| Hotline: 0983.970.780

Hơn 40 năm sinh sống ổn định, sao vẫn bị coi là đất công?

Thứ Hai 16/07/2018 , 06:01 (GMT+7)

Sau giải phóng, bà vẫn canh tác, sử dụng mảnh đất này. Qua việc điều chỉnh chính sách đất đai của nhà nước, gia đình bà đã khai báo và hàng năm đều đóng thuế đầy đủ, không có tranh chấp. Thế nhưng...

Nhiều hộ dân khu vực 4, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa (Long An) bức xúc phản ánh, họ đang sử dụng đất canh tác nhiều năm không có tranh chấp, đóng thuế đất đầy đủ, nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để ổn định cuộc sống…
 

Đất có nguồn gốc

Theo bà Lê Thị Phơi, ngụ tại khu vực 4, thị trấn Đức Hòa, gia đình bà có hơn 2ha đất của ông cha để lại từ trước giải phóng, có giấy chứng nhận của chế độ cũ bà vẫn còn đang lưu giữ đầy đủ.

14-20-17_1
Nhà văn hóa và nhà tình nghĩa được xây dựng trên phần đất cạnh nhà bà Phơi

Sau giải phóng, bà vẫn canh tác, sử dụng mảnh đất này. Qua việc điều chỉnh chính sách đất đai của nhà nước, gia đình bà đã khai báo và hàng năm đều đóng thuế đầy đủ, không có tranh chấp. Bà đã nhiều lần đề nghị được cấp GCNQSDĐ nhưng chính quyền không giải quyết mà cho đây là… đất công (!?).

Bà Phơi khẳng định khu đất từ đời ông bà để lại, canh tác từ những năm 1980. Để chứng minh, bà Phơi lục tìm giấy tờ nguồn gốc khu đất. Theo đó, năm 1971, Ty Điền địa Hậu Nghĩa, cấp họa đồ khu đất cho bà Đoàn Thị Thường (là mẹ ruột của ông Huỳnh Công Thiện, chồng bà Phơi). Vị trí khu đất tọa lạc tại xã Đức Hòa, tổng Đức An Hạ, tỉnh Hậu Nghĩa.

Sau chiến tranh, khoảng năm 1980, vợ chồng ông Thiện, bà Phơi đưa gia đình về đây. “Lúc về đây, chồng tôi bỏ ra biết bao nhiêu công sức đi dọn bom, đạn, mìn… cứ gom được một bao tải thì đem đi xử lý. Để có được khu đất sạch thế này, cả nhà đã bất chấp hiểm nguy tính mạng, sau nhiều năm mới có được thành quả như bây giờ”, bà Phơi nhớ lại.

14-20-17_2
Căn nhà bà Phơi xuống cấp không được phép sửa chữa

Việc canh tác thể hiện rất rõ qua thực hiện nghĩa vụ đóng thuế nông nghiệp tại địa phương. Những tờ biên lai đóng thuế nông nghiệp quy ra lúa vẫn được gia đình bà Phơi lưu giữ, có xác nhận từ những năm 1982.

Đến năm 1990, sau khi chia cho mỗi người con một mảnh đất (6 người con) và bán bớt cho 13 hộ nghèo ở địa phương với giá rẻ, diện tích còn lại gia đình bà để dành làm đất ở và khu đất thổ mộ chôn cất chồng bà. Nguồn gốc là đất trồng cấy, nhưng do nhu cầu về nhà ở nên các hộ dân đã xây nhà, một số người vì còn nghèo nên chưa làm nhà được.

14-20-17_3
Bà Phơi đóng cọc giữ đất phía sau nhà văn hóa

Sau hơn 40 năm sinh sống và canh tác ổn định, đến nay bà Phơi cũng không nhớ bao nhiêu lần làm hồ sơ và nộp đơn xin cấp cấp sổ đỏ đối với khu đất còn lại của gia đình, nhưng chính quyền cho là giấy tờ chế độ cũ cấp không có giá trị nên không thừa nhận.
 

Sao lại thành đất công?

Năm 2015, UBND thị trấn Đức Hòa cử cán bộ đến khảo sát và lấy một khu đất thuộc sở hữu của gia đình bà Phơi để xây dựng nhà văn hóa, sân bóng chuyền, nhà tình nghĩa, trong đó đã có nhà tình nghĩa được cấp GCNQSDĐ. Khi người dân thắc mắc thì chỉ nghe chính quyền nói “đây là đất công”?

Dẫn chúng tôi ra xem thực tế, bà Phơi nói: “Chính quyền thị trấn Đức Hòa ngang nhiên lấy một phần đất hương hỏa của gia đình tôi để xây dựng các công trình này. Thậm chí, mới đây gia đình tôi có xây sửa tường bao ranh giới đất thì bị cưỡng chế vì cho rằng xây dựng trái phép trên đất công”.

14-20-17_5
Ngôi nhà xây dựng còn dở dang vì bị đình chỉ

Nghẹn ngào lấy xuống từ bàn thờ giấy chứng nhận liệt sĩ đã bị xỉn màu, bà Phơi cho biết, bà là con một trong gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của bà là liệt sĩ Lê Văn Phắn, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ông được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng phong tặng danh hiệu liệt sĩ vào tháng 10/1949.

“Cũng là gia đình liệt sĩ, nhà người ta thì được chính quyền địa phương quan tâm cấp đất, cấp nhà, cấp sổ. Còn gia đình tôi xin cấp GCNQSDĐ mãi vẫn không được giải quyết”, bà Phơi buồn bã nói.

Trao đổi với NNVN, ông Lê Thành Phong, Chủ tịch UBND thị trấn Đức Hòa cho biết: “Địa phương cũng phải chờ chủ trương của huyện, tỉnh để có quyết định cấp sổ đỏ cho các hộ dân. Do vậy, thời gian này không hộ dân nào được phép sửa chữa hay xây dựng bất gì trên đất của mình”.

Theo ông Phong, việc cho phép xây dựng nhà văn hóa ấp, nhà tình nghĩa tại khu đất này chính quyền đã làm đầy đủ theo đúng quy trình. Tuy nhiên, ông Phong chỉ hứa sẽ gửi văn bản đến các cơ quan báo chí sau...

14-20-17_6
Bản họa đồ chính quyền chế độ cũ cấp cho bà Đoàn Thị Thường
14-20-17_7
Bà Phơi đang bức xúc nói với PV

“Căn cứ vào khoản 1, 2 điều 100 và khoản 1,2 điều 101 Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014, quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ về QSDĐ trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai thì sẽ được cấp GCNQSDĐ...

 Với trường hợp đất khai hoang được các gia đình mở rộng thêm sau năm 1980 mà các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp…, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp GCNQSDĐ...”, LS Phạm Hoan, Trưởng Đoàn luật sư Thái Bình cho biết.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.