| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã kiểu cũ trong cơn 'teo cơ': Một xã có 10 hợp tác xã

Thứ Hai 11/01/2016 , 06:35 (GMT+7)

HTX kiểu cũ là đứa con dị dạng của một thời cơ chế bao cấp duy ý chí và ép buộc mà cho đến nay việc giải quyết hậu quả của nó gây ra vẫn còn ngổn ngang trăm mối...

Xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có 10 thôn thì thôn nào cũng có HTX. Tất cả đều là sản phẩm của lịch sử để lại chứ không dựa trên sự tự nguyện theo đúng tinh thần HTX. Đến Trầm Lộng những ngày này mới thấy công cuộc chuẩn bị sáp nhập 10 HTX thôn thành 1 HTX toàn xã lắm chuyện bi hài.

Tồn tại bằng tiền đấu thầu đất công

HTX Nông nghiệp thôn An Hòa - một trong những HTX được cho là lớn mạnh nhất của Trầm Lộng do ông Lê Kiến Trường làm chủ nhiệm với 70 ha đất nhưng hầu như chỉ có dịch vụ chính là BVTV.

Nói BVTV cho sang thực ra là đánh thuốc chuột. Xuân mùa nhị kỳ một buổi HTX phát thuốc cho bà con để họ tự rải. Xuân mùa nhị kỳ, một buổi HTX mời cán bộ trạm khuyến nông huyện xuống tập huấn cho bà con nghe. Phần đa người dự là các ông già, bà cả nặng tai, nghễnh ngãng, nghe câu được, câu mất rồi về cứ làm theo tập quán cũ đã quen.

Dịch vụ diệt chuột HTX thu 2.500 đ/sào x 1.600 sào tương đương khoảng 9 triệu đồng cho 2 vụ. Dịch vụ khuyến nông HTX thu 1.000 đ/sào tương đương khoảng 3,2 triệu đồng cho 2 vụ. Tổng thu 12 triệu đồng nhưng lắm lúc không đủ bù chi. Nói đâu xa, vụ đông năm nay cánh đồng ngô nếp của bà con đang tốt mơn mởn chẳng biết chuột ở đâu bỗng dưng kéo đàn, kéo đống đến, phải đánh tới 22 lần, mỗi lần 0,7kg thuốc sinh học, với giá mỗi kg là 400.000 đ mất đứt 6 triệu đồng. Hai vụ lúa trước đó đã ngốn mất 14kg thuốc nữa cũng làm cho HTX thiệt hại thêm 6 triệu đồng.

Không trông mong vào hoạt động của dịch vụ, vậy cán bộ HTX ở đây sống bằng gì? Xin thưa bằng quỹ đất công. Sau chia ruộng cho dân năm 1993, hiện thôn An Hòa vẫn còn khoảng 25 - 27 mẫu đất công. Tất cả đều được đem ra đấu thầu năm một hoặc 5 năm một lần với định mức thu 1 sào 60 - 80kg thóc/năm, quy ra bằng tiền tổng thu được khoảng 127 triệu đồng.

Thế nhưng theo ông Trường, số đó phải chi đủ thứ. Cho các hoạt động của ban ngành như Chữ thập đỏ, Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Người cao tuổi, Mặt trận tổ quốc… Mỗi đoàn thể từ 500.000 - 1 triệu đồng. Cho tổ chức các ngày kỷ niệm như 27/7, 8/3, 1/6, Tết trung thu, Tết Nguyên đán. Cho mua sắm cơ sở vật chất của nhà văn hóa gồm bàn ghế, xi măng, đến cân sắt, viên gạch lát đường. Cho tặng quà các gia đình chính sách.

14-52-15_dsc_1092
Bà chủ nhiệm HTX Phú Điền (đội mũ) nói chuyện với xã viên

Tất tật đều ngong ngóng trông, cấu véo vào miếng “bánh” là số tiền đấu thầu đất công đó. Số còn lại mới chia cho đội ngũ quản trị gồm lương chủ nhiệm 450.000 đ/tháng, kế toán 360.000 đ/tháng, kiểm soát 315.000 đ/tháng, thủ quỹ 315.000 đ/tháng. Trong khi đó, ông chủ nhiệm than hội nghị nào cũng gọi từ xã đến thôn, thi thoảng huyện cũng triệu tập. Trung bình 1 tháng ông mất khoảng 10 ngày làm việc còn những người khác trong Ban lãnh đạo HTX thì nhàn hơn. Hiện quỹ của HTX còn tồn khoảng 25 - 30 triệu đồng.

Không trụ sở, không đủ thứ

Tình trạng chung của HTX ở Trầm Lộng hôm nay đều không có trụ sở mà có việc gì đều xin họp ké ở nhà văn hóa thôn, không có tài sản hoặc có cũng chẳng bõ bèn. Tài sản của HTX An Hòa còn cái gì? Là cái máy bơm hoen rỉ 7,5KW. Là 200m đường dây điện 3 pha cũ mèm. Là mấy cái phai cống bằng bê tông sứt mẻ. Là khoảng 360 lao động trong thôn nghiễm nhiên trở thành xã viên.

Bà Nguyễn Thị Hương bảo với tôi rằng 18 tuổi đã là xã viên, giờ 50 tuổi vẫn cứ tiếp tục. Làng này ai mà chẳng thế! Xã viên HTX như một loại giấy khai sinh đặc biệt mà bất cứ ai trên 18 tuổi đều có. Chỉ có cái chết mới chia lìa được dù quyền lợi của một người xã viên với họ mơ màng như sương mù, như mây khói.

Của đáng tội, những HTX lớn ở Trầm Lộng trước đây cũng có nhiều dịch vụ như cung ứng giống, phân bón giờ bị đại lý “cướp” sạch khách vì giống họ mang đến tận nhà, phân họ chất vào tận kho lại còn cho nợ cả vụ với giá cả rất mềm. Thế nên, cái loa rè của HTX dù có gọi đến rã cả bọt mép ông chủ nhiệm nhưng vẫn chẳng ai đoái hoài.

14-52-15_dsc_1094
Nhờ tiền đấu thầu cái ao này mà HTX Phú Điền còn tồn tại được

Trước chủ trương sáp nhập các HTX thôn lại với nhau thành HTX toàn xã, bà Yên tâm sự HTX mình bé, biết thân biết phận nên sáp nhập cũng được nhưng những ông chủ nhiệm HTX to chưa chắc bụng họ đã ưng. Thói đời mà, “đầu gà hơn má lợn”.

HTX lớn đã thế, HTX siêu mi ni là Phú Điền do bà Lê Thị Yên làm chủ nhiệm còn lắm chuyện cười ra nước mắt hơn. HTX Phú Điền có 10,8ha, tức chỉ bằng diện tích đất của một hộ nông dân loại khá trong miền Nam. Thôn nhỏ, vỏn vẹn 32 hộ dân, tính từ 20 tuổi trở lên mới được 47 lao động. Cứ có hộ khẩu trong làng, có ruộng trong làng đều là xã viên hết.

Bà Yên bảo, năm 1982 về làm dâu trong làng, trở thành xã viên thì HTX lúc ấy cũng chỉ nhỏ như một cái kẹo, chẳng có một thứ tài sản, máy móc nào. Năm 2007, bà trở thành chủ nhiệm. Trước tình trạng HTX cứ phải thuê máy bơm ngoài với giá cắt cổ, bà đã triệu tập cuộc họp toàn xã viên và ra một quyết định mang tính lịch sử: Xuất 5 triệu đồng tiền quỹ mua một cái máy bơm ba pha. Cái máy bơm được xe lôi kéo từ thị trấn Thường Tín về làng trong sự hồ hởi, phấn khích của đám người già và trẻ con. Với họ đó đã là một cuộc cách mạng.

Cũng như các HTX trong xã, Phú Điền sống chủ yếu dựa vào việc cho thuê đất công, chỉ khác là diện tích đó quá ư nhỏ bé với khoảng 1,3 mẫu ruộng và 2 mẫu ao. Tổng cộng các khoản thu từ thủy lợi, BVTV, đấu thầu đất của HTX một năm chỉ khoảng 30 triệu. Số tiền eo hẹp đó còn đang có co ngót thêm bởi trước đây thóc gạo có giá, người ta còn ham đấu thầu tới 1,1 tạ/sào/năm mà cuộc nào cũng nảy lửa nhưng giờ giá 70 kg/sào/năm mà còn vật nài mãi mới có người chịu.

14-52-15_dsc_1071
Cái máy bơm của HTX An Hòa

Trong cái kho con con của HTX xây từ năm 1991 rộng khoảng 10m2 cất mỗi cái máy bơm trị giá 5 triệu. Từ hồi có nó, sợ nghiện ngập chôm chỉa bà Yên cắn răng xuất quỹ ra mấy triệu đồng để thay thế cửa gỗ, chắn song gỗ bằng cửa sắt, chắn song sắt. Chừng như vẫn chưa yên tâm, thỉnh thoảng vào buổi tối bà chủ nhiệm còn lén chồng con đi tuần quanh cái kho, chỉ lo trộm cắp nó bưng mất cái máy bơm thì khốn. Có máy bơm HTX cũng tổ chức được cái gọi là dịch vụ nội đồng để thêm thắt vào dịch vụ phát bả chuột trước đó. Tổng thu của hai dịch vụ này được khoảng 2 triệu.

Tài khoản của HTX hiện còn trên 10 triệu đồng nhưng theo bà Yên không dám chi tiêu gì vì để dự phòng thủy lợi nội đồng, bơm tát nước úng ngập. Mỗi lần đi họp trên huyện, đồng nghiệp xúm vào tíu tít hỏi nhau chuyện lương bổng chỉ càng làm bà thêm tủi, ngại ngần không dám nói. Hàng tháng bà nhận 250.000 đồng, trưởng kiểm soát, kế toán nhận 90%, thủ quỹ nhận 70% của số đó. Thảm hại đến mức không đủ tiền điện thoại, xăng xe.

Cuộc họp chi bộ, tổng kết hay sơ kết nào trong thôn bà Yên cũng đứng ra vận động chất xám, sức trẻ hãy xung phong làm lãnh đạo HTX nhưng chẳng ai ham vì ngại “ôm rơm rặm bụng”. Cực chẳng đã, bà phải đi đến từng nhà, vận động từng người làm chủ nhiệm, làm kế toán, làm thủ quỹ. Nói hết nước hết cái, kể từ hoàn cảnh gia đình đến sức khỏe, tuổi tác bản thân kiểu như: “Chị có tuổi rồi, bận con, bận cháu thôi chú giúp chị gánh cái chức ở HTX”. Nhưng vừa nghe đến đó ai cũng vội lắc đầu, rụt cổ mà chối: “Chết chết, cho chúng em đi làm kinh tế thì được chứ dính vào cán bộ là đói ngay!”.

Thế nên quanh đi, quẩn lại cũng chỉ có mấy người đã toan độ tuổi về già chấp nhận làm. Một điều đặc biệt từ chủ nhiệm, trưởng ban kiểm soát đến kế toán, thủ quỹ của HTX Phú Điền đều là nữ hết. “Không có chó đành bắt mèo vậy…”. Mấy chị em nhủ nhau. Nhớ nhất là có bận mưa bão về, nước ngập phăng đồng, bốn chị em bì bọp xắn quần lên tận bẹn để khơi một cái rãnh trên bờ sông sao cho nước thoát nhanh. Tịnh không có bóng dáng thanh niên nào chung tay cùng.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm