| Hotline: 0983.970.780

Hớn hở chợ lợn

Thứ Tư 26/01/2011 , 10:11 (GMT+7)

Những ngày giáp Tết Tân Mão, dọc hai bên đường 975 từ thị trấn Bình Mỹ tới xã Ngọc Lũ cảnh mua bán ở chợ lợn diễn ra tấp nập. Mặt ai cũng hớn hở vui tươi,...

Bình Lục, Hà Nam được mệnh danh là vùng nuôi lợn lớn nhất miền Bắc với trên 90% dân số sống bằng nghề nuôi lợn. Những ngày giáp Tết Tân Mão, dọc hai bên đường 975 từ thị trấn Bình Mỹ tới xã Ngọc Lũ cảnh mua bán ở chợ lợn diễn ra tấp nập. Mặt ai cũng hớn hở vui tươi, hỏi ra mới biết năm nay con lợn được giá, được mùa.

Lái buôn thắng lớn

Không biết từ bao giờ, xã An Nội, huyện Bình Lục đã trở thành “phố lợn” hay còn gọi là “chợ lợn” của mảnh đất chiêm trũng Hà Nam và một số tỉnh lân cận. Lái buôn từ các mạn Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hòa Bình... đổ về chợ lợn An Nội đông đến nỗi tắc cả đường. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng ôtô, xe máy, tiếng mặc cả râm ran khiến làng quê này náo nhiệt chưa từng có. Một lái buôn quần áo nhem nhuốc vứt vội mẩu tàn thuốc lá xuống chân di di cười bảo: Không vui tươi náo nhiệt sao được khi năm nay con lợn được giá khiến người chăn nuôi lãi lớn và dân buôn như tôi cũng được hưởng lợi nên phải tranh thủ thời cơ ngàn năm có một này, mua bán được càng nhiều càng tốt.

Hiện mỗi ngày chợ lợn ở xã An Nội xuất trên dưới 8.000 con lợn hơi tương đương hơn 800 tấn lợn phân phối đi khắp các tỉnh thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng phục vụ Tết. Giá lợn hơi bán buôn với số lượng lớn tại chợ lợn An Nội là 44.000 đồng/kg đối với lợn đẹp và 40.000 đồng/kg đối với lợn xấu. Anh Trần Văn Lý, một lái buôn lâu năm quê ở Lạc Thủy, Hòa Bình cho hay, mỗi ngày anh mua và bán được 60 – 70 con lợn trên dưới một tạ, trừ chi phí cũng lãi được tiền triệu. Theo Trưởng thôn An Nội Cù Văn Thực, mỗi ngày có khoảng 500 thương lái từ khắp nơi về đổ về chợ lợn trao đổi buôn bán, ngày cao điểm có thể lên tới cả nghìn người, năm nay chợ đông hơn hẳn năm ngoài vì đang là thời điểm vàng của cơn lợn.

Chợ bắt đầu nhộn nhịp từ đầu giờ chiếu cho đến sẩm tối mới tan. Chợ rất đơn giản chỉ là một hệ thống chuồng trại được xây dựng hướng ra mặt đường, ôtô, xe máy có thể lùi đuôi vào tận nơi để bắt lợn. Những thương lái cấp 1 tới các hộ chăn nuôi lùng sục mua lợn rồi chở về chợ lợn bán buôn, các thương lái cấp 2 từ khắp nơi tìm về chợ lợn để mua số lượng lớn lợn từ lái buôn cấp 1 đem đi khắp các tỉnh thành phân phối cho những lò mổ.

Trao đổi với ông Trần Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã An Nội mới hay người dân An Nội không nuôi mà chỉ buôn bán lợn. Thế nhưng toàn xã có cả nghìn lao động sống dựa vào con lợn, thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng. Đem thu nhập/đầu người mà ông Vượng đưa ra nửa đùa nửa thật hỏi người dân An Nội, họ không ngần ngại thừa nhận năm nay lợn được giá nên “chợ lợn” cũng được thơm lây, việc mỗi ngày lái buôn kiếm tiền triệu từ buôn bán lợn là điều hoàn toàn bình thường nên con số 10 triệu đồng ông Chủ tịch xã đưa ra có vẻ còn rất khiêm tốn.

Người nuôi cũng được!

Sở dĩ xã An Nội lại trở thành chợ lợn cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Do ngay phía trong An Nội là Ngọc Lũ, xã nuôi lợn lớn nhất miền Bắc với hơn 1.700 hộ dân nuôi lợn chuyên nghiệp từ hơn 10 năm nay, hình thành một trang trại lợn khổng lồ cung cấp hàng cho chợ lợn An Nội. Đường vào Ngọc Lũ rất nhỏ, ôtô tải khó vào nên nghiễm nhiên An Nội trở thành trạm trung chuyển lợn lớn nhất nhì miền Bắc. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Lũ, Nguyễn Quyết Định nói một câu ngắn gọn: Năm nay người nuôi lợn ở Ngọc Lũ thu khá. Dứt lời, ông chỉ tay về phía con đường trước mặt khoe những chiếc ôtô chở vật liệu xây dựng vào xã cứ nườm nượp vì năm nay nuôi lợn có lãi nên người dân đua nhau chuyển bị xây nhà tầng vì sợ đồng tiền trượt giá.

Để tôi "tâm phục khẩu phục", ông Định lấy số liệu những năm trước để so sánh với giá lợn năm nay thì sẽ biết là lỗ hay lãi ngay. Theo đó, năm 2006 hay như đầu năm 2010 người chăn nuôi xã ông khốn đốn vì dịch bệnh, lại cộng với giá lợn hơi rẻ như cho khi chỉ có 34.000 – 36.000 đồng/kg, thậm chí có lúc giá lợn tụt xuống chỉ còn lại 30.000 đồng/kg. “Bắt đầu từ tháng 7/2010, giá lợn bỗng lên tới mức 39.000 – 42.000 đồng/kg và luôn duy trì ở mức đó nên hầu hết những hộ chăn nuôi giữa được đầu lợn đều có lãi. Hộ nào phải mua giống cũng lãi được từ 1 triệu đến triệu rưỡi/đầu lợn, với hộ tự sản xuất được giống có thể lãi tới 2 triệu đồng/con. Nhiều nhà chỉ bán vài chục con lợn đã có cả chục triệu đến trăm triệu tiền lãi. Trong khí đó nhà nào ít cũng nuôi vài chục con, nhà nhiều lên tới cả 500 – 600 con. Ở Ngọc Lũ ai cũng nuôi lợn, bất kể là cán bộ thôn hay cán bộ xã. Xã tôi người làm nông nghiệp giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay”- ông Định cho hay.

Đi một vòng quanh xã Ngọc Lũ, tìm hiểu thị trường lợn năm nay thấy ai ai cũng phấn khởi. Tuy năm 2010 vừa qua, dịch bệnh có xuất hiện nhưng chỉ ở quy mô nhỏ lẻ ở một vài hộ gia đình nên hầu hết các hộ dân Ngọc Lũ vẫn giữ được đầu lợn ổn định và chăn nuôi có lãi. Năm nay giá TĂCN tăng nhưng giá lợn tăng cao hơn nên người dân không bị hẫng; mặt khác do thời điểm người dân mua giống để nuôi lứa lợn phục vụ Tết Tân Mão rất thấp, thời điểm bán giá lại cao nên họ ăn được cả...lượt đi lần lượt về.

Nhưng như lời ông chủ tịch xã Ngọc Lũ Bùi Xuân Hùng nói, vụ nuôi lợn năm nay thắng lợi phụ thuộc rất nhiều vào thuận lợi của thời tiết nên lợn không bị dịch bệnh. Mặt khác, người dân Ngọc Lũ nuôi lợn có kinh nghiệm hàng chục năm qua nên họ biết cách nuôi lợn theo diễn biến của thị trường. Giá lợn xuống họ mua giống với số lượng lớn, đến khi lợn đủ xuất chuồng thường giá đã cao và người chăn nuôi có lãi. Thứ hai, để giảm chi phí TĂCN người dân luôn sử dụng song song hai loại thức ăn, đó là thức ăn thẳng và thức ăn trộn cám ngô. Nếu cám đắt người dân sẽ mua ngô về trộn cho lợn ăn, ngược lại giá ngô đắt, họ lại chỉ dùng cám. Chính vì vậy, có thời điểm đàn lợn tại xã Ngọc Lũ lên tới 32.000 con, nhưng có lúc lại chỉ có vài trăm con. Có được kinh nghiệm này theo lờn ông Hùng, người chăn nuôi xã ông đã nếm trải đủ mùi vị của thất bại ề chề bởi. Ông tâm sự, giờ người chăn nuôi không nên trông chờ vào ông trời nữa mà tự trông vào chính bản thân mình.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất