| Hotline: 0983.970.780

Hơn chục ngày xong 1 chứng chỉ nghề!?

Thứ Hai 02/08/2010 , 09:00 (GMT+7)

Thạo nghề thì... chưa chắc - một nông dân khẳng định.

Để có được một nghề nuôi sống bản thân, HSSV phải dùi mài kinh sử ở giảng đường ít nhất 2,5 – 3 năm (trung cấp, cao đẳng), 4 - 5 năm (đại học). Thế nhưng, nông dân hiện nay chỉ được đào tạo nghề khoảng chục đến vài chục ngày, nhiều lắm cũng chỉ là đôi ba tháng. Vậy câu hỏi ở đây là "sản phẩm" đào tạo xong sẽ có chất lượng như thế nào?

Với thời gian đào tạo như vậy thì giỏi lắm cũng chỉ giúp nông dân “cầm cày, cầm cuốc” sao cho đúng cách, đỡ mỏi tay chứ thạo nghề thì... chưa chắc - một nông dân khẳng định. Thế mà chương trình dạy nghề LĐNT đang được Sở LĐ-TB&XH các tỉnh thành, ĐBSCL triển khai thời gian đào tạo gồm 6 mức: Thấp nhất là 11 ngày và cao nhất cũng chỉ là 4 tháng. Khi áp dụng trên thực tế nhiều tỉnh chỉ mở các lớp ngắn hạn với 2 mức - 11 ngày và 22 ngày (được tính là 1 tháng, trừ thời gian khai giảng và bế giảng). Ông Ngô Thành Tâm – Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH Kiên Giang cho rằng, lý do là kinh phí có hạn và cũng rất khó có thể kéo nông dân đến lớp dài ngày.

Nông dân lao động trong các làng nghề.

Bà Thị Gái, một nông dân ở ấp Hòa Thạnh (Minh Hòa, Châu Thành, Kiên Giang) nói: “Thấy có lớp học tại ấp (bà Gái đang theo học lớp trồng trọt) thì tranh thủ đi học biết thêm được tí nào đỡ tí đấy, chứ mong bằng cấp gì, đi loè ai đâu. Bằng cấp là cần cho lớp trẻ, mình già rồi”. Bà Gái cũng thừa nhận, đi học chỉ cho vui chứ mình trình độ văn hóa mới lớp 3, lại lớn tuổi nên tiếp thu rất chậm. "Nhưng khổ nỗi, tụi trẻ lại không chịu đến lớp, chúng thà đi làm công nhân chứ không thích làm lúa"- bà Gái nói thêm. Tương tự, ông Ngô Tấn Thạnh – Phó lãnh đạo ấp Hòa Thạnh thẳng thắn: “Với những lớp học ngắn hạn nông dân cũng chỉ tiếp thu kiến thức như dự các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ chứ chưa thể gọi là đào tạo nghề được”.

Thông thường các lớp dạy nghề ở cơ sở, giảng viên thuê mướn của các Trạm KNKN huyện. Họ có thể giỏi về chuyên môn nhưng lại thiếu kinh nghiệm truyền đạt. Hơn nữa nông dân không muốn đi xa, đồng áng mùa vụ liên tục nên cũng không thể bỏ đi lâu.

Còn nông dân Ngô Văn Bậm, ở ấp An Lợi, xã An Bình A (Hồng Ngự - Đồng Tháp) nói thẳng: "Mở lớp ngắn hạn rồi cấp bằng cho tụi tui cũng chẳng làm gì được hơn. Kiến thức học hơn chục ngày sao mà chúng tôi lại “nuốt” kịp. Vì làm nghề nông cái chính là thực tế, còn đằng này ngồi một chỗ mà nói lý thuyết sao cho đủ ngày học. Thực tế có nông dân cần học sâu về chăm sóc lúa làm đòng, có nông dân lại thích tìm hiểu cách bón phân, phun xịt thuốc…Mà tui nói thiệt các lớp chỉ dạy chung chung chớ không có phần nào là chính cả. Mở lớp như vậy chỉ chạy theo thành tích thôi".

Ông Bậm nói thêm: "Gia đình nào giờ làm nông cũng 3- 4 đời rồi, kỹ thuật trồng lúa cũng có bấy nhiêu làm đi làm lại hoài năng suất cũng không lên nhiều, sẵn dịp ở xã An Bình A mở lớp đào tạo nghề trồng cây lúa nước đầu tháng 3/2010 vừa rồi, tôi cho thằng Út đăng ký nhập học. Lớp dạy nghề chưa đầy một tháng, thằng Út cầm tấm bằng về treo trước nhà mà chẳng áp dụng được tiến bộ KHKT mới nào, vẫn những kinh nghiệm cũ từ ngày nào giờ tôi từng chỉ cho nó".

Ông Nguyễn Văn Định – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường Trung cấp nghề Kiên Giang cũng thừa nhận với thời gian học bó hẹp như vậy, giỏi lắm giáo viên cũng chỉ có thể cung cấp một số kiến thức chuyên môn chứ chẳng thể cầm chứng chỉ nghề đi xin việc.

Được lao động trong những làng nghề là mơ ước của nông dân nhưng những khóa học ngắn hạn chưa thể giúp họ có được tay nghề.
Ông Đỗ Minh Triết - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp cho biết toàn tỉnh có khoảng gần 1 triệu người trong độ tuổi lao động, tỉ lệ thời gian nông nhàn khu vực nông thôn lên tới 19,39%. Hàng năm có khoảng 15 ngàn người bước vào độ tuổi lao động, cộng với số lao động chưa có việc làm từ các năm trước chuyển sang thì toàn tỉnh có hơn 40 ngàn người cần được giải quyết việc làm. Khó khăn lớn nhất trong dạy nghề cho LĐNT hiện nay là vẫn chưa thu hút được người đến lớp học. Họ cho rằng có học xong cũng không thể cầm tấm bằng này đi sang ngành khác xin việc.

Ông Nguyễn Thành Thi - Trưởng phòng Đào tạo nghề của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp cũng công nhận với khoá học hơn chục ngày nông dân không thể nhớ hết những kiến thức đã học để vận hành cho tốt trên mảnh ruộng của mình. Giáo án của giảng viên phần lý thuyết đã chiếm 80- 90% thời gian, còn lại 10-20% thực tế. Hơn nữa cơ sở mở lớp đào tạo nghề còn quá nghèo nàn, dụng cụ thực hành dạy thô sơ, đa phần là thuê mướn lại của chính nông dân. Cái quan trọng với nông dân là học thực tế mới nhớ được lâu.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất