| Hotline: 0983.970.780

HTX, người sống khỏe, kẻ ngắc ngoải: Vĩnh Lại, liều thuốc hồi sinh

Thứ Tư 13/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Ở Vĩnh Lại chứng minh một điều rằng, HTX nông nghiệp toàn xã kiểu cũ tiến lên kiểu mới hoàn toàn có thể sống ổn, thậm chí sống tốt./ Cắt hỗ trợ thủy lợi phí, chết tốt!

Cặp đôi hoàn hảo

Quãng một, hai giờ sáng người ta còn thấy trên bờ đê Vĩnh Lại hai cái bóng đen chập chờn lúc mờ, lúc tỏ. Người yếu bóng vía tưởng là ma nhưng người to gan lại gần mới hay đó là bà Chủ nhiệm HTX và ông Phó chủ nhiệm đang đi canh nước.

Số là trời mưa, nhìn ra đường loang loáng toàn nước, bà sồng sộc bấm điện thoại gọi cho ông Phó chủ nhiệm đi kiểm tra ruộng đồng, cùng hẹn nhau ở bờ đê.

Trong buồng, chồng bà nói vọng ra, giọng vẫn còn ngái ngủ: “Hẹn hò nhau gì trời này?”. Bên kia đầu dây, giọng vợ ông Phó chủ nhiệm cũng léo nhéo: “Khéo lại rủ nhau đi đâu chứ nước non gì lúc này?”.

Nhưng không đi thì nước từ Bản Nguyên về sẽ ngập trắng đồng Vĩnh Lại nên không thể nấn ná, đành phải khoác áo mưa, mũ mão mà dậy.

Cánh cửa buồng khép lại lạnh lùng, ngoài trời vẫn tối đen như mực, chỉ có con chó béc giê trung thành lặng lẽ bám theo bà. Khi bà đi nó chạy sát gót, khi bà đứng nó nằm bên chiếc xe máy để canh gác cho chủ nhân…

Rồi là những buổi kiểm tra thụ phấn cho hạt lai F1, trưa trật rồi trên cánh đồng làng người ta vẫn thấy hình bóng của bộ đôi ấy. Lúc họ về đến trụ sở HTX trời đã chuyển sang chiều, bụng sôi ùng ục đành vớ tạm mấy cái bát sắt lưu kho từ thời nảo thời nào pha vội bát mì tôm cầm hơi.

Đũa chẳng có, Chủ nhiệm cùng Phó chủ nhiệm mỗi người hai cái thước kẻ và mì tôm ăn dã chiến.

Tôi về Vĩnh Lại (Lâm Thao, Phú Thọ) để gặp “cặp đôi hoàn hảo” chị Khuất Thị Ánh Tuyết và anh Trần Quốc Hùng. Khác với hình dung về những trụ sở HTX xập xệ, tồi tàn lắm cái chỉ ngang với một… chiếc chuồng trâu, trụ sở HTX Vĩnh Lại là một ngôi nhà hai tầng khang trang, trên nóc có lá cờ đỏ sao vàng phần phật bay trong gió.

Tấm biển treo trang trọng trên tường phòng Giám đốc có ghi “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” văng vẳng tiếng… hót của chim. Chú ý một hồi mới thấy lấp ló mấy sợi rơm thò ra từ cái tổ se sẻ đằng sau.

Trò chuyện cùng tôi, chị Tuyết thú thực vẫn cảm thấy luyến tiếc hai tiếng Chủ nhiệm nghe thân thương hơn nhiều hai tiếng Giám đốc thời nay nhưng biết làm sao được khi chuyển đổi theo luật nó phải thế.

Trước đây Vĩnh Lại có 3 HTX với công nợ hàng trăm tấn thóc còn trụ sở toàn phải đi ở nhờ. Năm 2000 chuyển đổi theo luật, HTX mới ôm mối nợ cũ tới 1,4 tỉ đồng nhưng xã viên đều tự nguyện làm đơn xin vào, cả 1.820 hộ đều nhất trí ủng hộ góp vốn bằng tiền mặt.

Vì sao? Vì HTX có trạm bơm nên nghe bảo nếu là xã viên sẽ được giảm thủy lợi phí. Vì HTX sẽ hoạt động thêm nhiều ngành nghề như BVTV, vật tư, giống… nghe bảo nếu là xã viên cũng sẽ được giảm phí.

Vì xã viên góp vốn nghe bảo tối thiểu sẽ được chia lãi bằng với lãi suất của ngân hàng lại còn được cho vay vốn sản xuất khi cần với lãi suất bằng mức thấp nhất của ngân hàng.

Tất cả hình dung ban đầu rất mơ hồ ấy nhưng nông dân đặt tất cả niềm tin vào chị Chủ nhiệm và anh Phó chủ nhiệm mến yêu của mình.

Thoạt tiên, mỗi xã viên góp 50.000đ còn lãnh đạo và người lao động thường xuyên của HTX góp vốn theo trách nhiệm, cao nhất là Chủ nhiệm 30 triệu rồi cứ thế thấp dần 3 triệu, 2 triệu, 500.000đ (điều dẫn nước).

Tiền góp theo trách nhiệm được 370 triệu cộng với trên 400 triệu tiền góp của xã viên là nguồn vốn quý báu để hà hơi, tiếp sức cho một “bệnh nhân” tưởng như mười mươi sắp “tay bắt chuồn chuồn” là HTX.

Riêng khoản tiền góp trách nhiệm có quy định khi người đó còn hoạt động trong HTX sẽ hưởng lãi suất bằng mức của xã viên đến khi nghỉ hưu sẽ được trả hết gốc.

Những “nghe bảo” ban đầu dần dần trở thành hiện thực. Như thủy lợi nội đồng ở Vĩnh Lại chỉ 24.000đ/sào trong khi các HTX khác 67.000đ/sào.

Như vật tư của HTX cung ứng giá thấp hơn giá thị trường 10-15% nên 100% xã viên sử dụng giống, 80-90% xã viên sử dụng dịch vụ (sở dĩ có được giá rẻ vì khác với các đại lý thường mua qua kênh phân phối cấp một, HTX trường vốn hơn nên mua trực tiếp của công ty lúc khuyến mãi để trữ sẵn trong kho kịp tung ra khi đến thời vụ).

Như nhờ HTX, làm ruộng trở nên nhàn tênh người dân chỉ việc cấy, bón phân rồi đi thu hoạch còn những công đoạn nặng nhọc, độc hại khác đều có các đội dịch vụ lo như bơm nước, làm đất, dự báo tình hình sâu bệnh, phun thuốc trừ sâu…

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Thọ thống kê tỉnh có 298 HTX nông nghiệp, trong đó chỉ có 23 HTX chuyển đổi theo luật. Số HTX hoạt động hiệu quả chiếm 30% còn lại đa số bình bình thậm chí nhiều cái đã “chết” nhưng không thể “chôn” được vì thủ tục giải thể phức tạp dù trước đây xã viên chỉ góp vốn bằng... mồm.

Đến khâu tiêu thụ, HTX còn kết hợp với các công ty ký hợp đồng bao tiêu giúp một phần lúa chất lượng cao hay tất cả lúa giống sản xuất được.

HTX Vĩnh Lại có quỹ xã hội trích từ lãi mà nên chứ không phải gò dân để đóng góp. Xã viên ốm đau Ban quản trị có 200.000đ thăm hỏi, khi chẳng may mất đi nhận được hai cái phong bì phúng viếng.

Một phong bì của UBND xã do thu quỹ phúc lợi từ dân 1,8kg/sào/vụ. Một phong bì của HTX không phải đóng góp gì cả.

Thấy vào HTX có lợi, số lượng xã viên không những giảm mà còn tăng thêm 20 thành viên so với hồi đầu thành lập. Xã viên mới là con cháu của những xã viên cũ khi lập gia đình tách hộ đã tự nguyện làm đơn xin vào.

Nếu cắt hỗ trợ thủy lợi phí vẫn sống tốt

Vĩnh Lại là một xã lớn có đến 1.250 ha đất nông nghiệp nên mỗi năm được cấp bù 1,8 tỉ đồng hỗ trợ thủy lợi phí. Đó quả thực là một số tiền khổng lồ đáng mơ ước đối với nhiều HTX khác nhưng chị Tuyết quả quyết kể cả cắt đi Vĩnh Lại vẫn sống tốt.

10-11-34_dsc_9743
Chuyện trò cùng xã viên

Hiện 1,8 tỉ đồng hỗ trợ ấy chủ yếu chi cho tiền điện, tu bổ, nạo vét kênh mương, điều dẫn nước còn lương của những người quản lý, lao động của HTX lại đến từ các khâu dịch vụ.

Nhiều lãnh đạo UBND xã hiện nay vẫn quan niệm rằng HTX là đơn vị trực thuộc mình nên khi được nghe tuyên truyền về HTX kiểu mới đã than rằng: “HTX hoạt động độc lập thế này thì xã còn chỉ đạo thế nào được nữa. Hỏng, hỏng hẳn rồi”.

10 dịch vụ là 10 khoản trả lương trong đó Giám đốc được cao nhất là trên 4 triệu/tháng còn người thấp nhất cũng là trên 3 triệu/tháng.

Cả thời thanh xuân, toàn bộ hi vọng của tuổi trẻ chị đều gắn liền với HTX. 31 năm làm ở HTX trong đó trên 10 năm làm Chủ nhiệm, chị Tuyết bảo nhiều HTX đi xuống vì cán bộ không tâm huyết, vì chất lượng dịch vụ kém nên nông dân chẳng mặn mà tham gia.

 Hỏi về hiện tại, chị chỉ ao ước nhà nước nên đầu tư vốn cho những HTX có khả năng để phát triển sản xuất vì như Vĩnh Lại đây tuy có 1,2 tỉ vốn lưu động nhưng cũng không thể xuể.

Hiện tại xã có khoảng 10-15% nông dân không muốn làm ruộng vì đất đai quá manh mún. Chỉ có dồn điền đổi thửa, chỉ có đưa cơ giới hóa vào sản xuất mới mong giảm được giá thành, mới mong sản xuất hàng hóa. Mà những cái đó cần phải có tiền, rất nhiều tiền để đầu tư.

Hỏi về dự định cho tương lai, chị bảo sẽ mở dịch vụ toàn phần trong nông nghiệp, diện tích nào dân bỏ HTX sẽ nhận làm cho bằng hết để sống chết với nghề.

Ở Vĩnh Lại chứng minh một điều rằng, HTX nông nghiệp toàn xã kiểu cũ tiến lên kiểu mới hoàn toàn có thể sống ổn, thậm chí sống tốt nhờ định hướng dịch vụ đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt và sự năng động của đội ngũ lãnh đạo.

Nơi đâu dân có lợi, HTX có lợi sẽ tự nhiên gắn bó còn nơi đâu HTX không làm được việc gì lợi cho dân thì dù tuyên truyền thế nào họ cũng không vào.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất