| Hotline: 0983.970.780

Hương Khê - Hà Tĩnh: Khốn khổ vì giống ngô kém chất lượng!

Thứ Ba 02/03/2010 , 10:44 (GMT+7)

Giống ngô kém chất lượng đang khiến hàng trăm hộ dân ở Hương khê phải tốn bao công sức, tiền của để gieo trỉa lại hàng chục ha trong vụ đông xuân 2009-2010.

Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nhận định được tình hình khả năng khô hạn trong vụ đông xuân năm nay, bà con nông dân huyện Hương khê (Hà Tĩnh) đã tập trung chuyển đổi hàng chục ha lúa cấy cưỡng sang trồng màu nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cây trồng vụ đông xuân. Thế nhưng do giống kém chất lượng nên hàng chục ha ngô ở huyện Hương khê phải gieo trỉa lại, làm ảnh hưởng đến kinh tế và niềm tin của nhân dân.

Vụ đông xuân năm nay, xã Hà Linh (Hương Khê) gieo trồng 85 ha ngô, trong đó cơ cấu 40 ha giống LVN10, chiếm gần 50% diện tích. Thời điểm này, cây ngô vụ đông xuân đã lên xanh tốt. Tuy nhiên, điều đáng nói là toàn bộ diện tích 40 ha ngô giống LVN10, độ nảy mầm chỉ đạt 50%. Trước tình hình đó, lãnh đạo xã Hà Linh đã chỉ đạo nhân dân gieo trỉa lại những diện tích ngô không mọc. Chúng tôi có mặt tại cánh đồng gieo trỉa ngô đông xuân của các xóm 2 và 3 xã Hà Linh, nơi có 40 ha diện tích ngô mới gieo trỉa lại.

Chị Nguyễn Thị Tỳ (xóm 2) và chị Phan Thị Nguyệt (xóm 3) xã Hà Linh buồn bã nói với chúng tôi: ''Nông dân chúng tôi đầu tắt mặt tối, đến mùa vụ lo làm đất, mua giống, phân bón để sản xuất. Các loại giống và phân bón chúng tôi đều đăng ký qua Hợp tác xã để mua. Nhưng vụ đông xuân năm nay, giống ngô LVN10 chất lượng quá kém. Mặc dầu thời tiết khô ráo, chúng tôi làm đất kỹ và gieo trỉa đúng kỹ thuật nhưng tỷ lệ nẩy mầm rất thấp. Gieo trỉa lần đầu mua giống với giá 43.000đ/kg mà giống không mọc được, bây giờ lại phải bỏ công làm đất, bỏ tiền mua lại giống nhưng cũng chỉ hy vọng lấy thân, lá làm thức ăn chăn nuôi gia súc thôi, bởi thời vụ quá muộn. Các ngành, các cấp cần có sự giám sát các loại giống cung ứng trên thị trường để nhân dân yên tâm sản xuất, chứ để tình trạng giống kém chất lượng trôi nổi thế này, khốn khổ cho nông dân lắm''.

Giống ngô kém chất lượng đang khiến hàng trăm hộ dân ở Hương khê phải tốn bao công sức, tiền của để gieo trỉa lại hàng chục ha trong vụ đông xuân 2009-2010. Tình trạng giống bán trôi nổi ở thị trường và thiếu tinh thần trách nhiệm của các nhà sản xuất, cung ứng giống đã làm ảnh hưởng đến kinh tế, mùa vụ và niềm tin của nhân dân. Vấn đề này, đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng ở Hà Tĩnh làm rõ, xử lý nghiêm và yêu cầu đền bù thiệt hại cho người dân.

Không chỉ ở Hà Linh mà nhiều địa phương trong huyện Hương Khê cũng rơi vào tình trạng mua phải giống ngô LVN 10 kém chất lượng, nhưng do các hộ dân mua đơn lẻ, không ký hợp đồng nên phải tự chịu trách nhiệm. Đây cũng là một thực trạng làm người dân băn khoăn lo lắng. Tại ốt đại lý giống ngô ở thị trấn Hương khê, chúng tôi gặp chị Võ Thị Hường (xóm 7, xã Hương Trạch) đang mua ngô giống. Chị Hường cho biết, gia đình chị năm nay cũng đã làm một sào ngô đông xuân với giống LVN10 nhưng tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt khoảng 25 đến 30%, buộc phải phá bỏ, hôm nay đi mua giống để về gieo trỉa lại. Số lượng ngô giống kém chất lượng này được bán ra khá lớn và chắc chắn rằng, diện tích ngô “dính” giống kém chất lượng này là không ít. Điều này, huyện Hương Khê cần tổ chức điều tra, nắm tình hình cụ thể, chính xác để có biện pháp xử lý.

Được biết toàn bộ số giống ngô kém chất lượng đã gieo trỉa ở các cánh đồng của huyện Hương khê khoảng 60 ha mà đặc biệt là 850 kg ngô giống do cán bộ Hợp tác xã Hà Linh ký kết hợp đồng mua tại đại lý cung ứng giống của chị Thái Thị Nga, nhân viên Trạm bảo vệ thực vật Hương khê. Chị Nga cho biết, đây là giống ngô của Cty CP Giống cây trồng Trung ương (ghi rõ trên bao bì) do chị mua lại của một công ty phân phối tại Nghệ An. Ông Nguyễn Văn Học - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Hương Khê cho biết: "Qua kiểm tra, chị Nga chưa có giấy phép cung ứng, buôn bán giống cây trồng. Chị Nga là nhân viên của Trạm, chúng tôi đã nhắc nhở nhiều lần nhưng chị vẫn không chấp hành".

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất