| Hotline: 0983.970.780

Hơn cả được mùa

Thứ Năm 11/06/2015 , 06:09 (GMT+7)

Được mùa, được giá, được nhàn hạ thì làm sao mà nông dân chẳng cười khanh khách khi tham gia mô hình cơ giới hóa đồng bộ?

Vợ anh Đỗ Văn Quân dạo này đau lưng đi cứ khom khom như bà còng, chẳng làm nổi việc gì. Khám, bác sĩ bảo: “Do lao động nặng, nhất là cấy hái nhiều nên vôi hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm”.

10-51-45_dsc_9946
Hình ảnh một chiếc máy cấy hiện đại

Trộm nghĩ, anh mới thấy đúng quá, thương vợ quá! Nhà có 1,1 mẫu ruộng, hai vợ chồng lăn ra mà bới đất, lật cỏ, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lúc cấy hái, khi thu hoạch, đau lưng là phải. Mổ, nạo hết lớp vôi hóa mất 24 triệu đồng mà cái lưng của vợ anh vẫn không thể lành lại.

Bực mình anh mua luôn một chiếc máy cấy bán tự động của Kubota rồi tham gia vào mô hình cơ giới hóa đồng bộ của HTX nhà cho thoát khỏi cái kiếp “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”.

Thoát vị đĩa đệm, vôi hóa cột sống là căn bệnh của nhiều nông dân khi làm việc nặng. Tiếng là thủ đô nhưng Hà Nội vẫn có khoảng 100.000 ha lúa, đồng nghĩa với hàng triệu nông dân phải còng lưng trên đồng.

Thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng là địa điểm đầu tiên của huyện Mỹ Đức phối hợp với Cty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào SX từ làm đất, mạ khay cấy máy đến thu hoạch, phơi sấy, bao tiêu sản phẩm. Ông Bùi Văn Thái, Chủ nhiệm HTX Đại Hưng cho hay 2,6 ha áp dụng cơ giới hóa đồng bộ này đều trồng giống lúa dòng Japonica QJ4.

Gieo mạ khay có lợi thế là giảm được ½ thời gian so với mạ dược, không mất quỹ đất để làm và giảm thiểu được ngày công nặng nhọc cũng như sâu bệnh. Nghề nông hiện nay nếu làm kiểu thủ công sẽ rất tốn kém, xén hết vào lợi nhuận: Cấy tay mất 250.000 - 270.000 đ/sào trong khi cấy máy chỉ 150.000 đ/sào lại nhanh hơn, nhàn nhã hơn. Cấy tay mất 1 kg giống/sào trong khi cấy máy chỉ mất 7 - 8 lạng. Chính vì cấy thưa, khoảng cách hàng rộng tạo hiệu ứng hàng biên giúp cây đẻ khỏe, sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh.

Nếu như cấy kiểu thông thường sâu cuốn lá, khô vằn, đạo ôn, rầy nâu là những “người bạn” thân thiết của nhà nông khiến mỗi vụ họ phải phun 2 - 3 lần thì cấy máy sâu bệnh cũng có nhưng chưa đến ngưỡng phải phun thuốc. Không phun thuốc ngoài tiết kiệm được tiền, tiết kiệm được sức khỏe, sản phẩm làm ra còn sạch hoàn toàn.

Về năng suất, hiệu quả thì sao? Từng đi nhiều mô hình khuyến nông, chuyển giao, điều khiến đa số nông dân quan tâm không phải là tiến bộ KHKT phức tạp hay đơn giản mà là sau mỗi vụ họ có đếm được nhiều tiền hơn cách làm cũ không. Vậy hãy nghe người nông dân ở thôn Trinh Tiết đếm tiền.

Anh Đỗ Văn Quân nhẩm tính: 1,1 mẫu cho 2,9 tấn thóc tươi, bán 2,85 tấn ngay tại ruộng cho Cty với giá 7.000 đ/kg, tổng cộng được 19 triệu, trong đó thực lãi được khoảng 10 triệu, gấp đôi so với cấy lúa thông thường. 50 kg thóc bớt lại, anh xát luôn rồi biếu hàng xóm, láng giềng. Ai cũng nắc nỏm khen ngon.

Cấy máy không phải là phát minh, sáng kiến gì mới khi Bác Hồ từng thử cấy máy thủ công từ những năm 60 của thế kỷ trước, người Nhật cũng làm từ thời đấy. Qua thời gian, máy cấy dần hiện đại.

Để minh chứng cho lời anh Quân nói, ông Chủ nhiệm HTX đưa cho tôi bảng tổng hợp chi phí, thu nhập sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống và theo chương trình cơ giới hóa đồng bộ.

Cụ thể theo phương pháp truyền thống chi cho 1 kg lúa 6.000 đ, lãi 109.000đ/sào còn theo chương trình cơ giới hóa đồng bộ chi cho 1kg lúa 3.700 đ, lãi được 705.000 đ/sào. Thấy mà ham, nên vụ này thôn đăng ký trồng lên khoảng 10 ha. Nhà anh Quân trở thành một công xưởng SX mạ khay, cấy máy cho bà con.

Theo anh Lê Văn Minh, TGĐ Cty Công nông nghiệp Hà Nội, trước đây hãng Kubota của Nhật Bản cung ứng máy nông nghiệp cho VN nhưng không có giải pháp SX chuẩn. Là một người đi nhiều, anh thấy các nước phát triển đều cơ giới hóa đồng bộ trong tất cả các cây, con. Ở VN cơ giới hóa đồng bộ với cây lúa phải đi trước một bước vì nó sẽ làm thay đổi toàn bộ nông thôn. Chết một con bò sữa thiệt hại 70 - 80 triệu chẳng ai biết nhưng bỏ vài sào ruộng là chuyện đã ầm lên.

Không cơ giới hóa được suốt đời nông dân còn khổ, nhiều nơi còn bỏ ruộng. Bắt đầu làm mô hình năm 2010, anh Minh định hướng ở 19 huyện thị của Hà Nội mỗi nơi phải xây dựng 5 - 6 mô hình cơ giới hóa đồng bộ để cho chính quyền và nhân dân thấy được sự ưu việt,

“Với 300 ha đất nông nghiệp của một xã chỉ cần 20 - 25 người làm nông nghiệp, mấy ngàn lao động còn lại có thể chuyển dịch sang ngành nghề khác mà hiện nay đang rất thiếu, nhất là ở các vùng ven đô”, anh Minh nói.

Ý tốt nhưng ban đầu người dân phản ứng lại rất gay gắt. Khi cấy máy họ bảo: “Các ông làm thế này là cướp việc của chúng tôi à? Không còn ai thuê cấy 250.000 đ/công lấy gì mà ăn?”. Khi gặt, cánh người có máy suốt còn đóng cả cọc sắt trên ruộng để bẫy máy gặt đập liên hợp sa và gẫy cả bánh răng.

Không phải một chốc, một nhát có thể phủ kín diện tích được một xã mà phải mất 3 - 5 năm thậm chí 10 năm. Mấy chục xã ở huyện Phú Xuyên trở thành đầu tàu trong áp dụng cơ giới hóa đồng bộ kéo cả Hà Nội rùng rùng đi sau với gần 2.000 ha.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.