến người nông dân - nhà nông. Muốn tác nghiệp, nhà báo thường xuyên tìm về nông thôn, gặp gỡ nhà nông. Hai "nhà" gặp nhau sẽ tạo cảm xúc cho nhau. Nông dân có vai trò chủ thể, vị trí trung tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

“Tía em hừng đông đi cày bừa. Má em hừng đông đi cày bừa. Tía em là một người nông dân. Má em cũng là người nông dân. Cùng sống trên đồng bao la”. Một nhà văn nổi tiếng thường tự nhủ: “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn”. Con người luôn mang theo mình khối óc và trái tim, khối óc để phân tích bằng lý trí, con tim để cảm xúc dạt dào. Và nhà báo cần cả hai, sự tỉnh táo và tính rung động.

Gắn bó với bất kỳ nghề nghiệp nào, muốn thành công thì cần phải biết “yêu nghề, kính nghiệp”. Nhà báo muốn “yêu”“kính” sự nghiệp báo chí của mình, trước hết, cũng phải biết yêu mến làng quê và kính trọng người nông dân. Không gian tác nghiệp của nhà báo nông nghiệp không thể đóng khung ở văn phòng mà là ở chân ruộng, mảnh vườn, bờ ao, biển cả, rừng sâu.

Vậy nhà báo hãy thường xuyên mang túi xách, đeo ba lô về với những miền sâu, vùng xa, còn nhiều gian khó, về với bà con đang một nắng hai sương; Về với vùng đồng bằng một thời trĩu nặng phù sa, để cùng nặng lòng khi nhìn mặt đất chai cằn vì hấp thụ bao chất độc hại qua một thời gian dài;

Về với những con tàu đánh cá, để cùng ngư dân vươn khơi trước bao sóng dữ, mà nguồn lợi thuỷ sản thu về không cân đối được với chi phí đầu vào; Về với những người làm muối, nuôi ong mang đến vị mặn ngọt cho đời, trong khi chính mình đôi khi còn đầy vị chua chát, xót xa;

Về với những thôn bản còn nhiều cách trở để cảm nhận những khó khăn của bà con dân tộc thiểu số khi trông chờ từng giọt nước, chăm chút cho từng thửa ruộng bậc thang.

Và trên hết, về với làng quê, để đong đầy cảm xúc của những người từng bước ra từ làng, giờ đây trở lại nơi nuôi dưỡng hạt giống tâm hồn qua năm tháng bôn ba, trưởng thành nơi đô thị. Ra đi và trở về, để mang làn hơi sưởi ấm tâm hồn người quê, cùng chia nhau trái bắp, củ khoai, con cá, bó rau.

Dân dã mà thấm đậm tình quê. Ra đi và trở về, để chia sẻ những kiến thức, kỹ năng mình đã hấp thu, tích luỹ được sau bao nhiêu năm học hành và trải nghiệm cuộc sống năng động đó đây. Ra đi và trở về, để cảm nhận được bà con mình còn lắm nỗi nhọc nhằn.

Ra đi và trở về, để đồng cảm với những trăn trở của bà con mình, vừa muốn thoát ra cách làm quen thuộc bao đời, muốn vượt qua cái nghèo cái khó, nhưng thoáng chốc lại ngần ngại trước lo toan sự thiệt hơn khi thay đổi.

Nông nghiệp xứ mình bao đời theo tư duy của một ngành sản xuất, với mục tiêu tạo ra nhiều nhất sản lượng. Nhưng giờ đây ngày càng bà con dần hiểu rằng sản lượng nhiều đôi khi rơi vào cảnh “được mùa rớt giá” và phải đánh đổi nhiều thứ: môi trường, sức khoẻ, thậm chí là sự tử tế. Như vậy không cách nào khác, nông nghiệp phải chuyển từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế” với mục tiêu tạo ra giá trị nhiều hơn bằng cách giảm chi phí, tăng chất lượng.

Bà con mình cũng dần hiểu ra rằng, phải biết tính toán chi li, chi tiết từng lượng vật tư đầu vào, từng ngày công. Bà con hiểu ra rằng, muốn làm ăn có lời, còn phải biết cách làm thương mại, cách kinh doanh mua bán, phải làm sao đưa được sản phẩm ra thị trường. Nghĩa là sản xuất sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất nông sản mình có thể tạo ra được.

Nhưng chuyện mua bán trong một thị trường đầy bất trắc đâu dễ dàng gì đối với những người vốn chỉ quen với chuyện đồng áng, vườn tược, chuồng trại. Thị trường ở đâu? Rộng lớn như thế nào? Làm sao nông sản đến được nơi đó mà không gặp bị ùn ứ dọc đường? Ai trả lời những câu hỏi ấy cho những người chân quê? Nhà báo có nhận về mình nhiệm vụ giúp nhà nông tìm ra những câu trả lời cho những câu hỏi ấy không?

Làm nghề nông trong thời đại mọi ngành nghề đều gắn liền với yếu tố thông minh đâu phải ngày một ngày hai là bà con hấp thu được. Đã bao đời bà con mình nhắc nhở nhau “lấy cần cù bù thông minh”.

Nhưng giờ đây, cả xã hội vận hành một cách thông minh rồi, người tiêu dùng cũng thông minh rồi, người nông dân càng cần hòa theo dòng chảy của xu thế mới. Nhưng ai là người hỗ trợ bà con mình trở thành nông dân thông minh? Nhà báo có giúp nhà nông thông minh không? Muốn giúp bà con trở thành nhà nông thông minh thì người cầm bút cũng tự học, tự rèn luyện để trở thành “nhà báo thông minh”.

Muốn trở thành “nhà báo thông minh”, thì hãy tự nhủ rằng cái vốn kiến thức mình hấp thụ được từ trường lớp và trải nghiệm trong cuộc đời chưa bao giờ là đủ và không bao giờ là đủ. Vậy là không cách nào khác phải học, học nữa, học mãi. Học từ trong trường lớp, học từ những trang sách, học ngoài đời và học ở cả người nông dân.

Học hỏi để hội tụ tri thức. Hội tụ tri thức để tiếp tục lan tỏa tri thức đến với những người chân quê được chúng ta nhắc đến bằng hai tiếng thân thương là “bà con”. Nhà báo có dũng cảm nhận về mình sứ mạng góp phần “tri thức hóa” người nông dân không?

Nhà báo thông minh đừng chỉ nhìn những điều hữu hình mà hãy khám phá ra những điều vô hình. Nhà báo thông minh đừng chỉ nhìn vào những cánh đồng lúa vàng, những mảnh vườn trĩu quả, những ao cá vuông tôm, những đại ngàn xanh thẳm, đại dương bao la. Hãy nhìn những người nông dân, ngư dân, người làm muối, người giữ rừng, người nuôi ong đang chật vật đâu đó để mà cảm xúc, mà tác nghiệp. Kiến thức, kỹ năng chúng ta có thể học được, nhưng thái độ và cảm xúc chỉ đến khi có sự thấu cảm và lòng yêu thương, kính trọng. Một lần nữa, hai chữ “yêu”"kính" sẽ tạo nên thành công cho tác phẩm báo chí nông nghiệp nói riêng và báo giới nói chung.

Nông nghiệp đất nước đang chuyển mình theo hướng phát triển đa tầng, tích hợp đa giá trị. Vậy muốn phản ánh bức tranh sinh động về nông nghiệp, nông thôn, nhà báo nông nghiệp cũng trở thành một người đa nhiệm, cũng tích hợp đa giá trị khi hội tụ cách nhìn của nhà kỹ thuật, nhà văn hóa, nhà hoạt động xã hội, nhà kinh doanh,…

Trong bộ phim mang tên Khát vọng nông nghiệp Việt Nam 2045”, nhà báo nông nghiệp không chỉ là người biên tập, dựng phim, mà còn sẽ là những diễn viên” tạo nên bao tác phẩm” đầy cảm xúc. “Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa!” Mỗi người đều là một phần của đất nước. Hãy tư duy, vì tôi tư duy là tôi tồn tại”.

Hãy lắng nghe những cảm xúc của chính mình, hãy thấu hiểu những cảm xúc của những người nông dân, của những người gắn bó với nông nghiệp. Khi ngòi bút chuyển tải những rung động của trái tim với nhiều cảm xúc tích cực, khi ấy xã hội sẽ tốt đẹp hơn: Nông nghiệp không còn bi kịch, nông thôn không còn bi thương, nông dân không còn bi lụy!

Động lực thôi thúc mỗi người làm báo xuất phát từ tiếng nói sâu thẳm của trái tim! Như lời tâm sự của một nhà báo nổi tiếng: “Tôi trở thành nhà báo để có thể tiến gần hơn đến trái tim của nhân loại”. Trở thành nhà báo nông nghiệp cũng là để có thể đến gần hơn trái tim của bà con nông dân. Tích hợp để hội tụ, hội tụ để lan tỏa, đơn giản vậy thôi!

Lê Minh Hoan
Trọng Toàn
Lê Hoàng Vũ - MS - Trọng Linh