| Hotline: 0983.970.780

Hơn 60% khách hàng dùng Mobile Money ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa

Thứ Bảy 18/06/2022 , 13:45 (GMT+7)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng phát triển chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%, với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015 đến 2021; khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). 

Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money (loại tiền gắn với tài khoản di động của thuê bao điện thoại), gần 660.000 khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).

Trước đà phát triển này, phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi số hướng tới xã hội không dùng tiền mặt”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

"Hoạt động thanh toán được Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung chuyển đổi số, bởi giao dịch thanh toán chiếm phần lớn trong các giao dịch ngân hàng, đóng vai trò cửa ngõ để kết nối với các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng - tài chính khác như tiền gửi, tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân...", bà Hồng nói.

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng, nhất là tại các đô thị lớn.

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng, nhất là tại các đô thị lớn.

Nhận xét: "Hoạt động chuyển đổi số ngân hàng đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động thanh toán, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, ngành ngân hàng đang phối hợp Bộ Công an nghiên cứu phương án kết nối, khai thác thông tin công dân tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chip.

Một trong những điển hình, có bước phát triển nhanh được bà Hồng chỉ rõ, là ứng dụng Mobile Banking. Hình thức ví điện tử giờ không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vấn tin mà còn có thể sử dụng để thanh toán hoá đơn, mua vé xem phim, vé máy bay, tour du lịch… 

Song song với đó, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…

“Hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt, an toàn đáp ứng được hầu hết các nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế; các phương thức, dịch vụ thanh toán mới hiện đại trên thế giới, như: thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR, thanh toán tiếp xúc gần NFC, mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử... đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam với chi phí hợp lý”, bà Hồng nói.

Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các phương thức, dịch vụ thanh toán mới như: thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR, thanh toán tiếp xúc gần NFC, mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử... với chi phí hợp lý, và có thể phủ rộng đến cả vùng sâu, vùng xa.

Bên lề hội thảo, các ngân hàng, trung gian thanh toán cũng giới thiệu một số dịch vụ như: tích hợp thẻ thanh toán, thẻ tín dụng trên một con chip; dùng ứng dụng điện thoại để chạm thanh toán trên máy post hoặc 2 điện thoại với nhau.

Hội thảo “Chuyển đổi số hướng tới xã hội không dùng tiền mặt” nằm trong chuỗi sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt”. Đây là sự kiện được tổ chức từ năm 2019, nhằm khuyến khích người dân sử dụng các công cụ số khi mua sắm, giao dịch thanh toán, đồng thời hưởng những chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao kết quả mà Chương trình “Ngày không dùng tiền mặt” mang lại. Ông nói: “Những sáng kiến, hoạt động của chương trình góp phần giúp người dân nhận thức và sử dụng nhiều hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch thường ngày, tạo tiền đề phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam”.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm