| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã... lạc xen sắn

Thứ Năm 04/06/2015 , 09:54 (GMT+7)

Việc trồng lạc xen sắn, lá, thân và rễ cây lạc (khoảng 4,5 tấn/ha) sẽ là nguồn phân xanh bổ sung cho đất, giúp cải tạo đất, chống xói mòn, đảm bảo canh tác bền vững. 

Trong những ngày miền Bắc nắng như đổ lửa, TS. Lê Quý Tường, PGĐ Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia, chủ nhiệm Dự án khuyến nông “Phát triển sắn bền vững tại các tỉnh miền núi phía Bắc” gọi tôi đi Phú Thọ và Vĩnh Phúc tham quan mô hình lạc xen sắn.

Vừa ở chảo lửa Nghệ An về, tôi lưỡng lự, TS. Tường bảo: “Chú không đi thì thật là đáng tiếc, vì chỉ mấy ngày nữa thôi là bà con thu hết lạc rồi, khi đó làm sao thấy hết giá trị của mô hình lạc xen sắn?”…

Đến Phú Thọ, vừa bước xuống xe, ông Hà Quốc Bình, Chủ nhiệm HTXNN Đỗ Sơn (Thanh Ba, Phú Thọ) mồ hôi nhễ nhại chạy đến đưa cho tôi cái nón cọ, rồi kéo tôi ra giữa đồi sắn xanh mơn mởn, nơi bà con nông dân đang thu hoạch lạc.

Ông Bình ôm một bó lạc đẫy đà giơ lên khoe: “Đây, nhà báo xem đi, lạc giống L14 nhiều củ như thế này, trên 100 kg/sào là cái chắc. Giá 10.000 đ/kg, bà con ẵm ngay 1 triệu đồng rồi. Làm gì ra? Còn sắn đây. Giống mới KM98-7, cây bụ bẫm, phát triển như thế này, 40 tấn/ha không phải nghĩ.

Trước đây bà con trồng giống sắn bản địa, nay vẫn trồng một khoảnh để đối chứng (ông Bình chỉ ra khoảnh sắn trồng giống bản địa gần đó) còi cọc như thế kia, năng suất chỉ 15-20 tấn/ha. Lạc xen sắn hốt bạc nhà báo ạ! Và cũng vì thế mà người dân trong vùng gọi HTX của chúng tôi là HTX lạc xen sắn. Đất đồi không có nước tưới, không trồng sắn, trồng lạc thì không biết trồng gì hiệu quả”.

Nông dân Hoàng Ngọc Phúc, xã Thanh Hà, Thanh Ba cho biết, quy trình kỹ thuật trồng lạc xen sắn rất đơn giản. Đến vụ, cày đất và lên luống sắn như bình thường. Sau đó rạch luống sắn đưa phân chuồng vào, trồng lạc vào rãnh trước, một thời gian sau mới trồng sắn vào luống. Lạc và sắn cùng phát triển.

Đến thời điểm này, sau hơn 2 tháng, lạc thì thu hoạch lấy củ mang về, thân, lá và rễ lạc để lại làm phân, còn sắn thì cao trên dưới 1m, rễ củ tỏa khắp nơi trên luống.

Phơi lạc khô, được giá thì bán, không được giá thì đóng bồ xong bà con bắt đầu đi vun đất và phân xanh gồm thân, lá và rễ lạc lên luống sắn, cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho sắn và tạo nên những luống sắn đủ chỗ cho hàng chục củ sắn mỗi hốc vươn dài 40 - 50 cm.

Rời Phú Thọ về miền đồi Xuân Hòa, Lập Thạch, Vĩnh Phúc lúc 15 giờ chiều, cũng là thời điểm có biên độ nhiệt cao nhất trong ngày. Thế mà, vừa về đến nơi, bà con xã viên HTX Dịch vụ Tổng hợp và VSMT Xuân Hòa ào ra đồi sắn đón đoàn. Ai cũng hỏi, ai cũng khoe. Không khí vui như hội mới thấy cái giá trị của những người làm nông nghiệp mang lại thu nhập cho dân.

"Hiện sắn vẫn là 1 trong 6 loại cây trồng chủ lực có giá trị XK trên 1 tỷ USD. Sản phẩm sắn luôn có thị trường tốt và còn nhiều tiềm năng. Vì vậy, phát triển sắn bền vững tại các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng và các vùng trồng sắn khác trong cả nước bằng mô hình lạc xen sắn hoặc cây đậu đỗ xen sắn cần được nhân rộng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách cho phát triển bền vững cây sắn”, TS Lê Quý Tường.

Chả thế mà ông Khổng Đình Thứ, Chủ nhiệm HTX Xuân Hòa thốt lên: “Đất pha sỏi này vốn là đất lạc. Nhưng giống lạc địa phương năng suất thấp. Nay trồng lạc L14 lại trồng cả sắn KM94 cùng một lúc bằng tiến bộ kỹ thuật, bằng giống mới thì chưa bao giờ chúng tôi mơ thấy. Thế mà là sự thật!”.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ tấm tắc: “Ở Phú Thọ, diện tích đất đồi không có nước tưới, trước đến nay bà con chỉ trồng những giống sắn địa phương năng suất thấp, đất đai ngày càng khô cằn, xói mòn.

Nhưng với việc trồng lạc xen sắn, lá, thân và rễ cây lạc (khoảng 4,5 tấn/ha) sẽ là nguồn phân xanh bổ sung cho đất, giúp cải tạo đất, chống xói mòn, đảm bảo canh tác bền vững. Năng suất cũng tăng lên, giá trị mỗi ha đất canh tác tăng lên gần gấp đôi. Ở Phú Thọ, dù mô hình trồng lạc xen sắn mới triển khai điểm ở một số huyện được 2 năm nhưng đến nay mô hình này đã có sự lan tỏa rộng khắp các vùng trong tỉnh”.

TS. Lê Quý Tường cho biết, qua 33 mô hình trình diễn năm 2013-2014 tại 6 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lào Cai, năng suất sắn đạt 28,5 - 43,7 tấn/ha, tăng 26,7% so với trước đây. Các địa phương đạt năng suất sắn cao như Phú Thọ 33,8 - 43,7 tấn/ha; Thái Nguyên 30,5 - 36,2 tấn/ha…

Trong khi đó năng suất lạc đạt trên dưới 1 tấn/ha. Có nơi như Vĩnh Phúc, Phú Thọ đạt tới 1,4 - 1,6 tấn/ha. Lãi thuần đạt tới trên dưới 42 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng sắn trước đây khoảng 16 triệu đồng/ha. Nghĩa là, trồng lạc xen sắn làm tăng lợi nhuận cho người dân thêm 16 triệu đồng/ha so với trước đây chỉ trồng sắn.

“Các mô hình trình diễn lạc xen sắn được nông dân miền núi phía Bắc đánh giá rất cao như những gì chúng ta đã chứng kiến. Nó đang như vết dầu loang ra khắp các vùng đồi núi phía Bắc.

Theo đó, đồng bào có điều kiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật canh tác xen canh; đạt hiệu quả đa mục đích, mà mục đích lớn nhất là xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập; tăng cường che phủ đất, hạn chế xói mòn, góp phần phát triển nông nghiệp các tỉnh miền núi bền vững.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm