| Hotline: 0983.970.780

Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thứ Ba 10/12/2024 , 17:59 (GMT+7)

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Khánh Hòa đang nhân rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao. Ảnh: KS.

Khánh Hòa đang nhân rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao. Ảnh: KS.

Mở rộng thí điểm nuôi biển công nghệ cao lên 110ha

Bài liên quan

Theo đó, trong giai đoạn 1 (từ nay đến hết năm 2025), Khánh Hòa sẽ mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao với quy mô 30ha, triển khai mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup).

Từ kết quả của mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Quỹ Thiện Tâm triển khai tại thành phố Cam Ranh với 10 hộ ngư dân tham gia, Khánh Hòa sẽ tiếp tục triển khai mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao với 150 hộ tham gia chuyển đổi từ lồng truyền thống sang lồng nhựa HDPE.

Theo đó, tại huyện Vạn Ninh sẽ triển khai 2ha với 10 hộ ngư dân tham gia; tại thị xã Ninh Hoà 1ha với 5 hộ tham gia; tại thành phố Nha Trang 1ha với 5 hộ tham gia; tại vùng Hòn Nội 10ha với 50 hộ tại huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh tham gia.

Cá nuôi ở vùng biển hở nhanh lớn, sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: KS.

Cá nuôi ở vùng biển hở nhanh lớn, sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: KS.

Giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2027), Khánh Hòa sẽ mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao với quy mô 100ha gồm 500 hộ tham gia chuyển đổi từ lồng truyền thống sang lồng nhựa HDPE. Giai đoạn 3 (từ năm 2028 - 2029), Khánh Hòa tiếp tục mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao với quy mô 110ha gồm 550 hộ chuyển đổi từ lồng truyền thống sang lồng nhựa HDPE.

Khó, nhưng phải làm

Bài liên quan

Khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Nguyễn Hải Ninh (nay là Bộ trưởng Bộ Tư pháp) cho rằng: “Càng ra vùng biển xa bờ thì rủi ro, thách thức càng lớn trong việc nuôi trồng thủy sản, làm thí điểm thì có thể thành công hoặc không thành công. Thế nhưng nếu không làm thì sẽ không biết bao giờ mới có được thành công”.

Như kỳ vọng của ông Nguyễn Hải Ninh, những mô hình thí điểm đã cho thấy hiệu quả vượt trội. Ví như hộ ông Phan Văn Thành và ông Nguyễn Văn Cư ở xã Cam Lập (thành phố Cam Ranh) mỗi người được hỗ trợ 2 lồng tròn HDPE đường kính 13m, thể tích 800m3, giá trị 530 triệu đồng đều thả nuôi cá bớp.

Chỉ sau 8 tháng, cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, đạt trọng lượng từ 6 - 7kg/con, tỷ lệ sống đạt 97%. Đặc biệt, màu sắc của cá nâu sáng, rất khỏe mạnh. Do vậy, nhiều người tham quan mô hình đều tấm tắc khen các hộ nuôi rất đạt và thành công.

“Mỗi lồng tròn được chúng tôi thả nuôi 2.000 con cá bớp, đạt sản lượng trên 10 tấn. Với giá cá từ 160.000 - 170.000đ/kg tùy loại, các hộ nuôi lãi khoảng 600 triệu đồng/lồng sau khi xuất bán”, ông Phan Văn Thành chia sẻ.

Hộ ông Nguyễn Minh Thơ ở phường Cam Thuận (thành phố Cam Ranh) được hỗ trợ một bè HDPE gồm cụm 6 lồng, mỗi lồng 24m3, treo 2 tầng lồng (tức 12 lồng), tổng giá trị 530 triệu đồng thả nuôi tôm hùm xanh tại vùng biển hở cũng cho kết quả tốt.

Người nuôi phấn khởi khi nuôi thủy sản ở vùng biển hở mang lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh: KS.

Người nuôi phấn khởi khi nuôi thủy sản ở vùng biển hở mang lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh: KS.

Theo ông Thơ, tôm nuôi được thả giống với mật độ 600 con/lồng. Tôm hùm nuôi đạt kích cỡ thương phẩm được rút ngắn từ 1 - 2 tháng so với nuôi gần bờ. “Sau 8 tháng tôm nuôi, tôm đạt trọng lượng khoảng 3 con/kg, tỷ lệ sống đạt 76%. Sau khi xuất bán, tôi lãi khoảng 30 triệu đồng/lồng”, ông Nguyễn Minh Thơ chia sẻ.

“Sau 1 năm triển khai, các lồng HDPE của mô hình nuôi thí điểm đều thu hoạch cho lợi nhuận cao hơn mô hình nuôi bằng lồng gỗ truyền thống. Trong đó, mô hình nuôi cá bớp tỷ suất lợi nhuận trung bình đạt 172%, mô hình nuôi tôm hùm đạt 112%, mô hình nuôi cá mú đạt hơn 131%”, ông Phương Minh Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa cho hay.

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, mô hình thí điểm phát triển nuôi biển với công nghệ tiên tiến là một bước đi mới trong hành trình vươn ra biển lớn để phát triển kinh tế biển của đất nước. Dẫu biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn trước mắt, từ việc quy hoạch không gian biển, đến việc chuyển đổi mô hình nuôi từ phương thức nuôi truyền thống lâu đời, rồi nguồn nhân lực chất lượng cao, đến việc mạnh dạn giao mặt nước biển theo thẩm quyền... nhưng “việc khó, không thể không làm được”.

“Mô hình nuôi biển tiên tiến dựa theo Luật Công nghệ cao năm 2008 cũng có thể hiểu là mô hình nuôi biển công nghệ cao, áp dụng linh hoạt và hiệu quả đa lĩnh vực công nghệ (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa) vào trong mô hình”, PGS.TS Võ Văn Nha chia sẻ.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển