Nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND TP Cần Thơ vừa phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản với kinh phí hơn 284 tỷ đồng.
Cụ thể, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ 103,78 tỷ đồng (chiếm 36%), còn lại vốn đối ứng của các bên tham gia (80,46 tỷ đồng). Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2025.
Theo kế hoạch được phê duyệt, mục tiêu nhằm hỗ trợ phát triển, xây dựng 15 dự án/kế hoạch liên kết (dự án liên kết) gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trên địa bàn Thành phố. Chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, trang trại, doanh nghiệp trong liên kết để giúp thành viên tham gia về kỹ năng sản xuất, năng lực cạnh tranh, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy mạnh việc hình thành và phát triển các chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực.
Tất cả thành viên tham gia sẽ được đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý; cam kết tuân thủ đúng quy trình sản xuất, sản phẩm đưa ra thị trường đạt yêu cầu chất lượng. Qua đó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông qua liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến và tiêu thụ.
Kế hoạch của UBND thành phố Cần Thơ đưa ra các nội dung và mức hỗ trợ liên kết khá cụ thể. Trong đó, hỗ trợ chi phí tư vấn, nghiên cứu để xây dựng dự án liên kết với kinh phí không quá 300 triệu đồng một dự án. Hỗ trợ vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm nhà xưởng, bến bãi, kho phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, mỗi dự án không quá 10 tỷ đồng.
Hỗ trợ đào tạo nghề nông cho lao động nông thôn; tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường (hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức lớp đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng hoặc dự án liên kết).
Hỗ trợ 50% chi phí về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của các hợp tác xã. Hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.
Các dự án liên kết sau khi được UBND Thành phố phê duyệt, khi triển khai thực hiện sẽ được UBND quận, huyện và Sở NN-PTNT quản lý. Với những dự án liên kết thực hiện trên địa bàn 1 quận/huyện có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, sẽ do UBND quận/huyện quản lý. Dự án thực hiện trên địa bàn 2 quận/huyện trở lên hoặc có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên do Sở NN-PTNT quản lý...