| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác sản xuất, hô hào nhiều nhưng đến bao giờ thay đổi được?

Thứ Ba 10/04/2018 , 08:34 (GMT+7)

Tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nông dân, các đại biểu tập trung thảo luận trao đổi ở 4 nhóm vấn đề chính, gồm: Thị trường nông sản, tín dụng và đất đai, công nghệ bảo quản nông sản, quản lí vật tư nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

16-58-08_20180409_085509

Nông dân Tăng Xuân Trường, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đặt câu hỏi: “Là người vừa trực tiếp sản xuất vừa làm thương mại xuất khẩu rau củ khá lâu và tôi nhận thấy điểm yếu lớn nhất của mình là khâu tổ chức sản xuất. Như tôi, nếu bạn hàng đặt 10 tấn cà chua có thể còn lo được với chất lượng mẫu mã giống nhau, nhưng nếu 50 tấn không biết mua ở đâu cho đủ. Tôi được biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT xây dựng 1.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là hướng đi rất đúng. Nhưng xin hỏi Thủ tướng, việc liên kết thành lập HTX chúng ta đã hô hào nhiều rồi và đến bao giờ mới thay đổi được?”.

Nông dân Đặng Thị Dịu, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, gửi câu hỏi tới Thủ tướng về những chính sách để các cơ quan chức năng có liên quan làm tốt công tác định hướng và thông tin thị trường giúp nông dân tiêu thụ và xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới, bởi hiện nay người nông dân đang rất yếu và thiếu khâu quan trọng này?

Nông dân Đoàn Xuân An, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, thắc mắc là tại sao Việt Nam không có các chính sách hỗ trợ nông dân, HTX xây dựng các kho lạnh bảo quản nông sản để khi giá thấp thì lưu kho, khi giá cao thì đem ra bán như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.

Về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hiện nay, Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các bộ ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định 210 về thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. Hi vọng chính sách mới này sẽ tạo động lực giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Thứ 2, chúng ta phải nỗ lực tìm thị trường hơn nữa. Chính phủ, Quốc hội, các đoàn công tác bộ ngành đi đâu cũng tìm thị trường, giới thiệu DN, nông sản của Việt Nam. Nhiều loại củ quả của Việt Nam đã tham gia các thị trường lớn, việc tìm thị trường Nhà nước phải làm, nhưng DN, người sản xuất cũng có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ này, đó là khâu sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường. Tôi quán triệt tinh thần này đến bà con nông dân, HTX, tổ hợp tác và DN. Chúng ta cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào.

Thứ 3, phải đẩy mạnh chế biến nông sản hơn nữa. Chúng ta sản xuất được, nhưng chế biến mới là khâu quan trọng để chủ động điều tiết thị trường, các DN cần tham gia xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị nông sản. Ở các nước, nhờ có nhà máy chế biến nên trái cây, nông sản có thể bảo quản tới 6 tháng.

Bên cạnh vấn đề công nghệ bảo quản và thị trường, vốn vay tín dụng là nội dung được nhiều đại biểu tham gia đặt câu hỏi.

Trả lời các kiến nghị của nông dân, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, khẳng định, những gì phát sinh trong cuộc sống sẽ được xây dựng mới ngay, hoặc những gì vướng mắc vẫn đang tiếp tục được chỉnh sửa. Về lãi suất, đến nay đã giảm khoảng hơn 1 nửa so với đầu năm 2013 (từ 14% xuống về dưới 6,5%).

Riêng về tài sản thế chấp, theo Thông tư mới ban hành tài sản thế chấp không phải điều kiện duy nhất để được cho vay mà phải trên cơ sở quản lý dòng tiền. Theo đó, các hộ nông dân, các hộ vay vốn nếu chứng minh được dòng tiền, chứng minh được đồng vốn phát huy hiệu quả thì có thể được cho vay mà không cần thế chấp.

Đặc biệt, ông Đào Minh Tú khẳng định, sau hội nghị này, ông và các ngân hàng thương mại sẽ làm việc trực tiếp với những trường hợp đã đặt câu hỏi tại hội nghị để làm việc rõ xem có vay vốn được hay không, vay được bao nhiêu, nếu không vay được lý do vì sao và phải công bố kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.