| Hotline: 0983.970.780

HTX Cây con xã Chi Khê, 'bà đỡ' cho các hộ xã viên

Thứ Năm 03/05/2018 , 08:41 (GMT+7)

Sản xuất nông sản an toàn đang trở thành một trào lưu tại Nghệ An. Nhưng không phải ai bước vào lĩnh vực này cũng đều thu trái ngọt. Chấp nhận đương đầu với sóng cả, HTX Cây con xã Chi Khê (huyện Con Cuông) đang từng bước khẳng định vị thế của mình.

“Bà đỡ” của xã viên

Sản xuất giống cây lâm nghiệp tại xã Chi Khê đã có từ rất lâu. Nhưng phải đến năm 1999 mới thực sự ăn nên làm ra. Đó là thời điểm các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An được triển khai và có sức lan tỏa rộng.

08-36-37_htx_cy_con_chi_khe_sn_xut_thnh_cong_du_luoi_trong_nh_mng
HTX Cây con Chi Khê sản xuất thành công dưa lưới trong nhà màng

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Cây con xã Chi Khê cho biết, năm 1999 dự án UEC của cộng đồng Châu Âu hỗ trợ phủ xanh đất trống đồi núi trọc trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Để đáp ứng nhu cầu trồng rừng, địa phương có chủ trương xây dựng mô hình vườn ươm cung cấp cây giống có chất lượng cho người dân.

Ông Trung và một số hộ dân đã tiên phong tham gia xây dựng, phát triển mô hình. Thời điểm đó, HTX chưa được thành lập nhưng với việc nhiều hộ cùng chung sức xây dựng, mô hình đạt hiệu quả, mỗi năm cung cấp hàng trăm vạn giống cây trồng đảm bảo chất lượng cho người dân trong vùng.

Sau khi dự án kết thúc, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc sản xuất giống cây lâm nghiệp, người dân xã Chi Khê tiếp tục duy trì vườn ươm để cung ứng nguồn cây giống cho người trồng rừng trong huyện và các huyện phụ cận. Khi có nhiều hộ cùng tham gia, Chi Khê trở thành vùng sản xuất giống cây lâm nghiệp hàng hóa được người trồng rừng đặt niềm tin, hiệu quả kinh tế ngày càng tăng, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Với 1ha vườn ươm, mỗi năm các chủ vườn tại xã Chi Khê cung ứng ra thị trường 300 - 400 vạn cây lâm nghiệp và một số giống vật nuôi khác. Chất lượng giống cây cũng ngày càng được nâng cao, đa dạng hơn về chủng loại. Người dân Chi Khê đã chủ động ươm được một số giống cây lâm nghiệp như mét, keo, sưa, lát, trám đen và các loại cây ăn quả... Các vườn ươm tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với mức thu nhập bình quân 3 - 4 triệu/người/tháng.

Năm 2010, trước nhu cầu thực tế, để thuận tiện trong giao dịch và sản xuất, cung ứng giống cây, con cho người dân, HTX Cây con xã Chi Khê chính thức thành lập, thu hút 12 hộ xã viên với vốn điều lệ 900 triệu đồng.

Đến nay, HTX đã có 15 hộ xã viên, diện tích vườn ươm chỉ còn khoảng 4.000m2. Số diện tích còn lại cùng với trên 2,5ha đất 5% hợp đồng với UBND xã Chi Khê được chuyển sang những mô hình kinh tế hiệu quả hơn như trồng cà tím, cà chua, dưa vàng, các loại rau, củ, quả khác.

08-36-37_c_chu_mui_duoc_trong_trong_nh_mng_tren_gi_the
Cà chua múi được trồng trong nhà màng, trên giá thể
Từ thành công của mô hình sản xuất an toàn tại HTX Cây con xã Chi Khê, huyện Con Cuông đang xây dựng đề án sản xuất 20ha rau quả sạch (đến năm 2020) ở các xã Chi Khê, Bồng Khê và Thị trấn Con Cuông.

HTX trở thành “bà đỡ” cho các hộ xã viên, mức thu nhập tăng đáng kể. Bình quân mỗi năm, HTX thu về trên 2 tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của xã viên.
 

Vững tay chèo lái

Ở Chi Khê, người như ông Nguyễn Ngọc Trung được xem là “hàng hiếm”. Với nghề chế biến cao hà thủ ô và các dược liệu khác đã có thâm niên, uy tín hàng chục năm nay cùng với vườn rừng, trang trại, mỗi tháng gia đình ông cũng đút túi trên 20 triệu đồng. Thế nhưng ông vẫn “lăn” vào lĩnh vực sản xuất nông sản an toàn. Chẳng vì thế, khi thành lập HTX Cây con xã Chi Khê ông được tín nhiệm giao trọng trách làm giám đốc.

