| Hotline: 0983.970.780

Hơn hai năm xây dựng NTM tại 11 xã điểm: Hình hài đã rõ

Thứ Sáu 08/07/2011 , 12:13 (GMT+7)

Sau hơn 2 năm tập trung vào xây dựng NTM tại 11 xã điểm, hình hài vùng nông thôn văn minh, gọn gàng đang dần trở nên rõ nét.

Sau hơn 2 năm tập trung vào xây dựng NTM tại 11 xã điểm, hình hài vùng nông thôn văn minh, gọn gàng đang dần trở nên rõ nét; môi trường sống được cải thiện, thu nhập cư dân nông thôn nâng cao tới 1,3 lần…

Đột phá trong xây dựng hạ tầng

Cho đến nay tất cả 11 xã điểm NTM đã hoàn thành quy hoạch chung, trong đó 10/11 xã hoàn thiện 1-2 quy hoạch chi tiết (duy nhất xã Thanh Chăn của Điện Biên do điều kiện còn nhiều hạn chế nên chưa hoàn thành qui hoạch chi tiết nào). Các xã cũng đã tổ chức phổ biến đến các thôn, dựng panô trưng bày quy hoạch để nhân dân biết cùng tham gia đồng thời toàn bộ các công trình hạ tầng xây dựng mới hoặc nâng cấp đều dựa theo quy hoạch được duyệt.

Hầu hết các xã đều coi công tác xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá trong xây dựng NTM. Vì vậy các xã điểm đã dành nhiều nguồn lực tập trung cho phát triển, nâng cấp hạ tầng theo tiêu chí. Đến tháng 6/2011, ở 11 xã đã hoàn thành được 902/1.188 công trình đạt 76% kế hoạch đề ra, còn 24% khối lượng công trình dở dang. Riêng xã Thụy Hương (Hà Nội) cơ bản đạt tiêu chí hạ tầng, xã Tân Thông Hội (TP. HCM) đạt 98%; 8 xã khác đạt từ 75 - 88%, thấp nhất là xã Mỹ Long Nam (Trà Vinh) mới đạt 68%.

 Điểm nổi bật trong công tác quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng tại 11 xã thời gian qua là cộng đồng đã được tham gia bàn bạc để lựa chọn, xác định thứ tự ưu tiên các loại công trình cần thiết nhất làm trước để phù hợp với nguồn lực. Các xã đều tổ chức giám sát cộng đồng các công trình xây dựng. Do vậy, chất lượng công trình tốt, tiết kiệm chi phí phổ biến từ 20 - 30%.

Thành công mô hình sản xuất

Trong hơn 2 năm qua đã hình thành khoảng 200 mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát huy lợi thế của địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học có hiệu quả. Xã Thanh Chăn đã xây dựng một số mô hình liên kết với doanh nghiệp để phát triển cây ăn quả, cải tạo vườn tạp, thí điểm trồng cỏ chăn nuôi, trồng chè, nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi tôm càng xanh, trồng nấm....; xã Tân Thịnh (Bắc Giang) đã liên kết với DN triển khai gieo trồng cây thuốc lá nguyên liệu; hợp đồng với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội sản xuất cà chua; xã Mỹ Long Nam đã quy hoạch vùng đầu tư hạ tầng, phát triển các khu nuôi trồng thuỷ sản (tôm, nghêu) lớn có tính hàng hoá cao…; xã Thụy Hương đã quy hoạch và đang triển khai mô hình trồng rau, hoa cao cấp ứng dụng công nghệ hiện đại.

Hầu hết các xã điểm đều được đầu tư nhiều hơn về vốn tín dụng, được hỗ trợ qua chương trình khuyến nông và sự giúp sức của các Cục, Vụ, Viện Khoa học Nông nghiệp (Bộ NN - PTNT) để hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả về kinh tế. Các mô hình này đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất ở địa phương từ sản xuất manh mún, truyền thống sang xây dựng các vùng thâm canh các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao.

Qua đánh giá thực tế của các địa phương, so với năm 2008, giá trị sản xuất nông – lâm – thuỷ sản ở các xã đều đạt cao hơn từ 7-26% (xã Mỹ Long Nam (Trà Vinh) tăng 20%; xã Tam Phước (Quảng Nam) tăng 26,4%). Giá trị thu được trên đơn vị diện tích và thu nhập của nông dân đều được tăng lên, đã có 5 xã: xã Mỹ Long Nam, Tân Hội, Tân Thịnh, Gia Phố, Tam Phước đạt tiêu chí NTM về thu nhập cao hơn từ 1,2 - 1,3 lần bình quân khu vực nông thôn của tỉnh.

Cải thiện môi trường sống

Kết quả sau 2 năm xây dựng NTM tại 11 xã điểm:

Xã Tân Thông Hội đạt 16/19 tiêu chí; 2 xã Thụy Hương và Tân Thịnh đạt 15/19 tiêu chí; xã Tân Hội đạt 14/19 tiêu chí; 2 xã Tân Lập và Hải Đường đạt 13/19 tiêu chí; xã Tam Phước đạt 12/19 tiêu chí; xã Mỹ Long Nam đạt 11/19 tiêu chí; 2 xã Định Hoà và Gia Phố đạt 10/19 tiêu chí; xã Thanh Chăn đạt 8/19 tiêu chí.

Giải quyết vấn đề môi trường nông thôn cũng là một thách thức lớn trong công tác xây dựng NTM tại các xã điểm. Nhất thời khó có thể khiến người dân từ bỏ thói quen xả phân, rác thải ra đường, chúng ta cũng không có quy chế xử phạt vì vậy hệ thống cống rãnh thoát nước thôn, xóm chưa được khơi thông.

Tuy nhiên, học tập xã Hải Đường (Nam Định), đến nay đã có 50% số thôn thành lập đội thu gom, xử lý rác thải nên vấn đề ô nhiễm môi trường cũng được cải thiện rất nhiều. Ngoài ra, các xã đều chú trọng việc hỗ trợ cho các hộ dân cải tạo công trình vệ sinh, cải tạo vườn tạp, sửa sang cổng ngõ. Điển hình như xã Gia Phố (Hà Tĩnh) đã hỗ trợ hơn 1 ngàn hộ hoàn thành 3 công trình vệ sinh, di dời 230 cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư về nơi chăn nuôi tập trung; xã Tân Thịnh đã thiết kế mẫu khuôn viên, cổng nhà và làm được 25 hộ mô hình đồng thời tổ chức lao động tập thể phát quang bụi rậm, trồng 300 cây hoa sữa, bằng lăng ở những đoạn đường đã nâng cấp; xã Tam Phước đã giúp 925 hộ cải tạo vườn tạp; xã Tân Hội (Lâm Đồng) đã cải tạo mương thoát nước, lát vỉa hè, trồng cây xanh, lắp điện chiếu sáng ở trục trung tâm xã....

Nhìn chung, hình hài NTM theo 19 tiêu chí ngày càng hình thành rõ nét, từ chỗ khởi đầu xã cao nhất đạt 8 tiêu chí, xã đạt thấp nhất là 2 tiêu chí và đa số các xã đều đạt từ 3-4 tiêu chí thì tính đến hết tháng 6/2011 xã đạt được cao nhất là 16 tiêu chí, trong đó có cả một số tiêu chí rất khó đạt như thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động... Chương trình NTM bước đầu tạo ra cảnh quan đẹp, nâng cao chất lượng sống ở nông thôn nên nhân dân phấn khởi, ủng hộ và noi theo.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm