Thưa ông, đến nay Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng thế giới (RB-SupRSWS) tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã đạt được những kết quả nổi bật nào?
Chương trình đặt mục tiêu lắp đặt được 255.000 đấu nối và 680 xã đạt vệ sinh toàn xã. Đến thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thành được 80% mục tiêu.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng ngân hàng Thế giới và Kiểm toán Nhà nước kiểm tra và nghiệm thu các điểm đấu nối bền vững và vệ sinh toàn xã. Với tiến độ triển khai như hiện nay, chắc chắn Chương trình sẽ hoàn thành kế hoạch.
Nhớ lại thời điểm ban đầu triển khai Chương trình tại 21 tỉnh, tất cả các bên tham gia đều sợ không đạt được mục tiêu đề ra. Bởi vì, địa điểm thực hiện chủ yếu là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gặp khó khăn về nguồn nước.
Nhưng đến nay, đạt được kết quả đầu ra như vậy là nỗ lực của các địa phương, các Bộ, ngành và đặc biệt là sự hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng như Ngân hàng Thế giới.
Ông có thể nói rõ hơn về cơ chế hỗ trợ nguồn lực của Chương trình này đối với những hộ tham gia dự án?
Theo cơ chế hỗ trợ thực hiện Chương trình, người dân sẽ được nhà nước hỗ trợ 90% chi phí đầu tư các điểm đấu nối, họ chỉ phải đóng 10% còn lại. Thứ hai, vì khu vực triển khai đa số là địa bàn khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số là chính, nên theo những quy định mới thì phần trả nợ thuộc ngân sách của tỉnh một phần (khoảng 20%), còn phần lớn là Chính phủ hỗ trợ (khoảng 70%).
Chương trình này được người dân hưởng ứng và tham gia nhiều hơn là bởi, trước khi triển khai chương trình, chúng tôi đã tiến hành khảo sát để lựa chọn các khu vực người dân có nhu cầu thực sự. Chúng tôi đẩy mạnh truyền thông, cung cấp thông tin đến người dân sớm. Do đó, người dân hiểu và nhiệt tình ủng hộ.
Vậy theo ông, Chương trình này có ý nghĩa như thế nào khi chúng ta đang triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới?
Chương trình được triển khai theo các nội dung của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thứ nhất, chúng tôi lựa chọn các xã chưa hoàn thành tiêu chí nước sạch và vệ sinh nông thôn để đầu tư vào đó.
Về cấp nước sạch cho các xã nông thôn mới thuộc 21 tỉnh triển khai Chương trình, các hộ dân được tiếp cận và thụ hưởng từ công trình cấp nước tập trung bền vững. Đây là điểm rất quan trọng, vì thực tế hiện nay, nhiều xã dù được công nhận nông thôn mới nhưng người dân không được tiếp cận công trình cấp nước tập trung.
Người dân chỉ đầu tư máy lọc nước theo quy mô hộ gia đình. Nhưng lọc nước hộ gia đình và cấp nước hộ gia đình thì rất khó kiểm soát chất lượng bởi không có người quản lý vận hành. Còn các công trình cấp nước tập trung của chúng ta thì hoàn toàn phải chịu sự kiểm soát định kỳ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn rất chặt chẽ.
Thưa ông, qua thực tế triển khai Chương trình cấp nước mở rộng tại 21 tỉnh, những kinh nghiệm được rút ra ở đây là gì?
Hiện nay, người người dân tích cực tham gia đóng góp đầu tư và bảo vệ công trình cấp nước sạch nông thôn. Đây là nguồn lực lớn. Có nơi mỗi hộ đóng góp 1,5 triệu đồng, có nơi 2 triệu đồng và có nơi 3,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào công trình cấp nước sạch nông thôn. Họ chủ yếu lựa chọn triển khai xây dựng dự án ở những khu vực người dân có mức sống khá, giàu và làng nghề để đảm bảo thu hồi vốn.
Còn những khu vực khó khăn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, bãi ngang, ven biển, vùng sâu, vùng xa, khó khăn thì nhà nước vẫn phải tham gia đầu tư và thực hiện bù chéo, lấy nguồn thu từ khu vực có đời sống khá bù cho những khu vực khó khăn.
Bộ NN-PTNT đang xây dựng chiến lược nước sạch và vệ sinh môi trường đến năm 2030, vậy những mục tiêu mà Bộ và chính phủ đặt ra là như thế nào?
Hiện nay Bộ NN-PTNT được Chính phủ giao xây dựng Chiến lược nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó mục tiêu đến năm 2030, trung bình 75% người dân khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận công trình cấp nước; còn người dân ở những vùng thuận lợi, 100% người dân được tiếp cận công trình cấp nước đạt quy chuẩn hiện hành. Và Đến năm 2045, 100% dân số nông thôn sẽ được sử dụng nước đạt quy chuẩn.
Khi chiến lược được phê duyệt, chúng ta cũng cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công trình cấp nước. Đặc biệt nhà nước cần hỗ trợ cho khu vực nông thôn nghèo, khó khăn, và khu vực miền núi, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, vùng dân tộc thiểu số.
Hiện nay nếu so sánh với trung bình của thế giới thì tỷ lệ dùng nước sạch nông thôn ở Việt Nam đang đứng ở đâu, thưa ông?
Nếu so với những nước phát triển hơn chúng ta, thì chúng ta vẫn kém sau 5 – 6 bậc, nhưng nếu so với các nước có thu nhập tương đương với chúng ta, thì chúng ta ngang tầm.
Hiện nay các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đang được Chính phủ và các tổ chức quốc tế quan tâm tài trợ, nâng cấp công trình cấp nước cho người dân ở những vùng khó khăn. Việt Nam cam kết đến năm 2045 sẽ đạt mục tiêu thiên niên kỷ về cấp nước sạch và vệ sinh cho khu vực nông thôn.
Xin cảm ơn ông!