| Hotline: 0983.970.780

Hồng y Liệt Nữ

Chủ Nhật 23/12/2018 , 10:30 (GMT+7)

Lần thứ ba, bà mối Hoa lại đến gõ cửa nhà cụ đồ Đại Trạch (nay là xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tiếp bà mối xong, cụ đồ gọi con gái mình là Lê Thị Miên, năm ấy vừa hai mươi tuổi, ra, giọng cụ run run:

- Con ơi, cụ chánh tổng lại vừa cho người mối đến nói, nếu con không nhận lời làm vợ lẽ của cụ, thì cụ sẽ làm cho con không thể lấy ai được, phải chịu ở vậy suốt đời. Con hãy nghĩ lại đi...

Lặng nhìn cha một lát, đôi mắt Miên sáng lên một ánh nhìn cương quyết:

- Thưa cha, ngày xưa bà Triệu Thị Trinh đã có lời nguyền khảng khái rằng “tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, chứ không chịu làm tỳ thiếp cho người”. Nay con chẳng được như Triệu nữ vương, nhưng lẽ nào lại khom lưng làm lẽ mọn cho con dê già ấy.

- Vậy bây giờ con định làm sao?

- Xin cha cho phép con đến nhà nghĩa phụ con để chờ thời, cứu vớt dân ra khỏi cơn nước lửa.

Cụ đồ nhìn con bằng ánh mắt đầy trìu mến. Là con gái duy nhất của cha, nên từ năm lên bốn tuổi, nàng đã được cha dạy chữ, lên mười nàng đã làu thông kinh sử, làm thơ viết văn nhanh thoăn thoắt. Nhưng ngoài văn chương, nàng còn rất ham mê võ nghệ, và được cha rước thày về truyền thụ cho mười tám thứ binh khí. Chẳng bao lâu, tài võ nghệ của nàng đã nổi tiếng khắp vùng.

Ngay buổi chiều hôm ấy, cụ đồ đưa con đến nhà Tuần Nhỡn ở Sơn Tây. Tuần Nhỡn là nghĩa phụ của Lê Thị Miên, nguyên là tướng dưới tay quân sư Chu Thần Cao Bá Quát, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn ở vùng Quốc Oai. Cuộc khởi nghĩa bị dẹp tan, Tuần Nhỡn tạm thời ẩn mình ở Sơn Tây chờ dịp hưng binh. Một thời gian sau, Tuần Nhỡn bảo cô con gái nuôi:

- Bây giờ nghĩa phụ già rồi, cơ hội hưng binh không còn nữa. Nhưng gần đây có Nguyễn Thịnh, còn gọi là Cai Vàng, là người văn võ song toàn, đang lo dấy binh. Âu là con hãy đến đó theo chàng, để lo việc lớn.

Lê Thị Miên tìm đến gặp Cai Vàng:

- Nghe nghĩa phụ của thiếp là Tuần Nhỡn nói về chàng, thiếp vô cùng ngưỡng mộ, nay xin đến theo chàng để giúp việc.

Được Cai Vàng chấp nhận, Lê Thị Miên ở lại cùng ông rèn luyện cho quân sỹ, dạy cho họ võ nghệ để chờ thời. Một thời gian sau, được Cai Vàng ngỏ lời cầu hôn, Lê Thị Miên nhận lời, và chính thức trở thành vợ ba của Cai Vàng, từ đó, mọi người gọi cô là bà ba Cai Vàng.

Năm Nhâm Tuất (1862), Cai Vàng nói với Lê Thị Miên:

- Nay triều đình hủ bại. Trong thì bóc lột dân đến tận xương tủy để xây dựng lăng tẩm, khiến muôn dân không còn đường sống. Ngoài thì liên tiếp nhượng bộ giặc Tây Dương, cắt đất nước dâng cho chúng. Lông cánh đã đủ, ý ta muốn khởi binh để cứu vớt muôn dân. Nàng thấy thế nào?

Lê Thị Miên quỳ xuống:

- Chàng vì đại nghĩa mà làm việc lớn. Thiếp nguyện theo chàng xông pha tên đạn để cứu dân.

Cuộc khởi nghĩa bùng lên. Nghĩa quân tôn Lê Duy Huân, một người thuộc dòng dõi vua Lê, lên làm minh chủ, lấy danh nghĩa “phù Lê diệt Nguyễn”, tiến đánh phủ Lạng Giang và thành Bắc Ninh. Mỗi lần ra trận, Lê Thị Miên đều mặc áo đỏ chỉ huy quân sỹ, nên người đời gọi bà là Hồng Y tướng quân. Được tin, vua Tự Đức cấp tốc phái Bố chính sứ Hà Nội Nguyễn Khắc Thuật, Bố chính sứ Sơn Tây Lê Dụ và phó lãnh binh Hưng Yên Vũ Tảo, đem quân 3 tỉnh đến đối phó.

Ngày 30/8 năm Quý Hợi (1863), Cai Vàng Nguyễn Thịnh trúng đạn của quân triều đình hy sinh. An táng chồng xong, nghĩa quân tôn bà Lê Thị Miên lên làm thủ lĩnh. Mùa xuân năm sau, nghĩa quân kéo về vây đánh thành Hưng Yên. Sau khi bắt được phó lãnh binh Vũ Tảo, nhận thấy tình hình bất lợi, bà cho lui quân. Rồi xét thấy không còn đủ lực lượng để tiếp tục duy trì cuộc chiến đấu. Cuối năm 1864, bà ba Cai Vàng tổ chức lễ tế chồng rồi cho quân sỹ giải tán.

Theo truyền thuyết thì sau khi giải tán quân sĩ, bà ba Cai Vàng về ẩn náu, tu hành tại chùa Dận, thuộc xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, với pháp danh là Đàm Giác Linh. Cũng có thuyết cho rằng bà về ẩn tu trong ngôi chùa quê mình là làng Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, bà đã cho dựng miếu âm hồn để thờ chồng là Cai Vàng Nguyễn Thịnh và những tướng sỹ đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa.

Năm 1908, ni cô Đàm Giác Linh viên tịch, hưởng thọ 72 tuổi. Vì khi cùng chồng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, bà thường mặc áo đỏ ra trận, nên người đời gọi bà là Hồng Y Liệt Nữ. Hiện nay, ở miếu âm hồn nói trên vẫn còn một đôi câu đối chữ Hán ca ngợi bà: “Tiểu cát phục nhung y, kỵ mã huy kỳ, danh trấn anh hùng nhân Kinh Bắc/ Xuất gia quy thiền phái, chiêu kinh tịch kệ, giác chân đức độ phật Như Lai”. Tạm dịch là “Tuổi trẻ mang giáp trụ, cưỡi ngựa phất cờ, nức tiếng anh hùng miền Kinh Bắc/ Xuất gia vào cửa phật, tụng kinh đọc kệ, hiểu tường đức độ phật Như Lai”, đồng thời trong dân gian vùng Bắc Ninh còn truyền tụng rất nhiều bài vè có nội dung ca ngợi bà, ví dụ như “Cai Vàng tỉnh Bắc giỏi thay/ Mộ quân bảy ngày, được một vạn ba/ Khen cho trí lực đàn bà/ Bắc Ninh tài tướng vợ ba Cai Vàng/ Đấu gan thi sức rõ ràng/ Vợ bé Cai Vàng đánh trận giỏi thay...".

(Kiến thức gia đình số 51)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.