Nhiều chính sách, nguồn lực cho "tam nông"
Xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, có vai trò quyết định trong phát triển bền vững, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều chính sách nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ của người dân sang phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với bảo quản, chế biến, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chủ lực.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng và ban hành khá đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua 6 quy hoạch lĩnh vực ngành và 25 chương trình, đề án, dự án, kế hoạch khác nhau như: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ cơ giới hóa, tích tụ đất đai; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; liên kết sản xuất theo chuỗi…
Theo ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên, tổng nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư cho sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 là hơn 52.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho tái cơ cấu nông nghiệp, thủy sản 4.400 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp sản xuất khoảng 400 tỷ đồng, ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng đê điều, thủy lợi 4.000 tỷ đồng).
Vốn đầu tư cho xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 là hơn 48.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách các cấp hơn 17.200 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 3.100 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 5.700 tỷ đồng, cộng đồng dân cư hơn 27.100 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch như quy hoạch phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, ngành nghề nông thôn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết tuyến sông Hồng và sông Luộc trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, định hướng đến năm 2050… nhằm đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu, đảm bảo phù hợp thực tế, phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh…
Chuyển mình mạnh mẽ
Nhờ những quyết sách, đầu tư, ngành nông nghiệp Hưng Yên đã chuyển mình mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhất là trong bối cảnh giá cả vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng cao, thời tiết, dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp...
Theo Sở NN-PTNT Hưng Yên, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2016-2020 của tỉnh tăng trưởng bình quân đạt 2,87%/năm. Giá trị sản xuất trên một ha canh tác năm 2020 đạt 210 triệu đồng (tăng gấp gần 10 lần năm 1997 đạt 22,28 triệu đồng/ha).
Trong lĩnh vực trồng trọt, đến hết tháng 6/2021, chuyển đổi được hơn 17.300 ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình sản xuất rau, quả, hoa cây cảnh, cây dược liệu... cho thu nhập cao gấp 3-5 lần so với sản xuất lúa.
Xây dựng được hơn 2.100 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho rau màu, cây ăn quả. Cấp chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa cho 26 sản phẩm, bao gồm: 1 chỉ dẫn địa lý nhãn lồng Hưng Yên và 25 nhãn hiệu hàng hóa tập thể như mật ong hoa nhãn Hưng Yên, nghệ Chí Tân (Khoái Châu), vải trứng Hưng Yên, hoa Xuân Quan...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tốc độ phát triển ngành chăn nuôi đạt bình quân 7-8%/năm (toàn quốc 3-3,5%), số lượng gia súc, gia cầm liên tục tăng (trừ đàn bò) và đang có xu hướng phát triển ổn định về quy mô với đàn lợn.
Tính đến hết tháng 9/2021, tổng đàn lợn ước đạt hơn 465.800 con, sản lượng 105.000 tấn. Đàn gia cầm ước đạt 9,8-10 triệu con, sản lượng 35.000-37.000 tấn. Cơ cấu con giống gia súc, gia cầm được chuyển đổi tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa tỷ lệ đàn lợn nạc, siêu nạc đạt gần 100%.
Công tác đào tạo tập huấn và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi được quan tâm và đạt kết quả tốt. Nhiều giống mới, công nghệ tiên tiến như quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP, tuần hoàn… ngày càng được nhân rộng (đến nay đạt khoảng 30-35%).
Trong lĩnh vực thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt hơn 5.600 ha, sản lượng đạt 48.400 tấn; hơn 52 ha, 101 lồng nuôi cá đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, phát triển nuôi cá trong ao bán nổi, nuôi lồng bè trên sông… với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá chép lai V1, cá lăng, cá diêu hồng, trắm đen...
Về tổ chức, quản lý trong sản xuất nông nghiệp, đến hết tháng 6/2021, toàn tỉnh có 331 hợp tác xã nông nghiệp, 155 tổ hợp tác nông nghiệp có chứng thực hợp đồng hợp tác, 714 mô hình kinh tế trang trại, 160 mô hình hợp tác liên kết sản xuất quy mô lớn, 70 sản phẩm OCOP được công nhận, 83 mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản hoạt động có hiệu quả...
Hệ thống thủy lợi và đê điều đều được đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng. 100% hệ thống thủy lợi, đê điều của địa phương được quy hoạch, xây dựng đồng bộ, nâng cao điều kiện phục vụ nhu cầu của nhân dân và phòng chống thiên tai tại chỗ.
Về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến hết năm 2020, có 145/145 xã (100%) đạt chuẩn NTM (tăng 113 xã so với năm 2015). Hưng Yên là 1 trong 8 tỉnh đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn NTM, 10/10 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 38 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Đổi mới mô hình tăng trưởng
Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết: Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hưng Yên tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, hướng tới phát triển bền vững...
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng bình quân từ 2,0% - 2,5%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất theo nội bộ ngành: Trồng trọt 40%, chăn nuôi 57%, dịch vụ nông nghiệp 3%. Cơ cấu theo nhóm cây trồng, vật nuôi: Lương thực 14%, rau quả, cây công nghiệp 26%, chăn nuôi, thủy sản 60%. Giá trị bình quân thu được trên 1 ha canh tác đạt trên 250 triệu đồng.
Hỗ trợ thành lập mới 80 HTX, 700 tổ hợp tác nông nghiệp; có trên 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Có 55-60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25-30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt từ 80 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; 100% các hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch…
Đến năm 2030, mục tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2026-2030 tăng bình quân từ 2,0% - 2,5%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nội bộ ngành trồng trọt 35%, chăn nuôi 60%, dịch vụ nông nghiệp 5%. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2-3 đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt từ 100 triệu đồng/người/năm trở lên...