| Hotline: 0983.970.780

HTX chăn nuôi tốt đầu vào, lúng túng đầu ra

Thứ Hai 26/10/2015 , 07:15 (GMT+7)

Để tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, ở Đông Nam bộ (ĐNB) đã xuất hiện nhiều HTX chăn nuôi, do các chủ trang trại cùng nhau thành lập. 

Nhiều HTX đã làm tốt từ đầu vào tới quá trình sản xuất, nhưng lại vẫn đang gặp khó về đầu ra.

Tốt đầu vào

HTX Dịch vụ Chăn nuôi heo Đồng Hiệp (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) được thành lập từ năm 2007, mà thành viên là hàng chục chủ trang trại ở nhiều xã trong huyện. Trong 7 năm trời (từ 2007 đến 2014), HTX đã trải qua nhiều phen thăng trầm, mà nói như ông Nguyễn Kim Đoán, PGĐ HTX là “lên voi, xuống chó”.

Đến năm 2014, sau khi cơ cấu lại Hội đồng quản trị, HTX Dịch vụ chăn nuôi heo Đồng Hiệp (gọi tắt là HTX Đồng Hiệp) đã có một bước tiến quan trọng trong hoạt động, nhất là ở khâu đầu vào. Cụ thể, HTX đã trở thành cầu nối, giới thiệu các DN sản xuất TĂCN có tên tuổi, có năng lực cung cấp khối lượng lớn, tới các trang trại thành viên.

Từ đó, các trang trại đã có cơ hội tiếp cận những sản phẩm TĂCN chất lượng tốt với giá ưu đãi hơn so với giá mua thông qua các đại lý như trước đây. HTX cũng trở thành cầu nối giữa các nhà cung cấp thuốc thú y, dụng cụ thú y… có uy tín, và các trang trại, qua đó giúp các trang trại tiếp cận được trực tiếp với các loại thuốc và dụng cụ phục vụ cho việc phòng và chữa trị bệnh trên heo, với giá tốt hơn so với mua bên ngoài.

Các trang trại lại đã tự sản xuất được con giống có chất lượng tốt. Nhờ đó, các trang trại thành viên của HTX Đồng Hiệp đã có điều kiện giảm được giá thành cho heo thịt.

Đồng thời, HTX Đồng Hiệp cũng đã tổ chức xây dựng được chuỗi sản xuất heo an toàn cho trang trại thành viên. Theo đó, các trang trại thành viên đã cùng ký kết với nhau, thực hiện chuỗi sản xuất heo đảm bảo ATTP, với “3 không” trên heo thịt: không có chất cấm, không có dư lượng kháng sinh và không có mầm bệnh của các bệnh nguy hiểm (lở mồm long móng, tai xanh…).

Hầu hết trang trại của HTX Đồng Hiệp cũng đều đã đáp ứng được các yêu cầu về an toàn sinh học để giảm thiểu dịch bệnh. HTX tiến hành giám sát sản xuất ở các trại sao cho đảm bảo ATTP. Những yếu tố trên đã giúp HTX tạo nên sản phẩm heo an toàn, giảm giá thành, tăng hiệu quả chăn nuôi.

Cũng thành lập từ năm 2007, đến nay, HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (HTX Tiên Phong) thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM, đã trở thành một mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu trong ngành chăn nuôi của TP, nhất là trong việc xây dựng quy trình sản xuất heo an toàn.

Ngay từ khi mới thành lập, với đội ngũ xã viên ban đầu là 8 trang trại đều đã có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi heo công nghiệp, quy mô lớn, HTX đã tiến hành áp dụng ngay quy trình chăn nuôi heo an toàn, khép kín của Viện KHKTNN Miền Nam.

Theo đó, tất cả trang trại thành viên phải xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn hiện đại (chuồng cho heo nái, chuồng cho heo đẻ, chuồng cho heo thịt… phải tách biệt nhau); nuôi theo mô hình bán công nghiệp hoặc công nghiệp; có hầm biogas xử lý chất thải, chú trọng vệ sinh môi trường…

HTX hướng dẫn xã viên nuôi đúng theo quy trình an toàn và giám sát tình hình dịch bệnh ở các trang trại thành viên. HTX cũng đã tự sản xuất được con giống chất lượng cao từ nguồn heo cụ kỵ, ông bà nhập khẩu, đồng thời tổ chức cung ứng thức ăn chất lượng tốt, đảm bảo ATTP cho các hộ xã viên.

Nhờ đó, đến nay, HTX Tiên Phong đã thành công trong việc xây dựng chuỗi sản xuất heo an toàn, mang lại lợi nhuận khá và sự bền vững trong chăn nuôi cho các trang trại thành viên.

Vẫn khó đầu ra

Trước đây, HTX Tiên Phong từng hợp tác với Vissan để Cty này tiêu thụ sản phẩm của các hộ xã viên, nhưng chỉ được trong thời gian ngắn.

Ông Nguyễn Tấn Luận, PGĐ HTX Tiên Phong, cho biết, trong việc hợp tác này, HTX mong muốn các sản phẩm thịt heo từ nguồn heo thịt an toàn của mình, khi được Vissan bày bán, phải được thể hiện nguồn gốc xuất xứ từ HTX. Nhưng Vissan không đồng ý.

Vì thế, sự hợp tác đổ bể. HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong cũng đã từng thử đưa thịt heo an toàn vào bán thử trong hệ thống Co.op Mart, nhưng do nhiều khó khăn, phiền phức… nên đã phải nhanh chóng rút lui. Hiện tại, heo an toàn của HTX vẫn đang phải bán cho thương lái với giá như heo thường. 

Và dù đã được biết tới gần xa với tư cách là HTX chăn nuôi đầu tiên được chứng nhận VietGAHP, nhưng Ban giám đốc HTX Tiên Phong vẫn đang phải lặn lội đi tìm kiếm một nhà phân phối hay hệ thống siêu thị nào đó có thể đảm bảo được đầu ra ổn định, thuận lợi cho heo an toàn của HTX.

Năm ngoái, HTX Đồng Hiệp đã có được một tín hiệu vui về mặt thị trường, đó là ký được hợp đồng ghi nhớ với Cty Vissan về tiêu thụ heo thịt cho các trang trại thành viên của HTX. Theo đó, mỗi ngày, Vissan sẽ thu mua bình quân 200-300 con heo.

Nếu như thỏa thuận trên được thực hiện một cách nghiêm túc, HTX Đồng Hiệp coi như đã cơ bản đảm bảo được cả đầu vào lẫn đầu ra cho các trang trại thành viên. Đáng tiếc sau đó, sự hợp tác giữa HTX và Cty Vissan về tiêu thụ heo thịt không thành công. Hiện sản phẩm heo thịt an toàn của HTX Đồng Hiệp vẫn phải tiêu thụ qua các thương lái.

Khó tiếp cận được với các hệ thống phân phối lớn, HTX Đồng Hiệp đang nỗ lực tự xây dựng hệ thống phân phối ở các chợ trên địa bàn. Theo phương án này, ở mỗi chợ, HTX sẽ lập một quầy hàng, treo biển bán thịt heo an toàn do HTX sản xuất. Giá thịt heo an toàn sẽ cao hơn một chút so với thịt heo thường, để HTX có thể thu mua heo hơi an toàn của các hộ xã viên với giá nhỉnh hơn so với giá thị trường.

Để đảm bảo uy tín thịt heo an toàn, những trại nào dù là xã viên của HTX, nhưng trong quá trình nuôi không đảm bảo an toàn hay xảy ra dịch bệnh, sẽ không được bán vào hệ thống này. PGĐ HTX Đồng Hiệp, ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng, tuy giá thịt heo an toàn của HTX khi đưa ra chợ có cao hơn một chút so với thịt heo thường, nhưng với ý thức tiêu dùng sản phẩm an toàn của người dân đang được nâng cao, HTX tự tin vẫn có thể tiêu thụ được thịt heo an toàn tại các chợ truyền thống trên địa bàn.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

WinCommerce hướng đến mục tiêu 4.000 cửa hàng vào cuối 2024

Ngày 25/4/2024 tại TP.HCM, Công ty CP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024.

Bình luận mới nhất