| Hotline: 0983.970.780

Hướng đi nào cho nông dân?

Thứ Năm 28/10/2010 , 11:18 (GMT+7)

Từ xưa đến nay, bà con ta thường than thở: “Nông dân thì thời nào cũng khổ!”. Có lẽ, câu nói đó đúng qua ngàn đời rồi. Nhưng, nếu ta để ý sẽ thấy, vào thời buổi này, đã có rất nhiều nông dân vươn lên vượt trội.

Thậm chí, họ có được cuộc sống sung túc hơn nhiều nhà ở thành phố. Điều này rất lạ nhưng chỉ đến thời nay mới có. Phải chăng những nông dân đang vươn lên đó đã có được những phẩm chất mà bà con ta cần noi theo.

Hầu hết ở những nông dân này đều bộc lộ sự năng động, sự tìm tòi, sáng tạo, sự kiên trì và quyết tâm. Trong hoạt động sản xuất của họ thấm đẫm các tri thức khoa học mà nhiều người khác không có được. Họ vững vàng khi giá cả của thị trường chao đảo. Họ chấp nhận cạnh tranh và sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách. Họ ít ngồi than thân trách phận mà luôn luôn tìm tòi để vươn lên ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Chúng tôi đã gặp những người nông dân đó ở khắp nơi. Họ khao khát khoa học kỹ thuật và say sưa với những hướng đi mới. Chúng tôi luôn sát cánh với họ và tự hào trước những thành công của họ. Lớp người đó đang ngày một đông hơn. Nhiệm vụ quan trọng số một của nông dân là sản xuất ra lương thực và thực phẩm. Vào giai đoạn này, khi dân số tăng lên vùn vụt và đất đai sản xuất lại bị co hẹp nghiêm trọng thì nhiệm vụ đó càng trở nên thiêng liêng.

Một nửa thế giới cũng đang liêu xiêu vì lương thực. Bài toán lương thực là lẽ sống còn của hành tinh này. Việt Nam tự hào là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều người đến Việt Nam đã ngạc nhiên: “Vì sao nông dân Việt Nam sản xuất ra lúa gạo – mặt hàng quý nhất toàn hành tinh, mà nhiều nhà vẫn nghèo”.

Thế nhưng trong Festival Lúa Gạo vừa qua ở Hậu Giang, năm mươi điển hình tiên tiến về sản xuất lúa gạo lại là những người giàu có. Họ đã chứng minh hùng hồn cho chúng ta thấy: “Họ không hài hước mà đang vươn lên mạnh mẽ”. Điều bao trùm lên các báo cáo là ý thức năng động của họ trong việc áp dụng KHKT vào sản xuất. Những điển hình tiên tiến này luôn luôn theo dõi báo chí và sách vở. Họ đến gặp các nhà khoa học, bỏ công đi tầm sư học đạo, đi tham quan các nơi, học hỏi kinh nghiệm của mọi người.

 Vào thời đại này, chắc chắn KHKT là đòn bẩy để đưa năng suất và chất lượng của nông dân lên cao. Ai có KHKT, người đó sẽ thắng! Để có KHKT, bà con chúng ta có rất nhiều kênh tiếp cận như: qua đài, báo, tivi, sách vở, tham quan, trò chuyện… Điều quan trọng là chúng ta phải chủ động tiếp cận với khoa học. Rất nhiều bà con còn mời cán bộ KHKT ở các trường, các viện về thực nghiệm ngay trên ruộng của mình. Và kết quả mang lại rất khả quan.

Một xu hướng khác đang nổi lên, đó là việc tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Khi ruộng đất chật hẹp, năng suất lao động ngày một cao và tác động của phát triển công nghiệp và tích tụ ruộng đất làm cho lao động ở nông thôn thêm dôi dư. Đa phần họ là phụ nữ và những người lớn tuổi. Nhiều nơi coi đó là một trở ngại. Nhưng chúng tôi coi đó là một tiềm năng. Nếu biết sử dụng tốt lực lượng này, chắc chắn nông thôn chúng ta không thể nghèo đói được.

Cùng với đông đảo các nhà khoa học, chúng tôi đã “dọn sẵn mâm” cho lực lượng lao động này. Bộ sách “100 nghề nông dân” đang được chúng tôi lần lượt đưa ra dưới sự tài trợ của Cty Phân bón Năm Sao. Hàng vạn nông dân đã làm theo các hướng dẫn của chúng tôi để xoá đói giảm nghèo và vươn lên giàu có. Những nghề như: nuôi ếch, nuôi ba ba, nuôi lươn, nuôi cua biển, nuôi đà điểu, nuôi trùn đất, nuôi gà, nuôi lợn, nuôi bò sữa, nuôi bò thịt, nuôi trâu, nuôi ngựa, nuôi rắn hổ mang, nuôi ong mật, nuôi dê; trồng rau an toàn, trồng cà phê, ca cao, trồng cây trên vùng khô hạn, làm Biogas… Và cả những nghề rất mới như: nuôi nhím, nuôi lợn rừng, nuôi cầy hương… cũng được chúng tôi đưa ra. Khắp nơi, nông dân hồ hởi làm theo.

Trong các báo cáo về nông dân sản xuất giỏi ở hầu hết các tỉnh đều có những điển hình đã áp dụng các ngành nghề mà chúng tôi đã nêu ra. Họ đã tự vươn lên bằng chính các tiềm năng sinh học sẵn có ở địa phương, kết hợp với hướng dẫn của các nhà khoa học. Đây là một hướng đi chân chính và đầy hiệu quả. Nông dân hoàn toàn có thể vươn lên bằng các hoạt động này.

Bộ sách “100 nghề cho nông dân” đã hoàn thành được 30 cuốn – dạy cụ thể 30 nghề. Trong thời gian ngắn nhất, chúng tôi sẽ quyết tâm hoàn thành trọn vẹn cả 100 cuốn để phục vụ cho bà con nông dân trong cả nước đủ 100 nghề.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.