| Hotline: 0983.970.780

Hơn 5.700 lao động ở Tuyên Quang bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Thứ Bảy 30/05/2020 , 08:05 (GMT+7)

Tỉnh Tuyên Quang có hơn 5.700 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tỉnh đang rà soát các đối tượng để thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ.

Hơn 5.700 lao động tại Tuyên Quang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Đào Thanh.

Hơn 5.700 lao động tại Tuyên Quang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Đào Thanh.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, tỉnh này có 16 doanh nghiệp báo cáo do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải cho lao động ngừng việc, giãn việc, tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động. Đã có trên 5.700 người lao động bị ảnh hưởng, trong đó 101 người chấm dứt hợp đồng lao động, hơn 5.100 người ngừng việc và 490 người giảm ngày làm việc.

Các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang đang phối hợp với các doanh nghiệp rà soát, lập danh sách, hồ sơ cụ thể với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc.

Đảm bảo các đối tượng được hỗ trợ đúng, đủ theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đinh Văn Nhật, Chánh Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, cho biết, một trong những khó khăn nhất hiện nay trong công tác triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ là đối tượng thuộc diện hỗ trợ có số lượng nhiều. Có đối tượng thuộc diện được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ.

Bên cạnh đó, thời gian triển khai gấp, do đó việc rà soát gặp khó khăn do phải lọc trùng các đối tượng. Việc các bộ, ngành không có hướng dẫn chi tiết một số nội dung chưa rõ cũng ảnh hưởng đến việc triển khai tại các địa phương.

Bảo hiểm Xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục rà soát, thẩm định các đối tượng bị ảnh hưởng theo báo cáo của doanh nghiệp có đúng nội dung theo quy định cụ thể đối tượng và điều kiện được hưởng.

Đồng thời thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát, không để tình trạng lợi dụng tình hình khó khăn để gia tăng việc rút bảo hiểm xã hội một lần, kiểm soát chặt chẽ tình hình và xử lý nghiêm việc cầm cố, mua gom bảo hiểm xã hội.

Các doanh nghiệp tại tỉnh Tuyên Quang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực may mặc, chế biến nông, lâm sản, chế biến chè… là những mặt hàng khó xuất khẩu trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra. Vì thế lượng hàng tồn kho lớn, đời sống cán bộ công nhân viên gặp khó khăn. Như tại Công ty TNHH gang thép Tuyên Quang có hơn 1.100 lao động bị ảnh hưởng; Công ty TNHH MTV Seshin VN2 có hơn 2.000 người bị ảnh hưởng; Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang có hơn 900 người bị ảnh hưởng; Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương có 286 người bị ảnh hưởng…

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp tại Tuyên Quang vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Đào Thanh.

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp tại Tuyên Quang vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Đào Thanh.

Đồng hành cùng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã ra các văn bản hướng dẫn thành viên trong hiệp hội thực hiện các thủ tục, chính sách theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại những thành viên đã triển khai đến đơn vị mình cũng như báo cáo số liệu các chính sách được hỗ trợ đảm bảo công khai, minh bạch các gói hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến nay hiệp hội đã đề nghị 7 ngân hàng là thành viên của hiệp hội thực hiện việc giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ cho các doanh nghiệp theo chính sách chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Hỗ trợ các doanh nghiệp nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, Hiệp hội vận động hội viên thực hiện cam kết ưu tiên sử dụng sản phẩm của thành viên; đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế thấp nhất tình trạng cho công nhân và người lao động nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch.

Vấn đề tài chính để trả lương cho người lao động cũng là một trong những khó khăn mà không ít doanh nghiệp ở tỉnh Tuyên Quang đang vướng mắc. Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các văn bản chỉ đạo các ngân hàng đề nghị những đơn vị liên quan triển khai đến các doanh nghiệp về chính sách được vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động…

Bởi dù đến nay, dịch Covid-19 ở nước ta đã “bớt nóng” tuy nhiên, dư âm mà nó để lại cho các doanh nghiệp còn tương đối lớn. Nhất là vấn đề tài chính để giải quyết bài toán vấn đề hàng tồn kho, tái thiết lập sản xuất sau dịch…

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.