| Hotline: 0983.970.780

HTX dẫn đầu Kiên Giang

Thứ Năm 03/10/2013 , 10:33 (GMT+7)

Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Thạnh Hòa, xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, nhiều năm qua luôn dẫn đầu tỉnh Kiên Giang về hiệu quả hoạt động.

Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Thạnh Hòa, xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, nhiều năm qua luôn dẫn đầu tỉnh Kiên Giang về hiệu quả hoạt động. Hiện HTX đang làm rất nhiều dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho xã viên.

HTX nuôi tôm trăm tỷ
HTX Thạnh Phước: Xã viên đều khá, giàu

Phát triển bằng dịch vụ

HTXNN Thạnh Hòa được thành lập từ năm 1995, với diện tích đất sản xuất trên 620 ha nhưng vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 17 triệu đồng. Cũng như nhiều HTX khác ở địa phương vào thời điềm đó, HTXNN Thạnh Hòa gần như không có dịch vụ gì ngoài tập hợp nông dân thông báo lịch thời vụ sản xuất, thuê mướn bơm tưới, còn ruộng thì mạnh ai nấy làm. Vì vậy, sau mấy năm hoạt động HTX cũng chỉ dậm chân tại chỗ. Thấy được điều này, năm 1998, ban chủ nhiệm HTX đã mạnh dạn đổi mới hình thức hoạt động. Sau khi được UBND huyện cấp giấy phép kinh doanh, HTX đứng ra huy động vốn của xã viên để làm dịch vụ bơm tưới, cung ứng vật tư nông nghiệp và đã gặt hái được thành công bước đầu…

Ông Đoàn Văn Bấu, Chủ nhiệm HTXNN Thạnh Hòa tâm sự: “HTX mà không có dịch vụ, chỉ tập hợp nông dân để thông báo lịch thời vụ, thuê máy bơm tưới chung, nhưng ruộng mạnh nhà nào nhà nấy làm thì chỉ tồn tại cho có hình thức. Người nông dân đã có đất, có lao động, cái họ cần là dịch vụ phục vụ sản xuất, từ khâu làm đất đến thu hoạch, phơi sấy và cuối cùng là đầu ra của sản phẩm. Thực tế cho thấy, HTXNN chỉ phát triển được khi làm tốt các dịch vụ này cho xã viên”.


Chủ nhiệm Đoàn Văn Bấu cùng xã viên HTX làm vệ sinh máy GĐLH do 
Ngân hàng Thế giới tài trợ

Từ năm 2006, HTX tăng vốn hoạt động và mở rộng thêm nhiều dịch vụ phục vụ xã viên gồm: bơm tưới, sản xuất kinh doanh lúa giống, xây dựng quỹ hỗ trợ xã viên (tín dụng nội bộ), máy gặt đập liên hợp (GĐLH), lò sấy và vận chuyển lúa… Hiện HTX đang có 1 trạm bơm điện với 12 mô tơ, trạm biến thế do ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ. Trong điều kiện bình thường, trạm bơm điện này đủ sức bơm tưới cho toàn bộ diện tích của HTX, nhưng khi cần thiết, trời mưa bão nhiều thì sẽ tăng cường thêm máy bơm, đảm bảo cho lúa không bị ngập úng. Nhờ bơm điện nên chi phí thấp, giảm được giá thành sản xuất cho xã viên. Tổ sản xuất, kinh doanh lúa giống gồm 15 thành viên, diện tích đất sản xuất 40 ha, năm 2012 cung cấp cho xã viên cũng như thị trường hơn 300 tấn lúa giống có chất lượng tốt.

Dịch vụ thu hoạch và sau thu hoạch, HTX có 1 máy GĐLH, 2 lò sấy công suất 8 tấn/lò/mẻ, 2 chiếc ghe (10 và 14 tấn) chuyên chở lúa cho xã viên từ nhà đến lò sấy và từ lò sấy về nhà lưu trữ chờ giá. Tổng nguồn vốn đầu tư cho các dịch vụ của HTX hiện nay đã tăng lên 2,6 tỷ đồng. Trong sản xuất, xã viên nào khó khăn sẽ được Ban chủ nhiệm HTX xem xét cho vay vốn (hiện nguồn quỹ tín dụng nội bộ của HTX là 1,6 tỷ đồng), tránh trường hợp phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất cao.

Ông Đoàn Văn Bấu phấn khởi cho biết thêm: “Nhờ làm tốt dịch vụ cho xã viên mà HTX đã được Sở NN-PTNT Kiên Giang chọn để tham gia Dự án Cạnh tranh nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ kinh phí. Theo đó, các HTX tham gia dự án sẽ được hỗ trợ chi phí xây dựng kho chứa lúa chuyên dùng, máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, máy GĐLH nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng hiệu quả sản xuất…”. Cụ thể dự án đã bàn giao cho HTX 1 máy GĐLH hiệu Kubota của Nhật trị giá trên 600 triệu đồng, HTX đầu tư thêm hơn 200 triệu đồng mua sắm chẹt (phà chở máy đi hoạt động) máy kéo lúa để đồng bộ khâu thu hoạch. Về kho chứa lúa, hiện HTX đang làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và cho bơm cát tạo mặt bằng. Khi hoàn thành sẽ tiến hành xây dựng kho chứa hiện đại 1.000 tấn và máy sấy công suất 40 tấn/mẻ. “Khi có kho, HTX sẽ cho nông dân lưu kho miễn phí một thời gian để chờ giá, hạn chế trường hợp phải bán giá thấp do thu hoạch rộ, diện tích còn lại HTX sẽ làm dịch vụ thu mua lúa cho nông dân trong vùng. Hướng tới, chúng tôi có thể đầu tư thêm nhà máy chế biến gạo để phục vụ nhu cầu xuất khẩu”, Chủ nhiệm Bấu nói.

Trăn trở về HTX

Theo ông Bấu, hiện nay chúng ta đã có luật và rất nhiều chính sách ưu đãi cho HTX nhưng thực tế HTX hoạt động vẫn gặp khó khăn hơn nhiều so với DN. Chẳng hạn như HTX rất khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng, vì họ đòi phải có tài sản thế chấp, trong khi đất HTX là của cá nhân xã viên thì làm sao mang đi thế chấp được. Trong khi đó, DN họ có thể đi vay hàng chục tỷ đồng từ ngân hàng rất dễ dàng. Ông Bấu băn khăn: “Tôi nghe nói Ngân hàng Hợp tác xã (Co.op Bank) mới được thành lập, không biết sau này HTX đi vay vốn có dễ hơn không? Vì nếu tới đây HTX làm thêm dịch vụ thu mua lúa sẽ cần nguồn vốn rất lớn, không tiếp cận được vốn ngân hàng sẽ rất khó khăn”. Hay việc đăng ký cấp giấy chủ quyền sử dụng đất của HTX cũng gặp rất nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà.

Vậy HTX có định chuyển sang loại hình DN để hoạt động không? – tôi hỏi. Ông Bấu khẳng định là không. Vì DN chỉ đơn thuần là làm kinh tế, còn HTX ngoài làm kinh tế còn phục vụ nông dân. Làm HTX phải tâm huyết với nông dân thì mới làm được. Sau mỗi chu kỳ sản xuất, Ban chủ nhiệm sẽ hạch toán, trừ chi phí sản xuất, quản lý và trích quỹ để lại cho HTX 20%, phần còn lại mới chia cho xã viên theo tỷ lệ góp vốn. Nguồn trích quỹ này hàng năm sẽ được đầu tư trở lại cho HTX như làm đê bao, nạo vét kênh mương, thủy lợi nội đồng, cầu đường, giao thông nông thôn… Nhờ đó mà hiện nay cơ sở hạ tầng của HTX Thạnh Hòa khá hoàn chỉnh, ruộng sản xuất 3 vụ/năm ăn chắc, đường giao thông được bê tông hóa, đi lại thuận tiện.

Ông Ba Đạo (Trần Hưng Đạo), xã viên HTX Thạnh Hòa phấn khởi: “Gia đình tôi có hơn 1 ha đất, trước đây làm lúa 2 vụ nhưng rất bấp bênh, nhờ vào HTX được đầu tư đê bao nên giờ làm 3 vụ/năm vẫn ăn chắc. HTX còn cung cấp lúa giống, làm theo quy trình 1 phải 5 giảm, các dịch vụ bơm tưới, thu hoạch, sấy… đều có sẵn nên không phải lo mỗi khi tới vụ, chi phí sản xuất giảm rõ rệt. Khó khăn, còn được HTX xét cho vay vốn nên rất yên tâm sản xuất”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Mong Thọ A cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 3 HTX nông nghiệp, trong đó HTX Thạnh Hòa hoạt động rất hiệu quả với nhiều dịch vụ thiết thực cho nông dân. Toàn xã hiện có 7 ấp với 3.086 ha đất lúa. Trước mắt chúng tôi không thành lập thêm các HTX mới, vì nếu mỗi ấp thành lập 1 HTXNN thì sẽ tốn kém do phải xây thêm trụ sở làm việc, bộ máy nhân sự phình to nhưng chưa chắc hiệu quả hoạt động đã tăng lên. Chủ trương của xã là tập trung mở rộng, nâng chất các dịch vụ để HTX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Những ấp chưa có HTX sẽ hoạt động theo hướng liên kết 2, 3 ấp vào chung một HTX để mở rộng tầm hoạt động.

Theo đó, sẽ cho tiến hành lập các tổ, đội sản xuất như bơm tưới, nhân giống lúa, thu hoạch lúa, dịch vụ lò sấy lúa ở tất cả các ấp… Các tổ, đội này sẽ gia nhập thành thành viên của HTX, chịu sự quản lý, điều hành của Ban chủ nhiệm HTX. Từ đó, sẽ nâng cao vai trò cũng như mở rộng phạm vi hoạt động của HTX, giúp phát triển sản xuất.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm