| Hotline: 0983.970.780

Hưởng ứng 1.000 năm Thăng Long: Suy tôn 1.000 hộ nuôi bò sữa giỏi

Thứ Sáu 01/10/2010 , 09:22 (GMT+7)

Hôm qua 30/9, đúng 1.000 người chăn nuôi bò sữa mát tay ở 8 tỉnh phía Bắc đã hội tụ về Ba Vì (Hà Nội),...

Hôm qua 30/9, đúng 1.000 người chăn nuôi bò sữa mát tay ở 8 tỉnh phía Bắc đã hội tụ về Ba Vì (Hà Nội), vùng đất có truyền thống và khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nghề nuôi bò sữa. Chương trình do Cty CP Sữa quốc tế (IDP) tổ chức để vinh danh những người nuôi bò sữa giỏi.

Ở thôn Hát Giang, xã Tản Lĩnh, gia đình anh chị Nguyễn Gia Hiệp- Nguyễn Thị Lê có mảnh vườn trồng hoa hồng bạch và hoa mộc lâu năm, nổi tiếng trong vùng. Nghề nông muôn đời nay vẫn thế, vẫn mùa nào thức ấy. Như nhà anh chị Hiệp- Lê mùa chanh thì bán chanh tươi, mùa đu đủ thì bán đu đủ chín,...tất bật quanh năm nhưng vẫn chưa giàu. Vài năm trở lại đây, người xã Tản Lĩnh trở lại với nghề nuôi bò sữa vốn có “truyền thống” từ những năm 1960, anh chị Hiệp- Lê gây dựng lại dần đàn bò. Hiện tại, gia đình anh chị có 2 lao động chính, mùa vụ phải thuê thêm một người cắt cỏ, chăm nuôi 6 bò sữa cao sản và 1 con bê. Trong số này, có 1 con bò cao sản mua từ dự án vay vốn không lãi suất, trả dần bằng… sữa của Công ty CP Sữa quốc tế (IDP).

Theo chị Lê, với đàn bò hiện có, mỗi ngày anh chị thu 100-160 lít sữa, trừ chi phí thức ăn, lãi ròng xấp xỉ 500 ngàn đồng/ngày. So với thu nhập trung bình ở vùng bán sơn địa này, mức lương của anh chị vào hàng khá giả. Có tiền, anh chị đầu tư trở lại cho con học hành và cũng đang chuẩn bị để mở rộng quy mô đàn bò. Được tham dự buổi tôn vinh người nuôi bò sữa giỏi, chị Lê phấn khởi lắm. “Đây là dịp để tôi được gặp những người chăn nuôi giỏi khác và học hỏi kinh nghiệm từ họ”- chị Lê khiêm tốn nói.

Chúng ta đã từng có nhiều bài học về chuyện đua nhau nhập bò sữa về, nhưng không biết cách nuôi và làm tiêu tan cả đống tiền do buộc phải thải loại bò sữa thành bò thịt. Thu nhập trên 1 ha đồng cỏ dành cho chăn nuôi bò sữa cao gấp nhiều lần trồng lúa đơn thuần, ai cũng biết thế nhưng muốn làm giàu bằng nghề nuôi bò lại cần phải có kiến thức.

IDP cũng đang cố gắng phát triển nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp của mình bằng cách gắn bó, tri ân và tôn vinh người chăn nuôi, như một cách tưởng thưởng lao động của họ, và tưởng thưởng cho một nghề còn khá mới mẻ với nông dân VN, nhưng nếu biết làm, thì chắc chắn có tiền.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, hiện nghề nuôi bò sữa đã phát triển khá mạnh tại 7 xã của huyện Ba Vì như Tản Lĩnh, Phú Phong, Yên Bài, Vân Hoà, Cổ Đô... Ngoài Hà Nội, có đến 7 tỉnh, thành khu vực phía Bắc như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, với hàng ngàn người nuôi bò bán sữa nguyên liệu cho IDP. Nhờ nghề nuôi bò sữa, thu nhập của người dân vùng chăn nuôi cũng tăng nhanh. Tại xã Tản Lĩnh, địa điểm đặt nhà máy số 2 của IDP, thu nhập bình quân/người/năm trong năm 2009 của bà con đã tăng 1,1 triệu đồng/người/năm so với 2008.

Phát triển thương hiệu phải gắn với trách nhiệm xã hội. Đây là tâm niệm của ông Nguyễn Tuấn Khải, TGĐ IDP. Theo ông Khải, muốn phát triển DN trong lĩnh vực cạnh tranh gay gắt là sản xuất sữa, 2 yếu tố tiên quyết là phát triển vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Với mong muốn cải thiện năng suất và chất lượng sữa tươi nguyên liệu, từ tháng 3/2010, IDP đã khởi động dự án đưa 1.000 người nuôi bò sữa đi học nghề nuôi bò, trung bình mỗi khoá học kéo dài 1 tuần dành cho khoảng 50 nguời nuôi bò.

Theo lãnh đạo TT Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, cơ quan phối hợp tổ chức khoá học với IDP, nghề nuôi bò sữa là một nghề khó, nếu không đủ kiến thức, người nuôi bò sẽ dễ mất cả con bò sữa trị giá hàng chục triệu đồng, tài sản rất đáng kể với các hộ gia đình làm nghề nông nghiệp. “Nghề nuôi bò sữa không phải để xoá đói giảm nghèo, mà là để làm giàu”- vị này cho biết.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.