"Riêng nấu cao hà thủ ô, dù thuê nhân công làm tất tần tật mọi việc, mỗi tháng ông Trung cũng có 15 - 20 triệu đồng. Chừng đó đủ để một gia đình ở miền núi sống dư giả.

Ai cũng nghĩ ông Trung dở hơi khi nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp để phải chịu lỗ. Ở “địa hạt” đó, đầu tư cho ra tấm, ra món cũng mất tiền tỷ như chơi nhưng thu vào từng đồng. Nhất là khi ranh giới giữa sản phẩm an toàn và mất an toàn chỉ cách nhau một sợi chỉ, có lúc bị người tiêu dùng đánh đồng giá trị. Nhưng có lẽ nó ngấm vào máu thịt ông Trung. Đang lỗ nhưng ông Trung quả quyết chứng minh làm nông nghiệp “đàng hoàng” sẽ có lãi chỉ trong nay mai. Thực tế, ông Trung là cánh chim đầu đàn, nếu buông bỏ thì hộ xã viên sẽ nản ngay”, ông Mạc Diện, Phó phòng NN-PTNT huyện Con Cuông cho biết.

Chúng tôi không phải chờ lâu để được kiểm chứng lời ông Diện. Trên cánh đồng bạt ngàn cà pháo của xã Chi Khê, một xã viên đang thu hoạch nói như để trút hết bực dọc trong người: “Đó, cà pháo chúng tôi kiên quyết không phun thuốc trừ sâu như chủ trương của HTX, quả xấu, năng suất thấp. Vài tuần trước, hái xong đem ra đường, tư thương mua 5 - 6 nghìn đồng/kg. Tính ra, mỗi kg cà pháo bán ra thị trường, riêng công hái đã mất 1/2 giá trị. Còn một số hộ phun thuốc, mẫu mã đẹp, năng suất cao, bán được giá cao.

Nhưng đó là câu chuyện của tuần trước thôi, giờ cà pháo, cà chua được dám tem truy xuất, nông sản của chúng tôi đã tăng gấp 1,5 - 2 lần, cao hơn nhiều những hộ sản xuất khác nhưng cũng không đủ hàng cung ứng cho người sành ăn. Nếu không có ông Trung động viên chúng tôi đã quay lại lối làm ăn cũ rồi”.

08-36-37__cho_nng_sut
Ảnh: V.D

Năm 2017, lần đầu tiên ở huyện miền núi Con Cuông, một nhóm 5 hộ dân mạnh dạn trồng 1,5ha cà tím quả tròn hàng hoá với phương thức sản xuất sinh thái, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chăm sóc sinh học và canh tác bền vững để cho ra nông sản an toàn. Toàn bộ diện tích cà này được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và được HTX Cây con xã Chi Khê giám sát chặt về quy trình chăm bón.

Cũng trong năm 2017, được sự hỗ trợ của UBND huyện Con Cuông, HTX Cây con xã Chi Khê đầu tư xây dựng 2.000m2 màng lưới, trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương, thông gió. Sau vụ dưa lưới đầu tiên thất bát, lứa dưa thứ 2, HTX thu về trên 260 triệu đồng chỉ sau 80 ngày trồng và chăm sóc. Ngay sau 2 vụ dưa lưới, đầu năm 2018, HTX đầu tư trồng cà chua múi trên giá thể trong nhà lưới. Hiện cà chua đang vào vụ thu hoạch rộ, ước tính HTX sẽ thu hoạch 6 - 8 tấn quả, thu về trên dưới 100 triệu đồng.

Điều đáng nói là, sau khi cà chua, cà pháo được dán tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng ngày càng tìm đến nhiều hơn với các sản phẩm do HTX sản xuất. Đó thực sự là động lực giúp các hộ xã viên thêm tin tưởng vào kế hoạch sản xuất nông sản an toàn trong tương lai.

Để sản phẩm ngày càng tiệm cận tiêu chí an toàn, mới đây HTX Cây con xã Chi Khê đã thử nghiệm một số thuốc sinh học thay thế thuốc trừ sâu. Ngoài ra, các xã viên cũng đang tích cực học hỏi, sưu tầm các loại thiên địch để phục vụ sản xuất nông sản an toàn.

Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Trung đã mua 370 cây cà chua thân gỗ về trồng thử nghiệm. Theo ông Trung, với khí hậu tại huyện Con Cuông, nếu thành công có thể cho năng suất, chất lượng cao. Nguyện vọng của xã viên là sẽ tìm được con đường ngắn nhất để đưa sản phẩm vào các siêu thị. Và điều quan trọng hơn là nông sản an toàn của HTX sẽ “đóng đinh” trong lòng người tiêu dùng.

 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm