| Hotline: 0983.970.780

HTX nuôi thỏ đầu tiên ở Thái Nguyên

Chủ Nhật 17/04/2016 , 07:15 (GMT+7)

Đang có một công việc với thu nhập cao và ổn định tại dự án khai khoáng lớn nhất Việt Nam, bỗng nhiên Nguyễn Văn Quảng (xóm 13, xã Tân Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) xin nghỉ việc.

Người thân, đồng nghiệp can ngăn, họ hàng, bà con lối xóm khuyên nhủ cũng không được. Nếu không điên thì cũng dở - nhiều người nghĩ vậy. Hay anh ta thích làm chính trị bắt đầu từ vị thế là Bí thư chi đoàn thanh niên xóm? Hoặc Quảng có dự định đi theo cánh cửu vào rừng đào vàng? Họa có ma đưa lối, quỷ dẫn đường?!

Tư duy mới

Công việc tại Cty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo của Nguyễn Văn Quảng (SN 1988) là niềm mơ ước của nhiều thanh niên địa phương. Xứng đáng với danh tiếng là dự án khai khoáng lớn nhất Việt Nam, thu nhập của những công nhân như Quảng khá tốt. Dẫu vậy, Quảng cho biết, làm công nhân ở Núi Pháo có lương cao song mức thu nhập đó không thể có được đột biến tích cực, vẫn chỉ là làm thuê và không thể làm giàu được.

Mỗi khi đi làm về, nhìn thấy ruộng nương, đồi bãi, vườn tược của gia đình không được đầu tư, chăm sóc, tận dụng tốt, anh tiếc lắm. Nếu những tư liệu sản xuất hiện có được khai thác tốt thì đó chính là con đường, là giải pháp để vươn lên làm giàu bền vững ngay tại gia đình của mình. Vấn đề là chọn hướng đầu tư vào lĩnh vực gì?

Sau một thời gian nghiên cứu, anh quyết định lựa chọn mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm vì đây là con vật dễ nuôi, ít bệnh tật. Cuối năm 2014, Nguyễn Văn Quảng quyết định bỏ công việc vận hành máy tại Cty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo để về nhà lập nghiệp.

Quảng bắt tay vào lĩnh vực mới bằng việc tìm hiểu thông tin, tự bỏ tiền đi tham quan học tập mô hình ở nhiều nơi. Nhận thấy, loài thỏ rất dễ nuôi, sinh sản nhanh, song đây vẫn còn là món ăn xa lạ với các bếp ăn, nhà hàng, khách sạn và người dân, do đó đầu ra còn hạn chế. Mặt khác, nuôi thỏ đầu tư ít, lợi nhuận cao, quay vòng vốn nhanh, không cần nhiều diện tích, hạn chế rủi ro.

Ban đầu, Quảng đầu tư mua 15 đôi thỏ giống. Rất nhanh sau đó, mỗi năm thỏ cho 6 - 7 lứa sinh con với mỗi lứa 6 - 7 con. Quy mô đàn thỏ của thanh niên nông dân Quảng ngày một lớn. Tuy nhiên, khi tìm đầu ra cho sản phẩm thì anh Quảng bắt đầu gặp vướng mắc. Anh phải lặn lội tìm đến các cửa hàng, khách sạn giao bán. Người thân ngán ngẩm cho Quảng, có kẻ không ưa lại dèm pha chẳng kiệm lời, đúng là trời hành, thân con lừa, nhẹ không ưa lại ưa nặng!...

Cơ hội lớn mở ra đối với sự nghiệp của Quảng khi anh tiếp cận được với Cty Nippon Zoki của Nhật Bản. Cty này đã xây dựng nhà máy Công nghệ sinh học Konshi Việt Nam tại Bắc Ninh, công suất thiết kế 2 triệu con thương phẩm một năm để phục vụ cho ngành dược phẩm. Nippon Zoki sẵn sàng thu mua thỏ đạt phẩm cấp với số lượng lớn. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ công suất của nhà máy.

Tuy vậy, đơn vị này lại chỉ chấp nhận thu mua thỏ để chế biến dược phẩm với điều kiện số lượng lớn, có những chứng nhận cần thiết về xuất xứ giống và thú y. Được sự gợi ý của các cơ quan chuyên môn, anh Quảng quyết định vận động những người trẻ tuổi ở địa phương có cùng sở thích chăn nuổi để thành lập HTX Thanh niên Tân Linh (tháng 7/2015), hình thành vùng nuôi thỏ tập trung.

Hiệu quả

Theo anh Quảng, nuôi thỏ không khó, nhưng phải chú ý quan sát. Đặc biệt là thời tiết, vì loài thỏ rất nhạy cảm, khi chuyển mùa người nuôi phải chú ý để đảm bảo độ mát mẻ mùa hè và ấm áp mùa đông. Hơn nữa, hệ tiêu hóa của thỏ phức tạp, tránh tình trạng thỏ rối loạn tiêu hóa. Dấu hiệu nhận biết thỏ mắc dịch bệnh là phân nát, lông xù, kém ăn.

Hiện với những thỏa thuận với nhà bao tiêu sản phẩm thì việc chăn nuôi, chăm sóc thỏ lại dễ dàng hơn vì doanh nghiệp đã cung cấp con giống, thức ăn cũng như quy trình nuôi cho người chăn nuôi. Cái khó nhất là vấn đề đầu ra thì đã tìm được lời giải.

HTX Thanh niên Tân Linh do Nguyễn Văn Quảng làm Giám đốc với 20 thành viên, hiện có trên 8.000 con thỏ, trong đó hơn 1.000 thỏ nái. Thu nhập bình quân từ nuôi thỏ của các thành viên đạt 15 triệu đồng/tháng. Anh Đào Văn Lượng, Phó Giám đốc HTX Thanh niên Tân Linh cho biết, mức thu nhập sẽ liên tục tăng cao theo mức độ sinh sản của thỏ và sự gia tăng của quy mô đàn.

Chuồng thỏ của Giám đốc HTX Nguyễn Văn Quảng hiện có 150 thỏ nái. Mỗi tháng, Quảng bán được xấp xỉ 300 thỏ các loại (cả thỏ thịt và thỏ giống) với doanh thu đạt 70 triệu đồng. Trừ chi phí thức ăn và thuốc thú y, mỗi tháng Quảng bỏ túi 50 - 55 triệu đồng. Từ cách nhìn nhận về việc phát triển bền vững, Quảng cho biết, ngoài việc duy trì sự phát triển quy mô trang trại cho bản thân mình thì phải tính đến việc đảm bảo đáp ứng đúng những yêu cầu của đối tác.

Theo anh, trồng cây gì thì cây, nuôi con gì thì con, nếu không phát triển thành vùng tập trung thì chẳng thể nào tạo ra sản phẩm hàng hóa được. Vì vậy, anh bán thỏ giống cho những người nuôi mới nhằm tiếp tục mở rộng quy mô HTX, đảm bảo cung cấp thường xuyên, số lượng lớn thỏ thương phẩm cho Nippon Zoki.

Đánh giá về mô hình nuôi thỏ của HTX Thanh niên Tân Linh, ông Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đại Từ cho biết, tuy mới thành lập, nhưng hiệu quả ban đầu ở HTX Thanh Niên Tân Linh đã thấy rõ ở chỗ thu nhập của các hộ thành viên luôn ổn định và có chiều hướng tăng bền vững, số hộ đăng ký xin gia nhập HTX ngày càng nhiều.

Tham gia HTX, các thành viên được tập hợp trong một tập thể thống nhất sẽ có nhiều lợi ích. Trước hết, HTX được hỗ trợ khi thành lập, tập huấn cách thức quản lý và tổ chức hoạt động, cùng với đó là kỹ thuật chăn nuôi thú y theo đúng quy trình.

Quan trọng hơn, HTX có tư cách pháp nhân tự chủ về tài chính, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên thuận lợi hơn trong việc huy động vốn đầu tư, vốn vay phục vụ cho sản xuất. Các thành viên cũng kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm chăn nuôi, ổn định thị trường và tăng thu nhập cho họ.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.