| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác phát triển đàn dê, giảm nghèo bền vững

Thứ Năm 21/12/2017 , 08:01 (GMT+7)

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện mô hình tổ hợp tác chăn nuôi dê cỏ sinh sản bán chăn thả thuộc Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” năm 2017.

Hiệu quả từ mô hình đã khích lệ người dân, cán bộ triển khai dự án cũng như cơ quan hỗ trợ thực hiện.
 

Triển khai bài bản

Mô hình thực hiện tại xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Đây là địa bàn có thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc. Việc phát triển đàn dê cỏ sinh sản bán chăn thả sẽ phát huy được lợi thế địa phương, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, tạo hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững.

08-12-16_1
Khả năng nhân rộng mô hình chăn nuôi dê cỏ sinh sản bán chăn thả trong thời gian tới đối với khu vực miền núi có tính khả thi cao

Từ mục đích đó, Chi cục PTNT tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức khảo sát thực tế, thu thập thông tin, lựa chọn vùng thực hiện mô hình gồm 5 xóm, đều là những xóm có tỷ lệ đồng bào dân tộc ít người chiếm đa số, tỷ lệ hộ nghèo cao. Cơ quan triển khai đã phối hợp với với chính quyền tổ chức họp dân, phổ biến chủ trương, cơ chế chính sách, nội dung hỗ trợ, lựa chọn bình xét công khai, dân chủ các đối tượng đủ điều kiện tham gia mô hình.

Theo đó, mô hình được thực hiện theo hình thức phối hợp như sau: Nhà nước hỗ trợ 100% giá mua dê cái giống ban đầu với số lượng 3 con/hộ; các hộ dân thực hiện cam kết trách nhiệm đối ứng 1 con dê đực giống, làm chuồng, tiêm thuốc thú y và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, xã và cán bộ chỉ đạo mô hình.

Bắt tay vào xây dựng mô hình, cơ quan chỉ đạo dự án đã tiến hành tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi dê cỏ sinh sản bán chăn thả cho các hộ. Có 44 hộ dân của 5 bản vùng cao tham gia, gồm bản Liên Phương, Vân Khánh, Tân Sơn, Mong và Văn Lăng. Cả 44 hộ đều là hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.

Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 132 con dê cái giống, các hộ dân đối ứng 44 dê đực giống và làm chuồng nuôi. Chi cục PTNT tỉnh cắt cử cán bộ phụ trách chương trình. Phòng NN-PTNT huyện Đồng Hỷ, UBND xã Văn Lăng cũng cử cán bộ tham gia, phối hợp điều hành mô hình, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê cỏ sinh sản. Phát hiện kịp thời diễn biến, khó khăn, vướng mắc trong khi triển khai.

Trưởng bản Văn Lăng, ông Dương Đức Lợi cho biết, điều quan trọng đầu tiên là việc bình xét công khai dân chủ để chọn lựa những hộ có đủ điều kiện, có nhiệt huyết, làm cho người dân tham gia mô hình xác định được quyết tâm thoát nghèo ngay từ đầu của mình.

Vì đã có nhiều năm chăn nuôi dê cỏ nên ông Hoàng Văn Tiến ở bản Văn Lăng được bầu làm tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi dê cỏ sinh sản bán chăn thả của cả 5 bản làng. Ông Tiến cho biết, việc người Mông biết chăn thả gia súc đã là cả một sự thay đổi nhận thức (trước kia chỉ thả rông), nay lại chăn nuôi theo quy trình được tập huấn khiến nhiều người lo không làm đúng kỹ thuật. Nhưng nhờ cán bộ tận tình chỉ bảo nên đồng bào cũng làm được hết.
 

Hiệu quả thấy rõ

Ông Trương Công Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết, tập quán chăn nuôi của đồng bào các bản trên núi cao của xã từ trước đến nay là thả rông gia súc. Áp dụng kỹ thuật mới, ngoài làm chuồng, người dân còn phải kiểm tra quá trình chăm sóc, tiêm phòng và trị bệnh.

Để tiện lợi trong quá trình chăn thả, mỗi bản hình thành một nhóm chăn nuôi trên cơ sở tập hợp đàn dê vào một chuồng và luân phiên cắt cử người chăn thả, kiểm soát đàn dê. Qua 3 tháng kể từ ngày dê giống được giao cho các hộ, đến nay một số dê cái đã sinh con.

Ông Triệu Minh Phú ở bản Mong cho biết, trước nay người dân có tập quán thả dê lên núi. Lâu lâu lại lên lùa về, có khi thấy thêm dê con nhưng cũng nhiều lúc thấy hụt đàn mà không biết dê đi đâu. Nay dê cái nuôi theo mô hình của nhà ông đã đẻ được 2 dê con. Vì được nuôi bán chăn thả nên kiểm soát được diễn biến tăng giảm của đàn dê. Nhờ ăn uống đầy đủ, hiện chúng đều rất khỏe mạnh và lớn nhanh.

08-12-16_2
Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Ông Hoàng Phúc Chiến ở bản Liên Phương khoe, dê dự án của gia đình ông cũng đã đẻ được 2 dê con. Những năm trước, vật nuôi đẻ con trên núi hoặc có đẻ ở nhà hôm trước thì hôm sau đã lên núi kiếm ăn rồi. Nay, dê non mới sinh được ở trong chuồng trại, có mái, có liếp che chắn, được giữ ấm, chăm sóc, được tiêm phòng, trị bệnh rất cẩn thận.

Ông Vũ Văn Lâm, cán bộ khuyến nông xã Văn Lăng cho biết, dự kiến sau 2 - 6 tháng chăn nuôi, từ 3 con dê cái giống của một hộ có thể sinh sản 6 - 8 dê con; sau một năm thì con số chắc chắn sẽ đạt 12 con dê thương phẩm với trọng lượng 30 kg/con. Nếu nhân với giá thị trường 150 ngàn đồng/kg thì 12 con dê sẽ thu được 54 triệu đồng. Và sau 3 năm thì con số trên sẽ đạt xấp xỉ 160 triệu đồng/hộ.

Hạch toán khiêm tốn như vậy để thấy rằng dự án triển khai thực hiện nhằm khuyến khích, thúc đẩy, nhân rộng mô hình chăn nuôi dê cỏ sinh sản bán chăn thả có thể gây dựng được vùng thực phẩm đặc sản của địa phương; mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện, nâng cao đời sống bền vững cho bà con đồng bào dân tộc vốn kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Hoàng Thị Hà, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và trang trại (Chi cục PTNT tỉnh Thái Nguyên) nhận xét, quá trình thực hiện, công tác phối hợp với các cơ quan đầu mối, việc chỉ đạo, hướng dẫn triển khai đều tiến hành một cách công khai, dân chủ, đúng đối tượng chính sách, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân địa phương.

Qua đó, mô hình đã tạo đà phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực địa phương gắn với xây dựng cũng như nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững nhằm giúp các hộ nông dân đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc ít người có điều kiện tiếp cận, ứng dụng tiến bộ KHKT, phát triển sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi từ quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún thành vùng chăn nuôi dê tập trung.

Tổng kết mô hình, ông Nguyễn Ngọc Quỳ, Chi cục phó Chi cục PTNT tỉnh Thái Nguyên khẳng định, mô hình tổ hợp tác nuôi dê cỏ sinh sản bán chăn thả phù hợp với các vùng miền núi do chi phí đầu tư chuồng trại, con giống... ban đầu không quá tốn kém; dê là động vật ăn tạp, có sức đề kháng cao, chống chịu với dịch bệnh tốt hơn so với các gia súc khác; trong khi nhu cầu thịt dê trên thị trường ngày càng tăng.

Vì vậy, việc nhân rộng mô hình trong thời gian tới có tính khả thi. Chi cục PTNT tỉnh đề nghị lãnh đạo các cấp ngành của tỉnh cũng như Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn tiếp tục đầu tư vốn nhân rộng mô hình; đưa vào danh mục mô hình được ưu tiên, khuyến khích thực hiện và có cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy trong thời gian tới.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.