| Hotline: 0983.970.780

Hứa Quyết Chiến

Thứ Hai 21/06/2010 , 09:15 (GMT+7)

Vợ kỹ sư Hứa Quyết Chiến vẫn gọi đùa ông là người “ba trong một”. Một "ông công nhân", một "thằng trí thức" và một "gã nghệ sỹ"...

Kỹ sư Hứa Quyết Chiến
Vợ kỹ sư Hứa Quyết Chiến vẫn gọi đùa ông là người “ba trong một”. Một "ông công nhân", một "thằng trí thức" và một "gã nghệ sỹ". Vợ gọi thì chẳng sai rồi. Nhưng còn cái tên của ông, liệu có quyết chiến không, hay chỉ là... "hứa" vậy thôi? Những việc làm bền bỉ của ông sẽ trả lời câu hỏi đó...

1. Ruộng lúa thực nghiệm của bà Tô Thị Lý ở xóm 4, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải (Thái Bình) hôm đó đông nghẹt người dân đến để được tận mắt chứng kiến một căn bệnh trên lúa đã được phòng trị như thế nào. Nhìn những bông lúa trĩu hạt chuẩn bị cho thu hoạch, năng suất dự kiến đạt đến 3 tạ/sào, chẳng ai nghĩ rằng, nó đã từng gần như bị nhổ bỏ, bởi một căn bệnh quái ác tấn công.

Còn nhớ, hồi đầu vụ ĐX, hàng chục nghìn héc-ta lúa tại nhiều tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ đang mơn mởn xanh tươi bỗng chốc xoăn đầu lá, thấp lùn, gân lá “sưng tấy” lên, rồi teo tóp biến dạng... Nông dân ngơ ngác hỏi nhau: Không hiểu đó là bệnh gì? Các nhà chuyên môn, nhà khoa học gọi đó là loại dịch hại trên lúa do virus có tên là “lùn sọc đen”. Chính thửa ruộng của bà Lý này, khi bắt đầu xảy ra bệnh, đích thân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã về khảo sát và khẳng định, đây là điển hình của bệnh lùn sọc đen.

Giới thiệu cách phòng trừ xong, bà Lý bỗng quay ra ôm chầm lấy kỹ sư Chiến: “Anh đã cứu ruộng lúa của tôi từ cõi chết trở về”. Không xúc động sao được khi người nông dân được chứng kiến thành quả lao động của mình, cùng với tiến bộ kỹ thuật trong phòng trị bệnh được áp dụng hiệu quả, đã hồi sinh cho chính nồi cơm nhà bà. Kỹ sư Chiến đã rơi nước mắt! Có được lời tri ân từ bà Lý, một nông dân mà ông đã đặt cả hy vọng về chế phẩm của mình vào, thì khóc cũng có sao, nhưng là những giọt nước mắt sung sướng khi thấy thành quả lao động của mình phần nào được đền đáp.

Ông Vũ Đức Hằng - Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải khẳng định, sau khi phun chế phẩm Enxin 4.5 HP, lúa đã lên xanh bình thường trở lại, phát triển tốt, sạch bệnh chứng tỏ thuốc có hiệu ứng tốt. Sau một thời gian thử  nghiệm phun chế  phẩm cho thấy số hạt/bông nhiều và màu vỏ hạt vàng sáng. Năng suất dự kiến đạt khoảng 250 – 300kg/sào, cao hơn 15% so với những diện tích không sử dụng chế phẩm. Exin 4.5 HP là chế phẩm được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát ký quyết định đặc cách đưa vào sử dụng từ năm 2001, nhưng chỉ để trị bệnh đạo ôn trên cây lúa.
Tôi vẫn nhớ như in hôm đi Ninh Giang (Hải Dương) với kỹ sư Chiến để thăm đồng lúa mà chế phẩm của ông đang được thực nghiệm. Khi ấy, từng dảnh lúa đã phát bệnh và héo úa. Nông dân cầu cứu ông Chiến, ông mang chế phẩm về để thử nghiệm. Thực ra, lúc đó chưa xác định được bệnh có phải lùn sọc đen hay không, nhưng biểu hiện bệnh thì 99% sẽ là dương tính với virus này. Khi chế phẩm được đưa vào sử dụng trên lúa khoảng 5 ngày, cũng chính là lúc lúa bắt đầu hồi phục và sinh trưởng tốt. Lúc qua phà sang Thái Bình, kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ninh Giang gọi điện cho ông Chiến, thông báo rằng kết quả xét nghiệm đúng là dương tính với virus lùn sọc đen. Tôi thấy ông Chiến lảo đảo, vịn tay và ngồi bệt xuống thành phà, mặt lộ rõ vẻ xúc động. Có lẽ, ông sung sướng quá, vì bước đầu, chế phẩm đã thành công trong việc khống chế “căn bệnh nan y” trên lúa này.

2. “Khi tôi được sinh ra tại Tân Trào, chiến khu Việt Bắc (21/5/1954), cũng như bao đứa trẻ khác, cái tên Chiến thường được các cụ đặt cho với mong ước rằng một ngày mai chúng sẽ tiếp nối cha anh chiến đấu giành hòa bình, độc lập tự do cho Tổ quốc. Nhưng đối với tôi khi ghép họ của ba tôi lại - Hứa Quyết Chiến - nó không chỉ là ước muốn bình thường mà hình như nó lại là định mệnh”, ông Chiến mở đầu câu chuyện với tôi như thế.

Mà thật vậy, ngoảnh lại nhìn gần 60 năm có mặt trên cõi đời và 30 năm công tác, kỹ sư Chiến đã phải đấu tranh không phải vì những lý tưởng cao siêu mà vì chính sự sống của bản thân. Có những khoảng thời gian, ông những tưởng đã không thể sống được nữa, bị dồn đến tận chân tường...

Học tập tại Bulgaria, kỹ sư Chiến về “đầu quân” cho một viện khoa học nông nghiệp ở phía Nam. Trong khoảng từ năm 1988 – 1990 một bệnh lạ xuất hiện trên ruộng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long bệnh được đặt tên theo triệu chứng là bệnh vàng lá lúa. Cả nước xúm vào nghiên cứu và tất nhiên sẽ có nhiều quan điểm khác nhau, ông Chiến cũng vậy. Sau này, chính việc “bất đồng chính kiến” trên là cái cớ để ông Chiến nằm trong “những trường hợp cần giảm biên chế”. Họ điều ông về làm thư viện. “Công việc của tôi trong lúc này là mỗi buổi sáng đạp xe qua một số tòa báo nhận báo về cho thư viện, sau đó xuống kho sách chọn đại vài cuốn nào đó đọc sơ qua, tóm gọn vào mấy chữ, đánh máy vào một tấm bìa nhỏ, đục lỗ gắn lên hộp theo thứ tự ABC. Ngồi một góc phòng thui thủi, nhìn các đồng nghiệp vào đọc sách trao đổi chuyên môn, sao thấy xót xa quá”, hồi tưởng quá khứ, ông Chiến bật khóc.

“Tác phẩm Bá tước Montechristo của Alexande Dumas tôi đã đọc không biết bao nhiêu lần, thuộc từng con chữ. Nhưng lúc nào trong mắt tôi cũng vẫn hiện lên trang cuối với hàng chữ in hoa “HÃY BIẾT HY VỌNG VÀ CHỜ ĐỢI”. Thật vậy, tôi đã hy vọng, đã chờ đợi để đến một ngày… Tôi vẫn tin, nếu mình muốn sống thì mình sẽ sống, thành công sẽ đến và một thực tế là chẳng có thành công nào mà không phải trả giá vấn đề ở chỗ là mnh có chịu đựng được cái giá đó hay không – và 
tôi đã chấp nhận cái giá đó”.

“Tức nước thì vỡ bờ”. Trong một buổi trưa khi nằm nghỉ, kỹ sư Chiến rút một cuốn tạp chí Science ra đọc thì thấy bài của hãng thuốc trừ sâu CIBA – GEIGY về tác động của salicylic acid do tác giả Dr Helmus Kessman viết. Đọc bài báo, ông Chiến nhận ra rằng, định hướng nghiên cứu của ông và tác giả kia giống nhau nhưng ở phần kết luận họ nói rằng không thể tạo ra chế phẩm từ salicylic acid. Trong khi đó, một kết quả nghiên cứu trước đây của kỹ sư Chiến lại khẳng định là làm được. “Vận may đến rồi”, ông Chiến hét to lên trong phòng thư viện. Thế rồi lại cạy cục đồng nghiệp, bạn bè giúp đỡ gửi chế phẩm đã nghiên cứu của ông cho bộ môn miễn dịch thực vật của hãng thuốc trừ sâu CIBA – GEIGY. Chờ đợi trong lo âu xen lẫn hy vọng, nhiều khi lại thất vọng vì không dám tin vào những kết quả mình làm. Và rồi khi nhận được thư của Dr Helmus Kessman, ông Chiến mở ra mà bàn tay cứ run bần bật, kết quả thật mỹ mãn. Ông đã như người mất hồn, không tin là sự thật, không dám nói cho ai, vì lúc đó chưa thể nghĩ một điều gì rõ ràng – chỉ có một hàng chữ tôi nhìn thấy rõ nhất “TÔI ĐÃ ĐƯỢC SỐNG”.

Năm 1996, một đề tài cấp nhà nước về virus hại cây trồng được triển khai nhưng quy định của Bộ KHCN khi đó là chủ nhiệm đề tài phải là tiến sỹ trong khi đó ông Chiến chỉ là một kỹ sư quèn. Ban lãnh đạo Viện đã làm đơn bảo lãnh cho ông Chiến vì cho rằng ông đủ năng lực để làm chủ nhiệm đề tài – được chấp thuận. Với số tiền nhà nước cấp cho khoảng 80 triệu đồng, kỹ sư Chiến đã hoàn thiện sản phẩm ALEX của mình và đặt cho nó hai tên mới phù hợp cho hai nhóm cây – Exin R cho lúa và Phytoxin VS cho rau màu.

“Thế là một trang nữa trong cuộc đời tôi được đóng lại, khi gập trang đầu tiên tôi đánh dấu bằng hai chữ “ĐƯỢC SỐNG”. còn trang thứ hai “CHIẾN THẮNG”. Còn trang thứ ba tôi đã mở ra và nó cũng không kém phần khốc liệt đó là “Thương trường”. Tuy vậy, tôi vẫn tin một ngày nào đó tôi sẽ gọi to lên: “Ba mẹ ơi, con đã THÀNH CÔNG, con không còn phải HỨA nữa”, ba mẹ tôi ở dưới suối vàng chắc sẽ hài lòng lắm vì đứa con của ông bà đã làm được một điều gì đó cho những con người”, kỹ sư Chiến tâm sự.

3. Vợ kỹ sư Chiến vẫn gọi đùa ông là người “ba trong một”, một "ông công nhân", một "thằng trí thức" và một "gã nghệ sỹ". Nói ông công nhân là bởi vì chế phẩm Exin 4.5HP mà ông sáng chế được chính ông pha chế, sản xuất, đóng gói và thậm chí là chở đi nếu khách hàng yêu cầu. “Thằng trí thức” bởi mỗi khi ông vùi đầu vào nghiên cứu, thì quên hết trời đất là gì, khái niệm thời gian dường như không tồn tại, tức là không làm ra tiền. “Mà phàm đã không làm ra tiền thì đúng là “thằng” chứ còn gì nữa”, kỹ sư Chiến hóm hỉnh nói với tôi. Còn “gã nghệ sỹ” thì chính xác như đếm. Khi đã ngồi trước bàn phím piano, kỹ sư Chiến tự ví mình như người cõi trên, ông “phiêu” với từng nốt nhạc, từng cung đàn… Trong ông, dường như lúc nào cũng tồn tại những con người khác biệt, lúc dữ dội, nhiệt huyết chảy tràn, lúc lại dịu êm, thơ mộng như chưa từng bị dòng đời xô đẩy…

Bây giờ mỗi khi ngồi trước đàn piano, những ngón tay kỹ sư Chiến chạy ngay vào những hợp âm của bản Sonate ánh trăng của V.L. Beethoven, giai điệu thật quen và lúc nào ông cũng cảm thấy thật lạ, nó như kể lại chuyện cuộc đời ông, quãng đời mà ông vừa muốn quên vừa muốn nhớ. “Đoạn kết tôi không đánh như V.L. Beethoven đã viết, sau khi chạy hết năm quãng tám và trở về với nốt đồ thăng ở octar thứ hai, đơn lẻ, tĩnh lặng như cuộc đời con người khi trở về với cát bụi với hai chữ “MÃN NGUYỆN”, ông Chiến trầm ngâm.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất