| Hotline: 0983.970.780

Hục hặc chuyện ăn tết nhà nội hay nhà ngoại

Thứ Hai 13/01/2020 , 10:20 (GMT+7)

Năm nay cháu quyết định và mua vé sớm, chỉ cháu và hai đứa nhỏ ra Bắc, chồng cứ mẹ góa mà ôm, không lăn tăn gì cả.

Cô kính mến!

Cháu và chồng đều là người Bắc vào miền Nam khi nhỏ. Cháu đồng bằng sông Hồng còn quê chồng thì bắc miền Trung. Nhưng khi em gái cháu theo chồng đi ngược ra Bắc thì bố mẹ cháu cũng theo ra sau đó.

Chồng của em cháu vững vàng, làm ăn phát đạt, hai đứa nó xây cho bố mẹ cháu ngôi nhà hai tầng rất tiện nghi trên mảnh đất của ông bà nội cháu ngày xưa, nay bỗng thành thị tứ. Đứa em trai út của bọn cháu ở nước ngoài thi thoảng cũng về với ngôi nhà ngày nay đã thành nơi tụ họp, đoàn viên của gia tộc cháu.

Trước đây, khi bố chồng cháu còn sống, thi thoảng chúng cháu đưa nhau ra Bắc ăn Tết với nhà ngoại, cũng dễ dàng hơn. Vì dù sao ông bà cũng có đôi, em gái của chồng cháu cũng ở cạnh đấy, dù em ấy cũng nặng nhà chồng nhưng khi không có vợ chồng cháu, cô ấy cũng quan tâm đến bố mẹ ruột của mình hơn.

Nhưng khi mẹ chồng góa, bà đâm ra khó tính, vì vậy mỗi khi Tết về, vợ chồng cháu cứ hay tranh luận nhau chuyện ăn Tết ở đâu, chia ra hay không chia ra.

Năm đầu kể từ khi mẹ góa, cháu không đánh tiếng, coi như phải ở bên cạnh mẹ. Năm sau còn tang, cháu cũng không nói gì, chờ đoạn tang. Năm thứ ba thì nỗi bồn chồn trong cháu thành đỉnh điểm, cháu kiên quyết với chồng, anh đi hay không cũng mặc, em và hai đứa nhỏ ra nhà ngoại ăn Tết đây.

Thế là chồng cháu ra theo và khi về, vấp ngay cảnh mẹ chồng hậm hực, kéo theo cô em chồng cũng nói anh chị nọ kia, không ra làm sao.

Khi bố mẹ cháu vào chơi, ông bà có đặt thành vấn đề với mẹ chồng cháu, nên như thế nào từ đây về sau cho vui vẻ cả làng. Cháu thấy xã giao với nhau thì vui chứ bàn vào việc chính, không ai nói gì cụ thể cả.

Thế là năm ngoái ấy, hai vợ chồng cháu cùng ra nhưng ra sau mồng một. Bố mẹ cháu thích cháu ra gói bánh chưng và mổ heo trước Tết cơ, nhưng đi thì mẹ chồng cháu lại dỗi.

Năm nay cháu quyết định và mua vé sớm, chỉ cháu và hai đứa nhỏ ra Bắc, chồng cứ mẹ góa mà ôm, không lăn tăn gì cả. Mẹ chồng vui hay không cháu không biết nhưng chồng lại cáu, nói tự quyền, đi thì đi luôn đi. Có chết không kia chứ? Làm sao cho vẹn cả đôi đường đây cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Mỗi việc Tết mà đâm ra hệ trọng, nặng nề quá nhỉ? Có lẽ nên nghĩ đơn giản và tình lý hơn chăng?

Bố chồng mất, mẹ chồng góa, các cháu đã đón Tết bên cạnh bà đúng hai năm, cho đến lúc đoạn tang. Cô thấy xử sự khi ấy là được, rất được. Nếu là bà mẹ chồng hiểu biết và rộng rãi, bà sẽ chủ động, năm thứ ba này các con đi ra nhà ngoại đi, mẹ ổn, mẹ thấy hai năm qua các con đối xử thế, mẹ ấm cúng lắm rồi.

Phải hay không? Ở đây chắc là mặt nặng mày nhẹ, con trai là chính, con trai phải ôm bàn thờ con trai phải chăm sóc mẹ, mẹ góa mà con trai biết không, con dâu biết không? Thêm cô em chồng đổ dầu vào lửa nữa, lớn chuyện.

Thông thường, thông gia ở Bắc rất giữ ý nhau, hai bên không điều đình được chuyện này đâu. Vả lại, lĩnh vực tình cảm, đâu như làm toán mà hai với hai là bốn. Nghĩa là mỗi năm mỗi khác dù Tết không có khác.

Vậy rất nên uyển chuyển giữa hai vợ chồng với nhau và cùng chịu trách nhiệm với nhau trong chuyện này. Không nên bên anh và bên em, khoan thai, thấu hiểu. Thuyền theo lái gái theo chồng, như em gái của cháu, cô ấy ra với chồng, xây dựng, thì không có nghĩa là cháu cũng nghiêng về bên cô ấy vì cô ấy vững và giàu.

Mẹ chồng góa khó tính, mình lại đùng đùng tự ý mua vé và xách con đi, coi sao được. Nếu đã, phải có lời nói lại cho chồng thông cảm, thậm chí dỗ dành, để êm xuôi. Vì vé mua rồi, đã mất tiền rồi, mà còn mất lòng nhau nữa, mệt, hết Tết luôn.

Và nên xác định, nhà chồng, nhà nội, Tết nhất, thi thoảng hãy ra với nhà ngoại, cũng tốt rồi. Không cứ gì năm nào cũng nhất định xé vợ chồng ra anh bên anh tôi bên tôi, coi chừng mình đã mạnh tay hắt đổ một ly nước đang đầy, không hốt lại được, nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm